|
Thủ tướng dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Nội Ninh,
xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang |
Ngày hội đại đoàn kết là dịp để gần dân, lắng nghe dân. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi tham dự Ngày hội Đại đoàn kết tại thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Việc gần dân, lắng nghe dân vẫn là yêu cầu cấp bách, khi mà bệnh quan liêu của một bộ phận quan chức vẫn đang tồn tại.
Có những Chủ tịch tỉnh ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân suốt cả năm. Đây là thông tin được nêu trong báo cáo Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, do Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tại Quốc hội sáng 14/11. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định. Việc uỷ quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh (một số tỉnh ủy quyền trên 70% như: Nam Định, Bình Dương, Lào Cai, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam).
Ngay tại nghị trường, có đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng: người dân phải ra tận quán nhậu để tìm ông chủ tịch UBND tỉnh. Trong khi đó, theo quy định của Luật Tiếp công dân thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, chủ tịch UBND cấp xã phải tiếp dân ít nhất mỗi tuần một lần, phải công khai lịch tiếp công dân.
Từ thực tế cho thấy, khi nhiều chính sách có phần “đụng chạm”, tác động đến lợi ích và sinh kế của người dân, khi mà còn một bộ phận cán bộ suy thoái, biến chất…, chắc chắn khiếu kiện vẫn sẽ còn phức tạp. Trong khi đó, vì lãnh đạo "ngại" đối thoại, người dân không được cung cấp đầy đủ thông tin đầy đủ nên phải ôm đơn thư đi lòng vòng, hết lên trên lại quay về cấp dưới, khiến khiếu kiện kéo dài. Chính vì tâm lý "ngại" tiếp công dân này, dẫn đến việc nhiều vụ việc "nổi cộm" như: doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường; rừng bị phá; buôn lậu.v.v..., người dân biết, báo chí phản ánh, nhưng chính quyền lại "không thấy".
Khi việc đối thoại, tiếp công dân được thực hiện thường xuyên, sẽ giúp xử lý được nhiều vụ việc nảy sinh, phức tạp ngay tại địa phương. Qua đó, hạn chế tình trạng khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp, đồng thời xây dựng một chính quyền gần dân, nghe dân, hiểu dân. Và khi đó, niềm tin trong dân với chính quyền được nâng cao, tạo đồng thuận trong xã hội. Đây là bước đi đầu tiên, là mấu chốt của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cùng với đối thoại, tiếp dân theo định kỳ, lãnh đạo còn có nhiều phương thức khác để tiếp nhận thông tin, xử lý công việc hiệu quả như: mở điện thoại nóng, hộp thư công dân, facebook.v.v...
Ngày hội đại đoàn kết tổ chức ở các khu dân cư cũng là một cách thức để lãnh đạo các địa phương trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, qua đó thấy được những điều người dân chứng kiến hàng ngày. Với các khu dân cư, đây cũng là dịp tổng kết lại những hoạt động một năm trong đoàn kết xây dựng khu dân cư, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương đất nước; là diễn đàn dân chủ ở nông thôn, tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Những ngày hội này chỉ thực sự thực chất khi nó phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng tính phản biện xã hội, tạo điều kiện để người dân giám sát đối với các công trình chung; giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống và làm giàu; bàn bạc để đi đến thống nhất trong việc thực hiện hương ước, quy ước ở làng, xóm, khu dân cư; kịp thời hòa giải những mâu thuẫn, bất hòa, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Sự đoàn kết thực sự là phải lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Ở đâu chưa giải quyết vấn đề dân chủ, chưa giải quyết hài hòa lợi ích thì khó có bình đẳng và đoàn kết thực sự. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan, cán bộ, công chức phải sát dân, lắng nghe dân, quan tâm lợi ích chính đáng của người dân. Cả bộ máy phải làm việc theo tinh thần "Chính phủ kiến tạo, liêm chính, quyết liệt", chủ động giải quyết các vụ việc, "đừng để mất bò mới lo làm chuồng, nước đến chân mới nhảy".
Thế nhưng, tình trạng "ngại" tiếp xúc với dân, xa dân vẫn còn đó. Dư luận mong làm được điều mà đại biểu Vũ Trọng Kim nêu ra tại nghị trường Quốc hội: "Nếu vị lãnh đạo nào không thực hiện được việc đó theo đúng quy định thì phải rời ghế"./.
Nguồn: vov.vn