Thứ Năm, 23/1/2025
Giải nỗi lo khi hồ thủy điện xả lũ

Hiện trên 11 lưu vực sông của cả nước có 330 nhà máy thủy điện vận hành, với tổng dung tích hồ chứa thủy điện khoảng 56 tỷ mét khối. Riêng lưu vực sông Hồng hiện có 7 hồ thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Bản Chát và Huội Quảng, với tổng dung tích gần 28 tỷ mét khối nước. Các hồ chứa này không chỉ làm nhiệm vụ trữ nước để phát điện mà còn có chức năng cắt lũ, chậm lũ trong mùa mưa, điều tiết nước chống hạn trong mùa cạn…

Để “hóa giải” mâu thuẫn giữa việc tích nước để phát điện và xả lũ khẩn cấp gây thiệt hại cho vùng hạ du, Chính phủ đã ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông, trong đó có sông Hồng.

Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết và những khó khăn trong công tác dự báo lượng mưa, các hồ chứa thủy điện vẫn có nguy cơ xả lũ khẩn cấp, gây thiệt hại cho vùng hạ du. Thực tế, năm 2017, hồ thủy điện Hòa Bình mở cấp tập 8 cửa xả đáy. Mặc dù đợt xả lũ này không gây thiệt hại về người nhưng do lưu tốc dòng chảy lớn đã gây ra 244 sự cố trên hệ thống đê điều chạy qua 13 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa…, với tổng chiều dài vị trí đê bị hư hỏng hơn 90km. 

Tính riêng TP Hà Nội, việc xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình đã gây ra 35 sự cố đê điều trên hệ thống đê sông Hồng, sông Đà, thiệt hại nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, rau màu, cây trồng cạn của người dân các địa phương ven sông như: Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm, Long Biên…

Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc dự báo chính xác cường độ mưa lớn ở khu vực nhiệt đới vẫn là một thách thức của ngành khoa học khí tượng thủy văn trên thế giới. Đối với khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam, để dự báo chính xác lượng mưa, lưu lượng nước về hồ chứa, phục vụ công tác điều hành liên hồ là rất khó do địa hình phức tạp, thiếu trạm quan trắc đo mưa, thiếu thông tin từ quốc gia giáp biên giới…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra nhiều trận mưa lớn, tổng lượng mưa sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 25%.

Để chủ động phương án bảo đảm an toàn công trình hồ đập và vùng hạ du khi hồ chứa xả lũ, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 13 tỉnh, thành phố lưu vực sông Hồng (gồm cả TP Hà Nội) tăng cường thông tin, tuyên truyền về thời gian mùa lũ và việc xả lũ hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân; khẩn trương rà soát phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động và bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu; đồng thời, tổ chức giải tỏa các bến bãi chứa vật liệu xây dựng gây cản trở dòng chảy trên sông…

Trong tháng 6 này, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Hồng và đơn vị liên quan tổ chức diễn tập điều hành xả lũ khẩn cấp hồ Hòa Bình nhằm tăng tính chủ động và sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống xả lũ khẩn cấp. 

Từ đó, các cơ quan liên quan sẽ rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án chỉ huy nhằm bảo đảm tham mưu, điều hành kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả trong vận hành hồ thủy điện Hòa Bình nói riêng và liên hồ chứa hệ thống sông Hồng nói chung...

Kim Văn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi