Thứ Bảy, 23/11/2024
Mòn mỏi với các dự án treo

Khu dân cư hơn chục năm chưa thành hình

Dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B vốn được UBND TPHCM tạm giao 120ha đất cho Cty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên Xung phong làm chủ đầu tư từ tháng 6.2004. Nhưng suốt 7 năm, 120ha đất vẫn là dự án trên giấy và đến 2011, UBND TPHCM lại chấp thuận cho Cty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên Xung phong hợp tác với Cty Dịch vụ Thương mại Mesa cùng Cty TNHH TMDV Đại Phước hợp tác thành lập Cty Cổ phần Thạnh Mỹ Lợi (Cty Thạnh Mỹ Lợi) do bà Lưu Thị Tuyết Mai làm Tổng Giám đốc để thực hiện dự án này. Sau đó, dự án tiếp tục chậm trễ và bị khiếu kiện kéo dài nên TPHCM phải giao Sở TNMT TPHCM thanh tra việc sử dụng đất tại dự án này.

Sau nhiều lần thanh, kiểm tra, Cty Thạnh Mỹ Lợi cam kết đến tháng 12.2014 sẽ hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án. Sở TNMT cũng đã kiến nghị UBND TPHCM nếu Cty Thạnh Mỹ Lợi không thực hiện đúng cam kết trên thì xem như không có năng lực và chấm dứt hiệu lực quyết định thu hồi giao khu đất hơn 120ha cho Cty Thạnh Mỹ Lợi làm dự án trên. Nhưng không hiểu mọi việc được “lèo lái” bằng cách nào, Cty Thạnh Mỹ Lợi vẫn tiếp tục kéo dài dự án này cho đến nay và cũng chưa có quyết định thu hồi nào được đưa ra!?

Ông Đoàn Phước Lượng - Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi - cho biết, công tác bồi thường bế tắc đang trở thành nút thắt lớn và lý do những hộ dân sinh sống trong phạm vi ranh giới quy hoạch dự án chưa chịu bàn giao đất chính vì giá đền bù quá thấp. Hiện mới chỉ có 80% hộ dân đồng ý phương án bồi thường giải tỏa, số hộ dân còn lại chưa có sự đồng thuận. Riêng khu đất quy hoạch dành cho mục đích tái định cư cũng chưa giải tỏa xong, nên những trường hợp đồng ý di dời, đủ điều kiện tái định cư chưa thể đến nơi ở mới.

Tương tự như vậy là dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3, Khu dân cư (KDC) Bình Trị Đông. Đây cũng là một trong những dự án treo cả chục năm nay tại quận Bình Tân. Hiện tại phần lớn khu đất này đang bị bỏ hoang, đầy cỏ dại và rác. Còn phần đất mặt tiền đường số 7 được cho thuê làm bãi đậu xe, kiốt bán hàng…

Theo UBND quận Bình Tân, việc chậm thực hiện dự án không những gây mất an ninh trật tự do người dân khiếu nại kéo dài, còn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Lần nào làm việc với quận, chủ đầu tư dự án là Công ty Saigonnic cũng đưa ra thời gian hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng nhưng chưa bao giờ thực hiện đúng lời hứa. Do đó, quận Bình Tân nhiều lần kiến nghị UBND TPHCM có chế tài mạnh, buộc chủ đầu tư đẩy nhanh và hoàn tất công tác bồi thường, triển khai dự án.

Trách nhiệm lớn vẫn thuộc về cơ quan quản lý

Theo số liệu thống kê vừa được Sở TNMT TPHCM công bố, trên địa bàn có tới 1.300 dự án đang bị treo. Đây là những dự án được cấp phép từ lâu và quá hạn triển khai, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành xây dựng. Đa phần những dự án treo này gồm: Trường học, công viên, bất động sản…

Theo đại diện Sở TNMT, có nhiều nguyên nhân dẫn tới dự án treo, như khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung ở câu chuyện đền bù giải tỏa giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân. Nguồn vốn dành cho phát triển nhiều dự án trọng điểm đã có quy hoạch từ lâu của TPHCM thì đang khó khăn… Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, một số doanh nghiệp được cấp phép thực hiện dự án nhưng “ôm dự án” không thực hiện với mục đích chào bán kiếm lời. Trong một cuộc họp mới đây của TPHCM về việc xử lý dự án treo, đích thân lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận hiện có rất nhiều trường hợp khi giao dự án thì chuyển nhượng hết người này sang người khác để ăn chênh lệch giá. Thành phố đã và đang xử lý rất cương quyết và vừa rồi đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra một số dự án.

Chậm thu hồi dự án treo do thiếu kiên quyết trong quản lý

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Nhã, những biện pháp chế tài đối với hành vi DN được giao đất nhưng chậm thực hiện, khiến đất đô thị bị bỏ hoang nhiều năm, đã được quy định cụ thể trong Luật Đất đai và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: Đất nông nghiệp bỏ hoang tối đa 24 tháng, còn đất đô thị giao cho DN thực hiện dự án là 24 tháng, và chỉ được gia hạn thêm một lần 24 tháng, nếu không thực hiện sẽ bị thu hồi.

Thực tế, các dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi là do sự thiếu cương quyết của chính quyền trong quản lý. Trong các quyết định thu hồi và giao đất cho DN chủ yếu là “tạm giao” và không có quy định về thời hạn thực hiện. Đây là khe hở pháp luật để các DN được giao đất làm dự án lợi dụng kéo dài hàng chục năm mà không bị xử lý theo luật định.

Quyết thu hồi các dự án chậm triển khai

- Phát biểu tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, ông Nguyễn Thành Phòng - Chủ tịch UBND TPHCM, thừa nhận nhiều chủ đầu tư được giao đất nhưng không triển khai dự án, tạo sự bức xúc trong dân.

Dự án bị treo như vậy gây lãng phí tài nguyên đất ở TP, thể hiện sự yếu kém của công tác quản lý, trong đó có phần trách nhiệm quản lý của cơ quan chính quyền TP. Đặc biệt, ông Phong cho biết UBND TP chỉ đạo dứt khoát đến quý III/2018 phải báo cho UBND TP rằng còn 1.400 dự án thì cái nào chậm triển khai, không đủ điều kiện thì thu hồi.

- Trả lời giải pháp giải quyết các dự án “treo”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trước mắt, sở sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện để rà soát tình hình các dự án chậm triển khai hơn 10 năm.

Về lâu dài, muốn xóa bỏ tận gốc các dự án chậm triển khai, dự án “treo” hiện nay, đồng thời nhằm hoàn thiện công tác chỉnh trang đô thị, lãnh đạo các địa phương cần giám sát chặt việc phân lô đất nền, không để xảy ra tình trạng người dân tự phân lô, xây dựng tự phát như thời gian qua.

Đối với các dự án “treo” dài hạn, nếu tìm được nhà đầu tư khác có năng lực, với khả năng tài chính tốt thì có thể cho họ làm lại quy hoạch mới hoặc làm theo quy hoạch cũ nhưng ràng buộc họ phải cam kết cụ thể thời gian thực hiện và phải ký quỹ đảm bảo cho dự án được triển khai đúng tiến độ. Một khi làm được những điều trên chắc chắn các dự án “treo” sẽ không còn.

Bảo chương - Tuấn Minh/Laodong.vn

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi