Thứ Ba, 10/9/2024
Cho thuê đất 99 năm: Không chỉ là vấn đề trong Quốc hội
 
 

Đảo Phú Quốc, một trong ba đặc khu dự kiến trong tương lai

Theo chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 5, vào ngày 15-6, trước khi họp phiên bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, không chỉ các ĐBQH đang còn ý kiến rất khác nhau mà trong xã hội, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhân dân đang đặc biệt quan tâm đến dự thảo luật này.

99 năm là một sự giao phó

Theo quan điểm của ĐBQH Dương Trung Quốc, dù đến lúc này hình thành đặc khu là quá muộn nhưng cũng cần có 3 đặc khu dành cho các nhà đầu tư. “Tuy nhiên, chúng tôi có cảm giác khi xây dựng các đặc khu này chúng ta mới nhìn mặt tích cực, thành công của các nước bạn chứ chưa xem thất bại ra sao”, ĐB Dương Trung Quốc nói và cho rằng, tỷ lệ thành công - thất bại khi Việt Nam xây dựng đặc khu là 50 - 50.

“Do đó chúng ta cần có sự thận trọng, không thể mang ra thử nghiệm cùng một lúc 3 đặc khu có giá trị “bờ xôi, ruộng mật” được. Quan trọng nhất là vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng, bởi cả 3 đặc khu trên đều liên quan trực tiếp đến biển Đông. Nhiều người nói có thể thử nghiệm, nhưng với tôi không thể mang chuyện cho thuê ưu đãi đất 99 năm ra để thử nghiệm được. Khi anh đã "bút sa gà chết" thì không thể thử nghiệm được. Bài học xương máu tại Hà Tĩnh khi ký 70 năm Formosa chúng ta còn rất rõ. Khi xảy ra vụ ô nhiễm môi trường chúng ta mới vào cuộc được, tuy nhiên cũng chỉ mới giải quyết về vấn đề xử lý môi trường còn hợp đồng cho thuê đất 70 năm vẫn còn đó”, ĐB Dương Trung Quốc chia sẻ.

Theo ĐB Dương Trung Quốc, chúng ta đang ở thời đại công nghiệp 4.0, mục tiêu là thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao thì đó lại là lĩnh vực không cần phải thuê đất đến cả trăm năm. Nhưng cũng cần cân nhắc đến vấn đề địa chính trị của chúng ta.

“99 năm không chỉ là một biểu thị "50 + 49 năm" mà nó là một sự giao phó. Nếu làm tốt thì có thể ký vài mươi năm cũng được, không phải lấy mức 99 năm ra”, ĐB Dương Trung Quốc nói. Theo ông, vấn đề môi trường đầu tư là quan trọng nhất, khi môi trường kinh doanh tốt nhà đầu tư sẽ tự tìm đến, họ làm ăn tốt họ sẽ ở lại lâu dài với chúng ta và ngược lại không ai có thể giữ họ ở lại được.

“Thế giới thay đổi lớn lắm, chúng ta nên nhìn trong tầm nhìn của mình, không được chủ quan để có tầm nhìn xa, đặc biệt không được mang đất nước ra để thử nghiệm”, ĐB thẳng thắn.

Còn theo ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), thời hạn 99 năm là thời hạn cho thuê. Ở đây được hiểu một bên là chủ sở hữu có quyền cho thuê và một bên chỉ được thuê lại, việc sử dụng đất trong thời hạn đã định. Điều này cũng khác với nhượng địa, chuyển nhượng nên cách hiểu phải nhất quán.

Đánh giá ưu đãi so với các nước khác có đặc khu kinh tế, ĐBQH Lê Thanh Vân, đồng thời là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng ưu đãi về thuế, đất đai tại các đặc khu thì mỗi nước có quy định khác nhau. "Nhưng trong dự thảo luật lần này đã đặt ra ưu đãi vượt trội, nhiều ý kiến đại biểu còn khác nhau với dự thảo và những quy định. Nhiều đại biểu, trong đó có tôi cho là không nhất thiết ưu đãi quá nhiều. Quan trọng là môi trường đầu tư phải minh bạch, năng lực của chính quyền phải thực sự trong sáng, thủ tục hành chính nhanh gọn" và môi trường đầu tư là quan trọng nhất, ĐB Lê Thanh Vân nói.

"Có những ý kiến thì cho rằng ưu đãi tại đặc khu phải vượt trội, phải “lót ổ” thì mới thu hút được nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi cho rằng mô hình đặc khu đã trải qua nhiều giai đoạn, có nước thành công, có nước thất bại. Ta đi sau, đúng như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, phải coi đây là "phòng thí nghiệm" về thể chế. Rõ ràng, thể chế không chỉ là ưu đãi, mà là mô hình tổ chức, vận hành của cơ chế chính sách nào vừa thông thoáng, vừa hấp dẫn. Quan trọng nhất là sự minh bạch. Và đối tượng thu hút tới đặc khu phải là công nghệ cao, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, còn những ưu đãi khác mà trong nước chúng ta đang cần thì cần phải tính toán", ĐB Lê Thanh Vân cho hay.

Đề nghị Quốc hội lấy ý kiến từng ĐBQH

"Về thời hạn ưu đãi cho thuê đất 99 năm cũng vậy, đây không chỉ là vấn đề trong Quốc hội còn có ý kiến khác nhau mà ngoài dư luận xã hội đang được nhân dân rất quan tâm. Tôi đánh giá rất cao với những vấn đề lớn, quan trọng như thế này, nhân dân rất quan tâm. Theo tôi, thời hạn đó mới là đề xuất của Chính phủ, còn quyền quyết định là của Quốc hội. Vì vậy, phải xem xét vấn đề cẩn trọng. Có lẽ Quốc hội phải thực hiện quy trình lấy ý kiến riêng từng ĐBQH xem có đồng thuận không, có phương án 99 năm hay không, hoặc có thể biểu quyết riêng về điều này. Và quyền quyết định tối cao vấn đề này vẫn là Quốc hội. Tôi tin ĐBQH với trọng trách của mình và sự gửi gắm của cử tri sẽ có quyết định sáng suốt nhất", ông Vân nhấn mạnh.

Sáng 5-6, bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng việc xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là vấn đề mới và khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam, nên khi xây dựng phải thận trọng, cập nhật với thông lệ quốc tế.

Tuy kỳ vọng cho bước đột phá cho sự phát triển, nhiều thành công ở các đặc khu, nhưng ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng những thất bại khi xây dựng đặc khu ở các quốc gia khác nhau buộc chúng ta phải thận trọng.

ĐB Nguyễn Bá Sơn cho hay: “Nhân dân hãy tin một điều là các ĐB đang lắng nghe ý kiến của nhân dân, cử tri. Tôi tin tưởng đại biểu sẽ làm tròn trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân. Tôi sẽ thể hiện quan điểm bằng quyết định bấm nút. Nhưng trước khi bấm nút, Chính phủ cần giải trình rõ là tại sao phải là 99 năm? Giữa quy định hiện tại của pháp luật với 99 năm đó thì hệ lụy gì xảy ra? Cơ chế nào để ngăn chặn những hệ lụy đó?”, ĐB Sơn nói.

Theo PHAN THẢO/sggp.org.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất