Thứ Năm, 23/1/2025
“Góp gió thành bão”

Còn nhớ năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nạn đói đe dọa đồng bào miền Bắc. Cùng với các biện pháp khuyến khích tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, Bác Hồ kêu gọi Nhân dân cả nước: “Mười ngày, nhịn ăn một bữa” để dùng số gạo tiết kiệm đó cứu giúp những người thiếu đói. “Hũ gạo kháng chiến” ra đời bằng cách cứ mỗi ngày, mỗi bữa bốc ra một nắm tiết kiệm. Một nhà thì ít, nhưng nhiều nhà góp lại thành gạo tạ, gạo tấn. Và, chính Bác cũng thực hiện tiết kiệm như vậy. Bác kêu gọi đồng bào tham gia đóng góp quỹ “Mùa đông binh sĩ” và Bác đã góp quỹ một chiếc áo ấm của mình. Tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, Bác kêu gọi các cơ quan tận dụng đất hoang quanh nơi làm việc và thời gian nhàn rỗi để tăng gia sản xuất. Và Bác Hồ ngoài việc nước, việc quân bận rộn ra, Người vẫn cùng anh em cơ quan cuốc đất trồng rau cải thiện đời sống.

Vì thế, suốt 73 năm qua, xóa đói, giảm nghèo luôn là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngay cả những lúc ngân sách khó khăn, Đảng, nhà nước ta vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Cuộc vận động Ngày vì người nghèo do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng với các cuộc vận động, phong trào thi đua của các tổ chức thành viên Mặt trận, đã tạo ra động lực, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, yêu nước thương nòi, trở thành giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội. Phong trào tiết kiệm ở cơ sở nào, ngành, đoàn thể nào cũng có những tấm gương. Ví như hội phụ nữ có “hũ gạo tiết kiệm”, quỹ hỗ trợ người nghèo; công đoàn có “Mái ấm tình thương”, nông dân có phong trào “Nông dân làm kinh tế giỏi” cùng giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tự nguyện hiến đất để xây trường, lớp học, làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh nguồn lực của nhà nước, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng đã dành sự ủng hộ to lớn đối với công tác giảm nghèo.

Kết quả sau 17 năm thực hiện, thông qua Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp, cả nước đã vận động đóng góp hơn 13.400 tỷ đồng và ủng hộ trực tiếp thông qua chương trình an sinh xã hội ở địa phương hơn 36.200 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng gần 1,5 triệu căn nhà Đại đoàn kết, tạo chỗ ở ổn định cho hàng triệu người nghèo; hàng chục triệu lượt hộ nghèo khác được hỗ trợ về giống, vốn, cây con... được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thông tin xã hội để họ biết cách thức làm ăn, có nghị lực vươn lên giảm nghèo bền vững.

Nhân “Ngày vì người nghèo” năm nay, với thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại ở phía sau” bằng tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, mỗi người dân chúng ta đều ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, cùng chung tay “Góp gió thành bão”, “Tích tiểu thành đại”, để 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững. Đó chính là cách thiết thực để cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước ta.

Kim Ngân

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi