Thứ Năm, 23/1/2025
Phê phán thói thực dụng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên

Tuy nhiên, hiện có một bộ phận cán bộ, đảng viên đang mang nặng tư tưởng so bì, tị nạnh, tính toán, thực dụng rất đáng cảnh báo, phê phán.

Dễ làm, khó bỏ, “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”

Có một sự thật mà nhân dân ta luôn thừa nhận, đó là trong gần 9 thập niên qua, không có một lực lượng, một đảng phái nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi một trong những lý do cơ bản là Đảng ta đã giáo dục, rèn luyện được một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành, tận tụy, “một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2015) tại Hà Nội. Phẩm chất hy sinh cao đẹp của đội ngũ cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam được biểu hiện sinh động trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Con số gần 16.000 đảng viên đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thế kỷ 20 đã minh chứng sâu sắc điều đó. Đảng ta, nhân dân ta luôn tự hào có một thế hệ đảng viên được tôi luyện qua “lò lửa” chiến tranh đã mang trong mình phẩm giá hy sinh và bản lĩnh “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Giàu sang không thể cám dỗ, nghèo khó không thể chuyển lay, quyền uy không thể khuất phục).

Từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên vẫn giữ được vai trò tiên phong, gương mẫu và tự nguyện xông pha, dấn thân vào những việc khó, nơi khó, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Đảng cần dân gọi thì cũng đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện so đo, tính toán, tị nạnh, thực dụng, chỉ biết nhận những việc dễ, việc thuận về mình, đùn đẩy việc khó, việc khổ cho người khác. Đây là một trong các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra: “Kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn", "chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình”.

Dân ta có câu “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Một trong những ý nghĩa của câu này nhằm ám chỉ, phê phán thói đời thực dụng và những người có tính khôn ranh, khôn lỏi, cái gì thuận tiện, lợi lộc, ngon lành thì xăng xái nhận về mình, nhưng cái gì khó khăn, vất vả, hiểm nguy thì lại đùn đẩy cho người khác. Thời gian qua, thật không khó để phát hiện, “vạch mặt chỉ tên” những biểu hiện “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Biểu hiện dễ thấy là một số người thích kén chọn những vị trí công việc “ngon”, có nhiều lợi ích. Thói đời thực dụng này bộc lộ ở chỗ, không ít cán bộ chỉ thích nắm giữ vị trí có thực lực, thực quyền, đó là những chức danh dễ kiếm được nhiều lợi lộc, dễ “vinh thân phì gia”. Thế nên những người này rất ngại, thậm chí tìm mọi cách để không phải chuyển sang vị trí khác, kể cả vị trí cao hơn nếu vị trí đó không mang lại nhiều bổng lộc, lợi ích vật chất cho họ. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức ở các địa phương chỉ muốn làm việc ở các cơ quan như: Tài chính, nội vụ, tổ chức cán bộ, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên, địa chính, nhưng ngại về làm việc ở các ban Đảng như: Tuyên giáo, dân vận hay mặt trận tổ quốc, đoàn thể quần chúng… Cũng có một số cán bộ khi được đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo ở cấp huyện, cấp xã thì chỉ muốn phụ trách khối kinh tế, xây dựng, đô thị chứ không “mặn mà” khi được giao theo dõi, chỉ đạo khối văn hóa-xã hội, nông nghiệp-nông thôn. Đấy là chưa kể một số cán bộ, đảng viên rất ham “cố thủ” ở những công việc dễ có thêm các khoản thu nhập ngoài lương, không muốn luân chuyển vị trí công tác khác khi cấp trên yêu cầu, hoặc nếu phải luân chuyển thì tìm cách “chạy” đến công tác ở những địa bàn thị trấn, thị tứ, đồng bằng, nơi đi lại thuận tiện để tránh phải đến làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, đường sá giao thông vất vả.

Bồi đắp tinh thần cống hiến, hy sinh cho cán bộ, đảng viên

Tư tưởng so đo, tính toán, tị nạnh, thực dụng, chọn việc dễ, bỏ việc khó không chỉ “lột tả” bộ mặt thật của những người tham danh háo lợi mà nếu không có giải pháp phòng ngừa, chặn đứng tình trạng đang có xu hướng phổ biến này thì nguy cơ băng hoại đạo đức công vụ, mọt ruỗng văn hóa công quyền sẽ bắt đầu từ đây.

Để góp phần phòng, chống những biểu hiện suy thoái đó, một trong những việc làm hiện nay là phải tích cực bồi đắp, giáo dục cán bộ, đảng viên đề cao lòng tự trọng, giữ gìn liêm sỉ của người cách mạng. Bởi vì, một trong những nguyên nhân dẫn đến thói so bì, tính toán, tị nạnh, thực dụng, nhận việc dễ, bỏ việc khó của một bộ phận cán bộ, đảng viên là thói tham danh háo lợi, không biết xấu hổ trước lòng tham vô đáy của mình, không biết giữ mình trước cạm bẫy, cám dỗ vật chất, làm gì cũng muốn hưởng lợi hơn người và không chịu đặt mình trong mối quan hệ với tổ chức và cộng đồng, cũng như không biết giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân, tập thể và xã hội.

Một trong những yêu cầu phẩm chất cũng như bổn phận, trách nhiệm của đảng viên đã được quy định trong Điều lệ Đảng là “Sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao”. Đây cũng là lời hứa của mọi đảng viên trong lễ kết nạp Đảng, nhưng tiếc thay, tinh thần sẵn sàng, ý thức tự nguyện, phẩm giá cống hiến của nhiều đảng viên đã bị mai một theo năm tháng, thậm chí có đảng viên bị mai một theo… chức vụ. Thực tế cho thấy, vị thế, uy tín, danh dự của đảng viên không hẳn xuất phát từ chức danh, chức vụ, quyền hạn đang đảm nhiệm mà chính là bắt nguồn từ khả năng đóng góp công sức, trí tuệ cho cơ quan, đơn vị, tổ chức và từ tấm gương cống hiến, hy sinh vì tập thể của mình.

Một điều rất đáng suy ngẫm là nếu như trong thời chiến trước đây, rất nhiều con cán bộ, kể cả con cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã tự nguyện xung phong vào quân ngũ hay được bố mẹ yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như một công dân bình thường; thì thời nay, một số quan chức không những “nuông chiều” con thái quá mà lại còn tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi quá nhiều để con được thăng tiến “thần tốc”. Tư tưởng “Hy sinh đời bố củng cố đời con” đã được một số quan chức thực hiện triệt để bằng cách lạm dụng chức vụ, quyền hạn để dùng tiền ngân sách Nhà nước cho con đi du học nước ngoài, sau đó điều động, bổ nhiệm con về công tác ở những tổ chức, đơn vị kinh tế, tài chính, thương mại dễ “hái ra tiền” và nhiều bổng lộc. Thậm chí có quan chức “tự nguyện về hưu sớm” không phải để “nhường ghế” lãnh đạo cho cán bộ trẻ, cán bộ có đức có tài mà thực chất chỉ là một cách “dọn chỗ” cho con mình!

Cách đây gần nửa thế kỷ, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Sau khi khẳng định, Đảng ta tự hào vì có “rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”, Bác Hồ đã cảnh báo một bộ phận cán bộ, đảng viên vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân mà “không có tinh thần cố gắng vươn lên; ngại gian khổ, khó khăn; việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết; họ không lo “mình vì mọi người”, mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Những lời cảnh báo đó của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Thật ra, Đảng ta không yêu cầu và mong muốn cán bộ, đảng viên suốt đời phải làm những việc khó khăn, công tác ở những nơi gian khổ, nhưng lại luôn đòi hỏi mỗi người cần có tinh thần dấn thân, xông pha đúng lúc, đúng chỗ, cũng như yêu cầu từng người phải có thái độ ứng xử đúng mực, biết sẻ chia khó khăn với người khác, đề cao trách nhiệm với việc dân, việc nước. Mọi sự ỷ lại, tị nạnh, so đo, tính toán thiệt hơn trong việc nhận, thực hiện nhiệm vụ và trong mọi hoạt động công tác đều không thể hiện vai trò, tư cách chân chính của người cộng sản và lại càng trái với đạo đức cách mạng của người đảng viên.       

Thiện Văn/Quân đội nhân dân Online

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi