Thứ Hai, 23/12/2024
Nhân dân đánh giá cao quyết định hoãn thông qua Luật về đặc khu

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật Đặc khu) sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới.

Trước quyết định này, các chuyên gia, người dân nhận định, việc đề nghị Quốc hội hoãn thông qua dự thảo Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã thể hiện rõ trách nhiệm và sự cầu thị, lắng nghe nhân dân của Chính phủ.

Đánh giá cao quyết định của Chính phủ

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho biết: “Tôi rất ủng hộ quyết định này của Chính phủ, vì đã thể hiện được tinh thần lắng nghe, cầu thị ý kiến của nhân dân cả nước. Tôi rất ủng hộ việc cần có thời gian nghiên cứu kĩ hơn để tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước”.

Theo ông Tiến nhìn nhận, cách đây không lâu, khi trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cũng thể hiện sự cầu thị khi cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri là nhân dân cả nước và các chuyên gia, các nhà khoa học.

“Tôi rất tán thành và hoan nghênh quyết định không đưa vào dự thảo Luật quy định cho thuê đất 99 năm mà sẽ thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Đất đai hiện hành”, ông Tiến nói.

Về vai trò và ý nghĩa của dự thảo Luật Đặc khu, ông Tiến cho rằng, vấn đề thí nghiệm thể chế cũng vẫn nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Không thể lấy lý do là “đặc khu” mà lại đứng trên tất cả mọi pháp luật khác là không được. Luật này là tạo môi trường đầu tư tốt hơn chứ không phải là hướng đến ưu đãi tuyệt đối.

“Chúng ta còn có hai đầu tàu kinh tế lớn là Hà Nội và TP.HCM, ngoài ra còn có 7 vùng kinh tế khác nữa, nên phải làm sao để đặc khu kinh tế và các vùng kinh tế khác phải hài hòa trong khuôn khổ pháp luật chung. Nếu chúng ta cho thuê đất ở đặc khu theo đúng tinh thần Luật Đất đai, và nếu họ làm tốt, có hiệu quả thì sẽ gia hạn thêm, không nhất thiết phải là đặt thời hạn cho thuê gần một thế kỷ. Đặt ra thời hạn như thế thì sau này thu hồi rất khó vì còn liên quan đến các vấn đề xã hội, an ninh, quốc phòng”, ông Tiến nói.

“Xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nhưng không thể đặc biệt tới mức mà bỏ qua các quy định của luật khác được. Quyết định thế nào là quyền của Quốc hội. Lùi thêm 6 tháng nữa để hoàn thiện, bổ sung thêm. Chậm nhưng mà chắc chắn, còn hơn là thông qua rồi sau đó lại phải sửa đổi, bổ sung”, ông Tiến nhận xét.

Tôn trọng ý kiến nhân dân

Ông Trần Hữu Thọ, là đảng viên đang sinh sống tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc không quy định trường hợp đặc biệt cho thuê đất tại Đặc khu kéo dài đến 99 năm là rất đúng đắn.

“Tôi rất đồng tình với việc Chính phủ và Quốc hội dừng lại để xem xét vấn đề này. Nếu lùi lại để nghiên cứu kỹ càng để có các chính sách phù hợp thì nên lùi. Nguyện vọng của người dân như tôi là đặc khu phải có chính sách phù hợp, cho thuê đất thì phải cân nhắc kỹ, có cách quản lý chắc chắn, quản lý an ninh chính trị, quốc phòng an ninh, phải giám sát được”, ông Thọ nói.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, bà Vũ Thị Hương (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng Chính phủ, Quốc hội đã nhanh chóng nắm bắt nguyện vọng của người dân, đồng tình có những quyết định sáng suốt khi dành thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện Luật trước khi áp dụng vào thực tế.

Đông đảo người dân ở tỉnh Quảng Trị sau khi nghe thông tin về việc Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thông qua Luật về đặc khu, bỏ quy định cho thuê đất 99 năm đã rất đồng tình với quyết định này.

“Tôi đồng tình, theo như quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ như vậy là tốt. Việc này phải hết sức kỹ càng vì sự đồng thuận của nhân dân còn nhiều vấn đề”, ông Ngô Quẩn, ở Phường 5, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Nhật Linh ở thành phố Huế, cho rằng "việc xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật đặc khu là việc làm cần thiết. Bởi thời gian qua cử tri cả nước rất quan tâm vấn đề này, nhiều ý kiến không đồng tình vì việc cho thuê đất 99 năm là quá dài. Việc lùi thời gian cho thấy Chính phủ, Quốc hội quan tâm đến các yêu cầu, nguyện vọng và ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri và nhân dân cả nước. Ngoài ra, theo tôi về vấn đề thời hạn cho thuê đất nên cho áp dụng như các quy định của Luật Đất đai, không nên kéo dài đến 99 năm như vậy”.

Nhà báo Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, một trong 3 địa phương có đất chuyển thành đặc khu bày tỏ niềm tin khi Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân trong những ngày qua.

“Khi quyết định việc đó thì sẽ tiến hành cẩn trọng hơn. Vì đối với một đặc khu, chúng ta muốn phát triển và kêu gọi đầu tư thì nhân dân ai cũng mong muốn. Dân Khánh Hòa cũng rất mong muốn. Ví dụ như Bắc Vân Phong đang rất hoang sơ, kêu gọi nhà đầu tư thì quá cần thiết. Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết ngay và không cẩn trọng trong việc đó thì có thể dẫn đến nhiều cơ hội cho nhà đầu cơ”, nhà báo Đoàn Minh Long phân tích.

Theo VOV

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi