Vì sao có chuyện ngại gặp dân, né dân, sợ dân? Vì sao có những người đứng đầu chính quyền tỉnh, thành phố bỏ lịch tiếp dân, vin cớ bận?
Nóng trong các phiên thảo luận ở QH là có hay không từ sự thiếu trách nhiệm đã “nâng cấp” thành vô trách nhiệm với dân? Khiếu kiện chưa giảm, tố cáo còn nhiều; hành xử, ứng xử chưa đúng của một bộ phận “công bộc” nói không đi đôi với làm! Không thiếu khiếu kiện vì bên dưới giải quyết không đến nơi đến chốn, người khiếu kiện tìm đến cơ quan cao hơn. Lại nghe cả những cách giải quyết một phía đầy áp đặt như đe nẹt, nạt nộ người dân.
Kinh tế tăng trưởng, xã hội phải bình yên, lòng dân phải hồ hởi, nhưng những vụ việc khiếu kiện của cô bác ở khu đô thị Thủ Thiêm kéo dài từ nhiệm kỳ này, vắt sang nhiệm kỳ khác hơn chục năm qua là vì đâu? Tiếp dân Thủ Thiêm lần thứ ba ngày hôm qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh vẫn buông câu nhẹ nhàng do sai sót và hạn chế (?). Rõ ràng là sai phạm nghiệm trọng gây hậu quả lớn, không thể nói là “sai sót” để làm nhỏ đi trách nhiệm. Càng phải chỉ thẳng đó là lạm quyền không được giám sát kịp thời nên dẫn đến lộng quyền, chứ không thể nhẹ nhàng bảo do “hạn chế”? Nếu không lộng quyền, sao có thể làm trái chỉ đạo và phê duyệt của Chính phủ? Nếu không lạm quyền, sao có thể cưỡng chế như ép người dân vào chân tường?
Người dân Thủ Thiêm và dư luận cả nước đòi hỏi Chính phủ phải chỉ đạo xử nghiêm những ai gây ra vụ khiếu kiện đầy ai oán này, cho dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu. Đã đến lúc cần nhìn thẳng để thấy rõ cái sai của chính quyền thành phố từ những nhiệm kỳ trước. Đã đến lúc phải dũng cảm nhìn vào mắt người dân để sửa sai; đặt mình vào vị trí người dân để có phán quyết đúng.
Tâm thế của công bộc khi đi gặp dân, đến với dân phải là giản dị như về nhà, đến với người thân, sẵn sàng sẻ chia, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Nếu có được tâm thế ấy, người dân sẽ “dốc ruột dốc gan giãi bày”, thậm chí hiến kế xử lý thông minh. Những “công bộc” như thế, người dân rất cần gặp!
Nhưng vì sao có chuyện né gặp dân, sợ gặp dân, tránh mặt dân? Chính những người được trao trọng trách đứng đầu chính quyền các tỉnh, thành phố phải nhìn lại, tự hỏi xem vì sao người dân khiếu kiện nhiều, khiếu kiện vượt cấp? Phải chăng khiếu kiện còn nhiều là những đề đạt, kiến nghị từ cơ sở không được xử lý? Có không chuyện đây đó thách đố người dân: Thích thì cứ đi mà kiện? Có không những vụ việc oan khiên, dân kêu hết cửa này đến cửa kia, nhưng đơn từ cứ “tung xuống hất lên”, không cơ quan nào trả lời? Người dân “ôm” cả giỏ hồ sơ, đơn từ đi lại nhiều lần từ đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên ra Hà Nội, cũng vì cực chẳng đã.
Tiếp công dân, đến với dân là để thấu lòng dân, xử lý những khiếu kiện, đề đạt của người dân một cách thấu tình đạt lý. Công việc này rất cần sự hiểu biết, công tâm, khách quan và minh bạch! Không thể để diễn mãi tình trạng cử người ủy quyền tiếp dân thay Chủ tịch. Càng không thể có chuyện Chủ tịch trong một năm không có buổi tiếp dân nào. Cũng không thể để tình trạng người tiếp công dân chỉ như cán bộ nhận đơn. Phải coi tiếp công dân là trách nhiệm và hạnh phúc của “công bộc”. Gần dân, lắng nghe và xử lý những kiến nghị của dân một cách tâm phục khẩu phục. Còn tiếp dân, nghe dân, sau đó làm trái, làm ngược lòng dân, rõ ràng phải nghiêm túc nhìn lại!
Hà Phương