Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, về mặt ngôn ngữ, việc đổi tên trạm thu phí BOT sang trạm thu giá BOT vì đây là sản phẩm của doanh nghiệp và chịu sự điều chỉnh của Luật Phí và Lệ phí. Việc đổi tên giúp cho việc điều chỉnh mức thu linh động hơn. Theo quy định, doanh nghiệp muốn tăng giá phải đề nghị Bộ GTVT xem xét. Khi nào thấy hài hòa lợi ích, Bộ mới cho phép để điều chỉnh.
Có một thực tế, lâu nay, từ các bệnh viện đến các trường học của tư nhân, dù là 100% vốn của tư nhân thì người dân vẫn quen với từ “học phí”, “viện phí” mà không ai chuyển sang gọi là “học giá” hay “viện giá”. Chính vì vậy, khi Bộ GTVT đổi tên thành “trạm thu giá” đã làm dấy lên những băn khoăn, nghi ngờ mục đích của việc đổi tên này. Và với việc doanh nghiệp được quyền linh hoạt trong điều chỉnh giá cũng khiến nhiều người dân lo lắng khả năng doanh nghiệp đẩy giá lên?.
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định: Chữ "giá" trong "trạm thu giá" của Bộ GTVT, theo từ điển tiếng Việt không có nghĩa. Trong trường hợp này, phản ứng của người dân là có căn cứ "để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt", sự chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý và đã là Nhà nước thì phải dùng ngôn ngữ phổ thông, chuẩn mực, dễ hiểu và trước hết là thuần Việt.
Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc gọi tên là “trạm thu phí” hay “trạm thu giá” BOT thì vẫn phải đặc biệt chú ý đến lợi ích của người dân.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng thừa nhận từ “thu giá” chưa từng được sử dụng; đồng thời nhấn mạnh, vẫn là “dù giá hay phí thì người dân cũng phải trả tiền, do vậy, phải bảo đảm trả hợp lý”. Bộ GTVT, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này phải là đơn vị chịu trách nhiệm về việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân chứ không phải tìm cách hợp thức hóa việc thu tiền bất hợp lý.
“Bộ GTVT cần quan tâm rà soát khoảng cách, vị trí giữa các trạm, mức thu phí của các trạm; cần thanh tra, kiểm tra đếm số lượt mà các phương tiện giao thông đi qua các trạm BOT bảo đảm số lượt công bố chính xác… Khi xảy ra sự thiếu minh bạch thì cần phải xử lý quyết liệt" - Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói.
ĐB Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chỉ ra: Luật Phí và Lệ phí mới có hiệu lực thì có khoảng 20 khoản trước đây gọi là phí được chuyển sang gọi là giá dịch vụ. Tuy nhiên, phí đường bộ chưa nằm trong danh mục chuyển sang giá dịch vụ.
ĐB Nhã cũng lưu ý, về nguyên tắc, giá sẽ cao hơn phí vì nó phải đảm bảo lợi ích, trước mắt là lợi ích của nhà đầu tư để người ta hoàn lại chi phí đầu tư xây dựng đường, để trả lãi vay ngân hàng và lợi nhuận hợp lý để hoạt động. Nhà nước và người dân cũng có lợi ích trong đó. Do đó, “không thể thả nổi được”. Nhà nước sẽ quyết định doanh nghiệp thu ở mức bao nhiêu cho hợp lý. Sẽ phải có một khung giá, trong đó có mức trần.
“Nếu chuyển từ phí sang giá thì cần thiết phải có sự điều chỉnh của các cơ quan có thẩm quyền, ít nhất là phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục. Khi đó, các khoản thu được đề xuất mới có căn cứ pháp lý để chuyển từ phí sang giá”, ĐB Nhã nhấn mạnh.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương cho rằng, chuyển sang thu giá BOT là đúng, nhưng phải xác định từng dự án cụ thể. Nếu thu trên đường hiện hữu, đường độc đạo, người dân không có lựa chọn nào khác dễ dẫn đến giá độc quyền.
ĐB Bùi Văn Phương cũng tỏ ra trăn trở: “Lúc trước, thu phí cần sự kiểm soát của Nhà nước mà còn diễn ra như vậy. Nay giá do doanh nghiệp định sẽ nảy sinh vấn đề”.
Theo ĐB Bùi Văn Phương, chuyển từ phí sang giá là quá trình cần phải tính toán kỹ. Theo đó, cơ quan chuyên môn phải làm rõ cơ sở, căn cứ chuyển sang giá. Nếu BOT xác định là giá thì thu ở cung đường nào. Nếu cung đường trên nền đường cũ do Nhà nước đầu tư, cấu trúc đường độc đạo thì việc thu giá là bất ổn.
“Tôi cho rằng, có những trạm không được chuyển sang giá mà vẫn phải là phí. Đơn cử, đường độc đạo, đường hiện hữu mà trước đây Nhà nước đầu tư. Những đường này, doanh nghiệp không thể tự định giá" - ĐB Bùi Văn Phương đề xuất…/.
Theo Báo điện tử Đảng cộng sản