Thứ Bảy, 27/4/2024
Nhân dân là chủ thể của sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia

Trải qua các thời kỳ lịch sử, sự an nguy ở biên giới ảnh hưởng rất lớn đến sự hưng vong của quốc gia, vì vậy, ông cha ta luôn nhận thức tầm quan trọng chiến lược của vấn đề biên giới. Do đó, mỗi triều đại, các vị minh quân đều luôn trăn trở đến “kế cửu an” cho xã tắc. Triều đình luôn coi việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước hết phải là trách nhiệm của nhà nước, của triều đình trung ương để từ đó có những “phương lược”, “kế cửu an” cho đất nước.

Chính sách bảo vệ biên cương của ông cha ta trong lịch sử là một chính sách nhất quán, khá toàn diện, là sự kết hợp sức mạnh của nhiều biện pháp, trong đó, vai trò của nhà nước, của thể chế rất quan trọng, là nhân tố thiết yếu cố kết dân tộc, huy động sức mạnh của cả nước để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Vua Lê Thái Tổ đã cho khắc lên “tượng đồng, bia đá” để nhắc nhở muôn đời sau về chiến lược biên giới:

“Biên phòng hảo vị trù phương lược 

Xã tắc ưng tu kế cửu an”.

Thấm nhuần tư tưởng minh triết phương Đông: “dân vi quý”, các vua sáng, tôi hiền phong kiến Việt Nam hiểu rõ sức mạnh của dân, sức dân như nước, dân là gốc của nước, nên ông cha ta luôn coi trọng vai trò chiến lược của đồng bào biên giới, lực lượng tại chỗ “đứng mũi chịu sào” nơi tuyến đầu để bảo vệ bờ cõi. Đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng chiến lược “biên giới lòng dân” trong lịch sử. Thực tiễn lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm qua đã chứng minh sự đúng đắn của quan điểm coi trọng vai trò chiến lược của cư dân biên giới, của ông cha ta.

Vua Lê Thánh Tông từng răn dạy: “Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng”. Đó không chỉ là lời nhắc nhở các thế hệ người Việt Nam đời sau, mà còn như là lời thề của cha ông trước trách nhiệm nặng nề và thiêng liêng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.

Với điều kiện nước nghèo, không thể đủ “thú binh” (lính canh) rải khắp mấy nghìn dặm đất “đồn trú” để ngày đêm canh giữ biên thùy; với địa hình biên giới hiểm trở, biển đảo ngăn cách không thể cơ động binh mã, lương thảo kịp thời để bảo vệ bờ cõi khi có biên sự, ông cha ta đã thực hiện biện pháp sử dụng lực lượng tại chỗ, lương thảo tại chỗ, vũ khí tại chỗ, hình thành thế trận tại chỗ lợi hại để đánh trả quân xâm lược và bảo vệ biên giới; đồng thời, coi mỗi người dân biên giới là một người lính biên thùy nên đã huy động được sức mạnh to lớn của nhân dân vào sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn bờ cõi.

Ngoài chú trọng xây dựng lực lượng quân sự từ trung ương đến các làng bản biên giới, ông cha ta còn coi trọng phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường sức mạnh quốc phòng ở biên giới, đưa một lực lượng lớn dân ra biên giới để “khai cương thác địa”. Đây thực sự là lực lượng “tịch thổ tráng biên” - gìn giữ đất đai làm mạnh biên giới, là biện pháp “tĩnh vi nông, động vi binh” tích cực của triều đình, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tăng cường khả năng bảo vệ biên cương.

Cùng với đó, các nhà nước phong kiến rất quan tâm đến việc an dân, cố kết các dòng họ, vỗ về người xa, “phủ dụ nâng niu vùng biên thùy” để nhân dân gắn bó, bám trụ bảo vệ biên cương. Nhà nước có chính sách “tranh thủ” các thổ tù, châu mục, tầng lớp trên; ban chức tước, cấp ruộng đất; dùng biện pháp hôn nhân để kết thân; có “chính sách nhu viễn” - mềm dẻo phương xa, có “chính sách ki-mi”- ràng buộc lỏng lẻo, đồng thời có cả biện pháp “cương” đối với các “khổn quan” - quan coi giữ biên giới nếu làm yếu thế nước, tạo cơ hội để nước ngoài lợi dụng xâm chiếm bờ cõi...

Ông cha ta cũng đã huy động những giá trị truyền thống, nền văn hóa các dân tộc vào sự nghiệp bảo vệ lãnh thổ. Lịch sử anh dũng chống lại sự xâm lược của phong kiến phương Bắc chứng minh rằng người Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự đồng hóa, không chịu mất nước, không chấp nhận thành những thần dân của phong kiến phương Bắc. Do đó, đấu tranh để bảo vệ bờ cõi vừa là mục tiêu, vừa là động lực của bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông cha ta đã từng tuyên bố, Việt Nam có bờ cõi, lãnh thổ riêng đã ghi ở thiên thư - sách trời (Lý Thường Kiệt); có phong tục tập quán, nền văn hóa riêng (Nguyễn Trãi). Quang Trung Nguyễn Huệ cũng từng tuyên bố: “đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”, đánh để bảo vệ bản sắc riêng, truyền thống văn hóa của dân tộc.

Cũng vì vậy, nhà nước phong kiến luôn tôn trọng phong tục các tộc người biên giới; có chính sách nâng đỡ, “giáo hóa” đồng bào dân tộc thiểu số để họ bỏ “thói man di”, tiếp thu văn minh của tộc người chủ thể trong sinh hoạt, y phục, ngôn ngữ. Đây chính là chính sách thống nhất văn hóa (thư đồng văn, xa đồng quỹ, hạnh đồng luân) của nhà nước để tăng cường cố kết, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân trong bảo vệ bờ cõi.

Đặc biệt, những tướng tài, thông thạo việc biên phòng, am hiểu phong tục các tộc người luôn được chọn để “trấn nhậm” ở các địa bàn “cổ họng” biên giới. Điều đó không chỉ để phủ dụ, vỗ về dân, sửa đổi phong tục xấu cho dân, biết “cái gốc để trị dân, thuật để yên dân”, mà còn làm cho người dân biên giới hiểu rằng họ đều là cư dân của một quốc gia Việt Nam thống nhất, họ có sứ mệnh bảo vệ bờ cõi chung của đất nước. Ý thức dân tộc này đã hình thành từ lâu và đối với người Việt Nam đã trở thành căn tính tộc người, đó là cơ sở quan trọng để cố kết nhân dân biên giới đoàn kết, tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ bờ cõi.

Bia Thủy môn đình thời Lê thế kỷ XVII ở biên giới tỉnh Lạng Sơn; các thẻ bài (cột mốc), miếu thờ thần (Hoàng Sa tự) của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa ngoài Biển Đông xa xôi từ thế kỷ XIX là những bằng chứng văn hóa - lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam ở những vùng đất biên cương, hải đảo của đất nước...

Để quản lý và bảo vệ chủ quyền ở các vùng biên cương xa xôi, các nhà nước phong kiến không chỉ lập địa bạ (sổ quản lý ruộng đất), mà còn phong thần và ban hành nghi thức thờ cúng thần cho các đình, chùa, đền, miếu. Đây không chỉ là những địa điểm văn hóa tâm linh của người Việt mà nó còn khẳng định, ở đâu có trú sở của các thần linh Việt Nam, cơ sở văn hóa Việt Nam thì nơi đó là chủ quyền của Việt Nam.

Nghiên cứu lịch sử bảo vệ giang sơn bờ cõi mấy ngàn năm qua, ông cha ta đã để lại nhiều kinh nghiệm quý, đó là nét son trong nghệ thuật giữ nước, có giá trị“chiến lược” trong bảo vệ chủ quyền, nó thực sự trở thành một bộ phận của di sản truyền thống, một “sức mạnh mềm” của văn hóa dân tộc - văn hóa giữ nước Việt Nam. Những cố gắng không mệt mỏi, nỗ lực phi thường của ông cha trong bảo vệ bờ cõi, chủ quyền đất nước đã để lại những bài học lịch sử rất đáng được trân trọng, bổ ích và cần thiết cho chúng ta khi vận dụng vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia trong tình hình hiện nay.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Cao Thanh Tân

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất