Thứ Năm, 23/1/2025
Không chỉ một ngày

Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Ngày Pháp luật là dịp nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đây cũng là dịp biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt việc tốt trong thực hiện pháp luật và là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Được biết, từ năm 2010, xuất phát từ nhu cầu đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, các tỉnh Hà Tây (cũ), Long An, Tiền Giang đã có sáng kiến tổ chức Ngày Pháp luật. Lúc đầu, ngày này chỉ được tổ chức trong các cơ quan, đơn vị cho cán bộ, công chức, viên chức sinh hoạt tập trung, để phổ biến, quán triệt, nghiên cứu các văn bản pháp luật mới được ban hành trong lĩnh vực quản lý, hoạt động của mình. Sau đó, nhiều địa phương thấy mô hình có hiệu quả đã đến tham khảo, học tập và làm theo. Qua việc thực hiện mô hình Ngày Pháp luật, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã đánh giá đây là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc. Mô hình Ngày Pháp luật đã được lan tỏa ra hầu hết các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trong cả nước và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Năm nay là vừa tròn 5 năm Ngày Pháp luật được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Sau 5 năm thực hiện, Ngày Pháp luật đã thực sự là một trong những kênh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, có chiều sâu. Tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, quy định: “Ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Và, mỗi năm đều có một chủ đề riêng, bám sát vào yêu cầu thực tiễn của đất nước. Ví dụ, năm 2013 là năm đầu tiên Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, ngày này có chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tiếp đó, năm 2014, Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam có chủ đề là “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”...  

Thực hiện Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Lễ kỷ niệm, hội thảo, diễu hành tuyên truyền, tư vấn pháp luật... Tuy nhiên, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa cao; hành vi vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra, ngay cả trong một số cán bộ, công chức thực thi công vụ; việc xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật còn lúng túng, chất lượng chưa cao; nguồn lực đầu tư cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế...

Hiện nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp và 217 luật, bộ luật. Là công dân Việt Nam, chúng ta đều thấm nhuần sâu sắc rằng: Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không chỉ ghi nhận ngày ban hành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nhà nước Việt Nam, mà còn được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục người dân ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà sẽ là việc làm thường xuyên cả 365 ngày trong năm của mọi tổ chức, cá nhân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Để tinh thần đó không chỉ được tôn vinh trong Ngày Pháp luật Việt Nam mà phải trở thành nền tảng trong hoạt động của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị, trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi người dân và cả cộng đồng xã hội. Có như vậy mới góp phần xây dựng nước ta nhanh chóng đổi mới, hội nhập.

                                                                                                             Kim Ngân

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi