Thứ Tư, 4/12/2024
Đức là gốc!

Thật đáng buồn và rất đáng suy nghĩ khi trong số những cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam có cả những người một thời là tấm gương về những công lao cống hiến cho đất nước. Những con người ấy đều được Nhà nước đào tạo công phu, bài bản và là những cán bộ từng giữ những cương vị lãnh đạo cao. Vậy mà...

Câu hỏi nhức nhối được đặt ra là: Tại sao vậy?

Câu trả lời ở đây phải chăng chính là liên quan đến đạo đức con người, sâu sắc hơn là “Đạo đức người cách mạng” như Bác Hồ kính yêu thường nhắc nhở.

 

Bác Hồ với cán bộ, công nhân ngành Đường sắt Việt Nam

Người xưa có câu: “Tiên tích đức, hậu tầm long” nghĩa là trước phải có đức, phải tu nhân tích đức, sau mới nghĩ đến chuyện tìm sự giàu sang phú quý. Đặc biệt, càng những người ở “quyền cao chức trọng”, càng cần có đức, bởi vai trò và việc làm của họ ảnh hưởng lớn đến xã hội, đến đất nước.

Muốn “Tề gia trị quốc, bình thiên hạ” thành công thì đầu tiên phải biết “Tu nhân” và “Tích đức”, và có Đức rồi thì phải thường xuyên tu dưỡng, giữ lấy Đức, giữ sự thanh tao của người đảng viên trong suốt cuộc đời cách mạng. Vì phải có Đức, người lãnh đạo mới có thể thu phục Đức của quần chúng; rồi lại đem đến cho quần chúng nhân dân những thành quả mà xã hội, đất nước có được... Hiểu được như thế thì cả người dân và các cán bộ lãnh đạo mới tích cực “tu nhân tích đức”, mới có thể mang phú quý thái bình, ấm no sung sướng về cho dân và sự phồn vinh cho đất nước.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

“Đức là gốc” vì trong đức đã có tài, có cái đức sẽ đi đến cái trí. Bởi người thật sự có đức thì bao giờ cũng cố gắng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện năng lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tận tâm, tận lực phấn đấu hy sinh vì cách mạng, vì nước, vì dân.

Quyền hành được giao cho người có đức thì mới làm nên những thành quả tốt đẹp cho quê hương đất nước. Ngược lại, quyền hành ở trong tay người thiếu đức thì đương nhiên sẽ làm suy giảm đạo đức xã hội, làm cho cái xấu hoành hành, điều tốt bị mai một.

Đã là con người, ai cũng có thể mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng cách hành xử lại khác nhau giữa người có đức và người thiếu đức: Với người có đức, họ tự nguyện, tự giác kiểm điểm sâu sắc bản thân và biết từ nhiệm để người khác có tài năng bản lĩnh hơn thay thế. Điều đó có lợi cho dân, cho nước và tốt cho chính người đó. Còn với người thiếu đức thì lại khác, vẫn cố giữ cho mình quyền chức vì lợi ích riêng, bất chấp những điều mình có thể làm hại cho nước, cho dân.

Xã hội ngày nay, do nhiều nguyên nhân và cũng từ mặt trái của cơ chế thị trường tác động, đã và đang phần nào làm xói mòn đạo đức, làm suy giảm những giá trị nhân bản truyền thống tốt đẹp của con người. Những thực tế suy thoái về đạo đức, lối sống đó đang kéo theo những hệ lụy và hậu quả khôn lường, cả nhãn tiền và lâu dài, thật đáng lo ngại vô cùng!

Trong hoàn cảnh, bối cảnh hiện nay, lòng tốt, đạo đức của mỗi con người càng cần thiết và rất cần được nhân rộng trong xã hội.

Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn.

Câu nói không những nhằm răn dạy những con người đang thực thi công việc, mà còn có tác dụng cảnh báo, răn đe. Và quyết tâm lớn của Tổng Bí thư trong công tác cán bộ hiện nay là kiên quyết xử lý và đưa ra khỏi đội ngũ cán bộ nhà nước những người không đủ đức, đủ tài. Sự quyết tâm phòng chống tham nhũng được thể hiện bằng hành động quyết liệt, nghiêm minh, nói đi đôi với làm qua việc xử lý kỷ luật đảng đối với những cán bộ vi phạm trong một loạt các vụ án lớn vừa qua, lấy lại niềm tin của nhân dân ta vào Đảng, Nhà nước.

Niềm tin đó càng được giữ vững khi ý chí quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng càng được thể hiện mãnh liệt qua lời khẳng định của Tổng Bí thư tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4 mới đây: “ Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.../.

Nguồn: dangcongsan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất