Thứ Hai, 23/12/2024
Phát huy vai trò người thầy trong đổi mới giáo dục

 Một tiết học tại Trường THPT Mùn Chung (Huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên)

Hơn 70 năm qua, nền giáo dục cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, chăm lo; sự nghiệp giáo dục và đào tạo từng bước đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Trong đó, đội ngũ nhà giáo ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, sáng tạo, đổi mới, tâm huyết với nghề. Biết bao tấm gương nhà giáo đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, hy sinh cả tuổi thanh xuân, hết lòng vì học sinh thân yêu, mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.

Hiện cả nước có hơn 1,3 triệu nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học. So với năm 2010, tổng số giáo viên tăng hơn 12%, trong đó tỷ lệ gia tăng lớn nhất ở bậc giáo dục mầm non và đại học. Số nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm khoảng 91%; tỷ lệ này ở cấp tiểu học và THCS lên đến 99%.

Nhiều thầy cô tận tâm tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, luôn trau dồi năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Họ đã thắp lên ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo, góp phần trong công cuộc đổi mới giáo dục của đất nước.

Đó là cô giáo Hồ Thị Hường – Trường Tiểu học Đông Ngạc A (Hà Nội) được tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo 2018” bởi những sáng kiến áp dụng trong nghề. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng cô luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt công việc nhà trường, truyền nhiệt huyết, lòng đam mê, sáng tạo, tinh thần vượt khó tới đồng nghiệp và học sinh. Cô là người tổ chức “Ngày hội Tiếng Anh”, “Toàn trường nói Tiếng Anh”, “Kết nối điểm cầu quốc tế”, huy động nguồn lực hỗ trợ từ các công ty và trung tâm Ngoại ngữ. Cô cũng là người thiết kế phần mềm cho học sinh, tạo điều kiện cho các em có thể ôn luyện Tiếng Anh trên điện thoại tại bất cứ nơi nào; lập nhóm phụ huynh các lớp trên Zalo để cùng trao đổi thông tin, kết hợp với gia đình giáo dục học sinh. Và còn biết bao tấm gương thầy cô hết lòng vì học sinh thân yêu mà chúng ta không thể kể ra hết được ở đây.

Thế nhưng, trong niềm hân hoan cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam thì không phải thầy cô giáo nào cũng có niềm vui trọn vẹn. Chủ trương tinh giản biên chế là hoàn toàn đúng, nhưng tại một số địa phương đã có cách làm máy móc về tinh giản biên chế trong ngành giáo dục, khiến nhiều thầy cô phải rơi nước mắt. Trước những bức xúc đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã có công văn yêu cầu các địa phương không cắt giảm biên chế cơ học mà cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, nghị quyết của Chính phủ yêu cầu giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không phải cắt giảm 10% giáo viên.

Rồi câu chuyện thừa thiếu giáo viên “nổi lên” thời gian qua khiến dư luận xã hội nhiều băn khoăn. Do tình trạng thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế được giao không đúng với quy định hiện hành như: Krông Pắk (Đắk Lắk), Thanh Oai (Hà Nội), Cà Mau, Phú Yên, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số địa phương khác.

Vấn đề này đang được Bộ GD&ĐT giải quyết rốt ráo. Vừa rồi, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ xác định số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học và thực hiện tinh giản biên chế đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức. Đồng thời, xây dựng và thực hiện các chính sách tạo động lực cho giáo viên và giáo sinh; nghiên cứu chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường; nghiên cứu, rà soát và đề xuất chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng, lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên,...

Mục tiêu giáo dục theo tinh thần đổi mới là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Bằng các giải pháp đồng bộ như đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử, Bộ GD&ĐT đang nỗ lực “đánh tan” sức ỳ, tư duy cũ, ngại đổi mới của một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo trong ngành. Việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang dần dần thay đổi phương pháp dạy cũ – học theo kiểu “thầy chép, trò ghi, thi học thuộc" - được xem là lực cản đối với công cuộc đổi mới giáo dục - sang phương pháp dạy mới lấy người học làm trung tâm. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh cách thu nhận kiến thức một cách chủ động, tích cực, hỗ trợ học sinh giải đáp những thắc mắc khi cần thiết.

Rồi đây, chương trình, sách giáo khoa mới được triển khai, đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng chia sẻ, nếu thầy cô giáo không đổi mới phương pháp dạy học thì chương trình, sách giáo khoa có hay đến mấy, học sinh vẫn không phát triển được năng lực, như vậy, có thể xem tiến trình đổi mới giáo dục thất bại. Do đó hơn bao giờ hết, mỗi giáo viên giờ đây phải là người tiên phong trong tiến trình đổi mới.

Đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu mới. Điều này đặt ra cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo với vị trí, vai trò là quốc sách hàng đầu phải đi trước một bước. Như vậy, vai trò của người thầy càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi