Thứ Hai, 23/12/2024
Tiếp lửa cho “lò” ngày càng nóng

 

Phiên họp thứ 14 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN

Giữ tiếp lửa “lò” ngày càng nóng

Chống tham nhũng là chuyện Đảng ta, dân ta đã nói và làm từ lâu. Nhưng để cái “lò” chống tham nhũng nóng lên trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ đòi hỏi quyết tâm cao, sự kiên định mà cần phương pháp đúng. Từ sau Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đến nay, với quyết tâm chính trị cao độ, tầm nhìn chiến lược sâu rộng của Trung ương Đảng, Đảng ta đã đưa ra được những giải pháp căn bản, mang tính khoa học, thực tế, cụ thể, đi đôi với đó là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt nên cuộc chiến chống tham nhũng đã thu được kết quả quan trọng bước đầu, trở thành cái “lò” nóng thiêu đốt tham nhũng. Những kẻ thoái hóa, biến chất, phạm tội tham nhũng đã bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý theo pháp luật, dù còn đương chức hay đã nghỉ hưu, không có “vùng cấm”. 

Nói cách khác, “lò” đã nóng lên, tuy nhiên, làm sao để “lò” luôn nóng và ngày càng nóng hơn, để sức nóng của cái “lò” đó có thể thiêu đốt mọi ý đồ tham nhũng của những kẻ bất lương, trước khi chúng hành động. Điều đó có nghĩa là cuộc chiến chống tham nhũng cần được tăng cường, được đẩy mạnh, ngày càng đi vào thực chất, có hiệu quả hơn. Mọi hành vi tham nhũng, mọi kẻ tham nhũng không kể chức vụ cần được phát hiện và xử lý kịp thời. 

Đó vẫn còn là niềm mong mỏi và nỗi lo toan của Đảng, của dân. Bởi vì “lò” đã nóng không có nghĩa là tự nó cứ nóng đều, nóng mãi, mà phải không ngừng tiếp củi lửa, nguyên nhiên liệu. “Nguyên, nhiên liệu” cho “lò” chống tham nhũng nói gọn lại đó là ý chí, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của “ý Đảng, lòng dân”, tất cả phải cùng vào cuộc. Chống tham nhũng - chống “giặc nội xâm” - cũng là cuộc chiến không khoan nhượng. Có tiêu diệt được nạn tham nhũng mới bảo vệ được Đảng và chế độ, bảo vệ được cuộc sống yên lành của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử và thực tế hiện nay cho thấy, không một thứ “giặc” nào lại dễ dàng bị đánh bại. Chống tham nhũng ngày nay là cuộc chiến không kém phần cam go, lâu dài, quyết liệt. Hành vi tham nhũng ngày càng gian manh, xảo quyệt; thủ đoạn tham nhũng cũng như thủ đoạn ẩn nấp, giấu mình, chống trả ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến cho việc phát hiện, xử lý tham nhũng ngày càng khó khăn. Hơn nữa, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh một mất, một còn nhưng lại diễn ra ngay trong nội bộ đảng, tổ chức, bộ máy chính quyền, và trong từng cá nhân có chức, có quyền. Vượt qua chính mình, thắng được chính mình, đó là điều khó khăn nhất.

Bên cạnh mặt được, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, còn rất nhiều hạn chế, yếu kém khiến lòng dân chưa thể thật yên. Đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thậm chí còn “án binh bất động” ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương; tình trạng nể nang, thiếu kiên quyết, bao che, làm “chìm xuồng”, để lọt tội phạm hay giảm nhẹ tội trong xử lý kỷ luật Đảng, xử lý theo pháp luật vẫn là thực tế đáng lo ngại. Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng từ đầu năm 2018 đến nay do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 04-08-2018, chỉ ra rằng, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt vẫn gây bức xúc.

Cần thêm nhiều nỗ lực 

Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách, luật pháp, cơ chế theo các nhóm khá đồng bộ, toàn diện và công cuộc phòng, chống tham nhũng đã và đang thu được kết quả đáng khích lệ. Đó là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, “giữ cho lò luôn nóng và ngày càng nóng hơn”, để cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này thu được nhiều kết quả, thành tựu to lớn hơn, cần thêm nhiều nỗ lực.

Một là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để mọi người dân nhận thức sâu sắc hơn về quốc nạn tham nhũng, có quyết tâm cao hơn trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Xét cho cùng, những yếu kém, khuyết điểm, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, trong bản thân mỗi con người đều liên quan đến nguyên nhân hàng đầu là nhận thức và tư tưởng. Nhận thức, tư tưởng chỉ dẫn hành động của mỗi con người. Lý luận phải đi trước một bước. Đó là nguyên lý. 

Theo đó, để triển khai tốt Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tuyên truyền, giáo dục người dân trong phòng, chống tham nhũng, cần chú trọng một số điểm sau:

- Nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là giai đoạn gần đây. Nghiên cứu sâu về những kinh nghiệm, bài học chống tham nhũng trong lịch sử của cha ông ta và của những nước có chỉ số xếp hạng tham nhũng thấp nhất trên thế giới (như New Zealand, Denmark, Singapore,…). Những vấn đề này mới chỉ đề cập đến trong những tin tức, bài báo, chưa đúng mức, đúng tầm. Mỗi vấn đề như vậy xứng đáng là đề tài để hội thảo, làm luận án khoa học cấp nhà nước. Những kết quả nghiên cứu khoa học ấy quyết không “để trong ngăn kéo” mà phải được vận dụng, được phát huy trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân, trong hoạch định nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật phòng, chống tham nhũng của Nhà nước.

- Trong lĩnh vực giáo dục, phải có những bài học về phòng, chống tham nhũng, xây dựng tâm lý “bài trừ” tham nhũng. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật phải coi phòng, chống tham nhũng là một trong những chủ đề, đề tài quan trọng nhất. Điều đó phải được thể hiện trong hoạt động nghiệp vụ của các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ. Coi phòng, chống tham nhũng là nội dung, là tiêu chí quan trọng để đánh giá, xem xét thành tích, phong tặng danh hiệu cho các nhà hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Có vinh danh, giải thưởng xứng đáng cho tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về đề tài phòng, chống “giặc nội xâm”, cũng như đề tài xây dựng con người mới, người tốt, việc tốt. 

- Với mọi người dân, những cá nhân không có chức quyền trong bộ máy công quyền của Đảng, Nhà nước, là đối tượng bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng, không thể thờ ơ đứng ngoài cuộc mà cần phải cùng vào cuộc chống tham nhũng. Như Tổng Bí thư nói, những năm trước, nạn tham nhũng, kẻ tham nhũng nhởn nhơ trước pháp luật, người dân bi quan, “chống ai, ai chống, bây giờ chống ai” thì nay “lò” đã nóng, “cá nhân nào muốn đứng ngoài cuộc cũng không thể được”. Đảng, Nhà nước đã và đang tạo mọi điều kiện, cơ chế để mọi người dân có thể tham gia có hiệu quả vào công cuộc phòng, chống tham nhũng. Chỉ có như vậy, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” mới thu được thành công.

- Với những người có chức, có quyền (cán bộ, công chức, viên chức) trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương - những đối tượng có nguy cơ mắc vào tham nhũng, cần nhận thức sâu sắc hơn ai hết về phòng, chống tham nhũng, từ đó có hành động đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách quyết liệt. Cán bộ, đảng viên của Đảng, công chức, viên chức Nhà nước cần luôn tự vấn làm thế nào để đúng nghĩa “công bộc của dân”, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, hưởng đúng chế độ, chính sách tiền lương, đãi ngộ và những niềm vinh quang chân chính do Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng.

- Bên cạnh những biện pháp trên, cần có các biện pháp, hình thức cổ vũ, động viên, khuyến khích thi đua chống tham nhũng. Chống tham nhũng là chống “giặc nội xâm”, là cuộc chiến không kém phần cam go, gian khổ, hy sinh, quyết liệt, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, thậm chí có mặt còn khó khăn, phức tạp hơn và kéo dài hơn. Thực tế vừa qua có nhiều gương sáng, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, bản thân chịu nhiều gian nan, thiệt thòi, không được chú trọng bảo vệ, biểu dương, khen thưởng đúng mức. Cứ như vậy còn ai muốn và dám chống tham nhũng. 

Hai là, cần rà soát lại, bổ sung, sửa đổi, bồi lấp những kẽ hở trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, luật pháp, chính sách, cơ chế của Nhà nước, nhất là Luật phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự và các bộ luật khác có liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Như vậy mới kiểm soát được quyền lực, mới “nhốt quyền lực trong cái lồng cơ chế, chính sách, luật pháp” để người có chức, có quyền “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng”. Cụ thể:

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện vẫn giữ cách làm, quy trình: kiểm tra Đảng đi trước, phát hiện sai phạm, đề nghị xử lý kỷ luật. Chờ một thời gian cấp có thẩm quyền của Đảng ra kỷ luật về Đảng, có dấu hiệu hình sự mới chuyển công an điều tra. Quy trình rườm rà, thời gian quá dài, tội phạm thừa thời gian để đối phó, tẩu tán chứng cứ, tang vật, tài sản. Do vậy, đoàn Kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hay Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khi tiến hành công việc, nên hội tụ đủ các thành phần liên quan (nhất là Viện Kiểm sát, Công an, Điều tra hình sự, Quân đội); phát hiện sai phạm nhỏ thì nhắc nhở, phê bình; sai phạm nặng, có dấu hiệu tham nhũng thì tiến hành bắt tạm giam, điều tra hình sự, phong tỏa tài sản một cách khẩn trương, nhanh chóng để kẻ tham nhũng không thể trốn chạy, hay tẩu tán tài sản. Quá trình điều tra, nếu đúng là tham nhũng thì đưa ra tòa, không mắc tội tham nhũng thì tuyên bố kết luận không tham nhũng và trả lại mọi danh dự, quyền lợi, chức vụ. 

- Bổ sung thêm tội danh “tham nhũng chính trị”, “tham nhũng quyền lực” (mua bán chức tước, địa vị, quyền lực; khai man hồ sơ để “chui sâu, leo cao”; phong cấp bậc, chức tước quá quy định, không đúng tiêu chuẩn) và đây phải được coi là một trong những tội nặng nhất, đúng tính chất là “giặc nội xâm”. Gia tăng khung hình phạt cho các tội danh tham nhũng, nhất là tham nhũng chính trị, tham nhũng quyền lực. 

- Người đã “tay nhúng chàm” tham nhũng chưa ở mức độ xử lý hành chính, hình sự nhưng ăn năn, hối lỗi, tự giác, thành khẩn khai báo với tổ chức về hành vi của mình và hoàn trả lại toàn bộ tiền, của (vật chất) đã tham nhũng của công hoặc của cá nhân, thì cần được làm gương. Nếu có thành tích tố giác tham nhũng, hoặc vận động được người khác làm theo mình, thì có thể được biểu dương như người có thành tích chống tham nhũng. Đây là một giải pháp mang tính đột phá. Đó chính là hành vi “lập công chuộc tội”. Chấp nhận điều này sẽ khuyến khích nhiều kẻ tham nhũng khác làm theo. Điều đó có lợi cho nhân dân, cho đất nước. Đó còn là xuất phát từ đạo lý, truyền thống dân tộc, chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng ta “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Trong lịch sử dân tộc cũng như lịch sử đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, có không ít những người lầm đường lạc lối, từng có tội với nhân dân, với đất nước nhưng được giác ngộ, từ bỏ con đường cũ, đi theo con đường mới, “lập công chuộc tội” với nhân dân, với đất nước, đã được “quay đầu lại”.

- Bổ sung vào Luật Phòng chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự: Người có hành vi hối lộ (để giải quyết công việc riêng, hay mua nghề nghiệp, chức quyền, gọi là bên mua) mà tố cáo kẻ nhận hối lộ, tham nhũng, không những được trả lại tiền đã hối lộ, mà còn được xem xét đáp ứng nguyện vọng nếu xứng đáng, đủ tiêu chuẩn. Hơn nữa, còn được bảo vệ cả danh dự và an toàn cho bản thân, gia đình (có cơ chế bảo đảm). Giải pháp mạnh dạn này nhất định mang lại hiệu quả cao. Bởi vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị lộ, tăng nỗi sợ hãi, tăng áp lực với kẻ tham nhũng quyền lực, khiến họ không dám làm. Nó cũng là sự khuyến khích mạnh mẽ việc tố cáo tội tham nhũng. Và người có hành vi hối lộ không thể coi đây là hành vi “bất tín” với người đã “giúp mình”. Nếu gọi là “bất tín”, không trung thực với “giặc nội xâm” thì chỉ có lợi cho nhân dân, cho đất nước. 

- Mọi quan chức, cán bộ, đảng viên khi vào Đảng và khi nhận chức vụ trong Đảng hay chính quyền (từ Trung ương xuống địa phương) phải có lời thề (tuyên thệ). Sau những lời hứa cơ bản: Trung thành với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, sự giàu mạnh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân… nhất thiết phải có câu: “Không tham nhũng và quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. 

- Công khai, minh bạch nhiệm vụ, chức trách và chế độ đãi ngộ (lương, phụ cấp, các chế độ đãi ngộ khác…) của mọi cán bộ, công chức của Đảng, Nhà nước từ Trung ương xuống cơ sở, từ những người lãnh đạo cao nhất xuống công chức cơ sở, xã, phường… Công khai trên báo chí, ở các công sở cho toàn dân đều biết để kiểm tra, giám sát. Các công chức ở các cơ quan công quyền phục vụ nhân dân đều phải mặc đồng phục, có thẻ ghi tên trong khi thi hành công vụ.

- Cần có những cơ chế, quy định cụ thể để mọi công dân hăng hái tham gia tố cáo tham nhũng: tố cáo thế nào (có mẫu đơn hướng dẫn), gửi đến cơ quan nào, ai tiếp nhận và phản hồi ra sao... Thực tế hiện nay, người dân thấy tham nhũng, bị tham nhũng nhưng không biết làm thế nào, tố cáo thế nào, với ai? Tâm lý sợ sệt, e dè còn phổ biến. Nếu không gỡ được mối lo này thì chống tham nhũng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả./.

--------------------

(1) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng

PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi