Thực tế, một số cán bộ khi đương chức thì không có ý kiến đóng góp thẳng thắn cho Đảng, cho đất nước, cho cơ quan nơi mình công tác, nhưng khi nghỉ hưu thì có biểu hiện phát ngôn tùy tiện, không mang tính xây dựng, thậm chí sử dụng những thông tin không chính thống để “đưa chuyện”… Một số đảng viên, cán bộ nghỉ hưu, một phần do thiếu thông tin, nên khi tham gia mạng xã hội đã có biểu hiện xa rời tổ chức, “luận bàn thế sự” một cách thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức chính trị, thậm chí bị lôi kéo, kích động. Đáng lẽ, trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, với nền tảng lý luận và thực tiễn của mình, được tích lũy trong nhiều năm công tác, những cán bộ đó phải có lập luận sắc bén, phản biện quyết liệt với những thông tin xuyên tạc, sai lệch, kiểu “đánh bùn sang ao”, “vơ đũa cả nắm” nhằm kích động, chống phá Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, không những không làm được điều đó, một số cá nhân còn nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất; dẫn đến bình luận chủ quan, hoặc chia sẻ thông tin sai lệch, phiến diện, thiếu tin cậy và không được kiểm chứng.
Khi một số cán bộ nghỉ hưu không giữ được khí tiết của người cộng sản, phẩm chất cách mạng của người đảng viên, không giữ được “lòng trong, tâm sáng”, họ bị sa đà và đánh mất mình với những phát ngôn sai lệch. Họ là những người “khi rời tập thể… dễ tan vào đám đông”, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong chính nội tại bản thân. Đáng buồn hơn, có những cán bộ sắp nghỉ hưu đã có biểu hiện “chợ chiều cuối khóa” cả trong thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật phát ngôn.
Trong khi hầu hết cán bộ, đảng viên khi nghỉ hưu luôn kiên định với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tự giác, gương mẫu chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xác định dù nghỉ hưu vẫn tiếp tục đóng góp cho cách mạng, cho quê hương, xóm, phố… thực hiện “sống vui, sống khỏe, sống có ích”… thì vẫn còn một số cán bộ, đảng viên hưu trí đã có những phát ngôn không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng. Điều này đã được Đại hội XII của Đảng cảnh báo và chỉ rõ: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cũng chỉ rõ: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”...
Đặc biệt, lợi dụng tự do ngôn luận, một số cán bộ, đảng viên nghỉ hưu còn đăng đàn lôi kéo, hoặc bị lôi kéo kích động nói xấu Đảng, Nhà nước, làm những điều đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc. Họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân đáng chê trách trong thời đại công nghệ số.
Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do, dân chủ của công dân, tổ chức; trong đó có quyền bày tỏ chính kiến, ý kiến, thậm chí cả những ý kiến chưa đồng thuận, trái chiều, nhưng phải bảo đảm tôn trọng sự thật, khách quan; đóng góp mang tính xây dựng và tuân thủ pháp luật. Đặc biệt với cán bộ, đảng viên dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu, đều phải nói và làm theo đúng nghị quyết của Đảng; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; góp ý, kiến nghị đúng nơi, đúng chỗ, đúng quy định; trên cơ sở biện chứng, khoa học; tránh tình trạng sự việc, sự kiện đã qua, không còn phù hợp với hiện tại vẫn được một số người cố tình “xới lên”, thêu dệt, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang, dao động trong quần chúng nhân dân. Đó cũng chính là những biểu hiện không giữ được phẩm chất, đạo đức cách mạng của người cộng sản, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng tự do, dân chủ để xuyên tạc, lôi kéo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước.
Đảng, Nhà nước ta luôn trân trọng, ghi nhận những đóng góp to lớn, tích cực của đội ngũ cán bộ nghỉ hưu trong xã hội. Những năm qua, hằng năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều tổ chức hội nghị gặp mặt cán bộ lão thành, nguyên cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, để báo cáo kết quả phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng; kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cung cấp thông tin chính thống liên quan đến các vụ việc, vấn đề dư luận quan tâm. Các ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương… trong cả nước cũng định kỳ và thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại, cung cấp thông tin chính thống cho các cán bộ hưu trí đang sinh sống tại địa bàn. Thông qua các kênh khác nhau, việc lấy ý kiến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu được Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc… thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, cầu thị, trân trọng những đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, trên tinh thần xây dựng của các đồng chí nguyên lãnh đạo các cấp và đội ngũ cán bộ hưu trí, coi đây là một kênh quan trọng để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên hưu trí cần thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong đóng góp, hiến kế tham gia xây dựng đất nước. Cần nắm chắc và thực hiện đúng các quy trình, thủ tục, cách thức tham gia đóng góp ý kiến, phát biểu trước diễn đàn; trong mọi tình huống phải phát biểu chính danh, đúng cách, nhìn nhận sự việc khách quan, đa chiều, tôn trọng sự thật; luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Mỗi ý kiến phát biểu, phát ngôn cần được cân nhắc thận trọng, thấy rõ cả tác động tích cực và tiêu cực; tác dụng và tác hại; khi phân tích, xem xét phải được đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể...
Cùng với phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ hưu trí, công tác tuyên truyền, vận động cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa; trong đó, việc cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính thống cho cán bộ hưu trí là hết sức cần thiết. Bởi thực tế, một số cán bộ nghỉ hưu phát ngôn chưa đúng là do thiếu thông tin, hoặc chưa tỉnh táo thanh lọc thông tin; bị lợi dụng…
Nhiều cán bộ hưu trí, tuy đã “hưu” nhưng với “trí” sáng, “tâm” trong vẫn luôn nhiệt huyết đóng góp cho cách mạng và cộng đồng. Tiếng nói của các đồng chí có uy tín, có sức thuyết phục nhờ kiến thức, vị thế xã hội, kinh nghiệm và uy tín tích lũy sau nhiều năm công tác. Khi nghỉ hưu cũng là dịp để mỗi cán bộ có điều kiện, thời gian chiêm nghiệm, đúc kết thực tiễn và tiếp tục hiến kế cho Đảng, Nhà nước, đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Điều đó rất đáng trân trọng. Tuy vậy, chúng ta không đồng tình khi có một số ít cán bộ hưu trí, do tác động của tuổi tác, sức khỏe, tâm lý; do thông tin, sự tiếp xúc xã hội hạn chế, nên đã có những hành động, lời nói thiếu nhất quán, không đúng đường lối, quan điểm của Đảng; đánh mất vai trò “cây cao bóng cả”; dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, kích động, thậm chí phản bội lý tưởng, đi chệch con đường mà chính họ đã suốt cuộc đời cống hiến, hy sinh. Với mỗi người, niềm tin, lý tưởng, nhân sinh quan, lẽ sống là hết sức quan trọng. Đó cũng là bản lĩnh chính trị, là lời thề trước Đảng, là sự trung thành, kiên định với con đường đã chọn của mỗi cán bộ, đảng viên khi đang công tác cũng như khi nghỉ hưu./.
Nguồn: qdnd.vn