Chủ Nhật, 8/12/2024
Làm gì để “Hà Nội không vội không xong”

"Hà Nội không vội được đâu" không chỉ là một câu nói vui nữa, mà được coi là nét "đặc trưng" của Hà Nội. Bởi ở Hà Nội cái gì cũng chậm. Từ đi chậm do tắc đường, đến đầu tư chậm do quy trình, thủ tục... Phát biểu tại Hội nghị "Hà Nội 2018 Hợp tác, đầu tư và phát triển" vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Hà Nội phải biến câu nói "Hà Nội không vội được đâu" thành "Hà Nội không vội không xong".

“ Hà Nội không vội không xong”- câu nói của Thủ tướng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến thủ đô của người đứng đầu Chính phủ, thể hiện mong muốn, thành phố gần chục triệu dân này có sự bứt phá, vượt qua chính mình. Còn nhớ cách đây đúng 1 năm, cũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở, với vai trò của thủ đô- vai trò của một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, lãnh đạo thành phố Hà Nội phải quyết liệt hành động, chấm dứt tư duy “Hà Nội không vội được đâu” trong nhận thức và hành xử của cán bộ, công chức, viên chức thành phố. 

Sau 1 năm, Hà Nội đã làm được tương đối nhiều việc như: tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, kê khai thuế điện tử đạt 98%, hải quan điện tử đạt 100%, chỉ số chi phí thời gian của Hà Nội tăng 8 bậc, chỉ số minh bạch tăng 8 bậc, chỉ số cung cấp dịch vụ công tăng 11 bậc… Nỗ lực của Hà Nội đã được cộng đồng xã hội ghi nhận.

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa tạo ra được sự bứt phá cho sự phát triển mạnh mẽ của mình. Vẫn còn đó cảnh tắc đường diễn ra thường xuyên, vẫn còn đó những công trình hàng ngàn tỷ đồng dang dở mà chưa biết bao giờ mới xong, vẫn còn đó cảnh doanh nghiệp muốn nộp thuế vẫn phải chờ đến lượt, người dân muốn xin một con dấu, một chữ ký mà có lúc, có nơi phải chạy đi, chạy lại vài ba cửa, kéo dài thời gian đến vài ngày…. Thực trạng này là nguyên nhân kéo Hà Nội phát triển chậm hơn thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, thậm chí cả Cần Thơ hay Hải Phòng.

Chính vì vậy, để chuyển câu “Hà Nội không vội được đâu” thành câu “Hà Nội không vội không xong” cần có quyết tâm chính trị của cả hệ thống và mỗi người dân thủ đô. 

Để “Hà Nội không vội không xong” thì việc đầu tiên của Hà Nội là phải khắc phục được tình trạng đội ngũ cán bộ còn yếu và thiếu kinh nghiệm, kỷ cương phép tắc chưa nghiêm. Để “Hà Nội không vội không xong” thì đội ngũ cán bộ cơ sở, quận, huyện phải thay đổi tư duy, phải quyết liệt đến từng vấn đề, lĩnh vực, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thì mới không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Để “Hà Nội không vội không xong” thì chính quyền Hà Nội khi đã đưa ra những chủ trương hợp lòng dân, hợp theo xu hướng phát triển của xã hội thì phải quyết liệt trong triển khai thực hiện chứ không thể để tình trạng “bàn xong, để đấy”, vừa tốn kém tiền bạc, vừa mất cơ hội đầu tư, lại gây sự nghi ngờ trong dư luận.

Để “Hà Nội không vội không xong” thì mỗi công dân thủ đô phải gương mẫu, chấp hành pháp luật như: giao thông, xây dựng, trật tự đô thị bởi đường sẽ không thông, hè không thoáng, thành phố không xanh, sạch, đẹp nếu mỗi người không có ý thức xây dựng nên./.

Theo vov.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất