Thứ Hai, 23/12/2024
Xóa tư duy nhiệm kỳ - Mấu chốt phòng ngừa “điểm nóng”

Nhiều giải pháp sáng tạo, tập trung

Giải quyết những vấn đề nổi cộm, khó khăn, phức tạp mới nảy sinh, những vấn đề tồn đọng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của TP Hà Nội. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Thành ủy và các cấp ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm giải quyết những vấn đề này.

Nổi bật là, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm 82 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng kéo dài. Đến nay, quá nửa số vụ việc đã được giải quyết xong. Đặc biệt, nhằm tập trung ngăn ngừa phát sinh “điểm nóng”, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội” và Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp. Lần đầu tiên, Hà Nội đã rà soát, tổng hợp và lập danh sách các vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng” trên toàn thành phố làm căn cứ chỉ đạo giải quyết. Đến nay, trong số 200 vụ việc được thống kê ở cấp thành phố, đã có hơn 50% vụ việc giải quyết xong. 

Không để tồn tại tư duy “dễ làm, khó bỏ”, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, tồn đọng, như: Giao đất dịch vụ (hơn 735.000ha, liên quan khoảng 66.000 hộ); đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội tồn đọng (hơn 1.700 kết luận)... Nhằm loại trừ tư duy nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 “Về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”, thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống chính trị từ tháng 7-2018. 

Cùng với thành phố, nhiều cấp ủy địa phương đã tập trung xử lý những vấn đề khó khăn, phức tạp tồn đọng. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, huyện đã tập trung giải quyết tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng và cấp đất dịch vụ cho người dân. Nhờ đó, Đan Phượng là một trong số ít địa phương không xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan vấn đề này. Từ nay đến hết năm 2018, huyện sẽ bàn giao đất dịch vụ cho 565 hộ dân còn lại. Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến, đến nay, cơ bản những vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng” trên địa bàn huyện đã được giải quyết xong...

Đặc biệt, nhiều cấp ủy địa phương đã phân công các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành cấp ủy phụ trách địa bàn, lấy kết quả giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp là thước đo đánh giá năng lực và trách nhiệm. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết, nếu phát hiện vấn đề nổi cộm nảy sinh ở địa bàn dân cư, các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy lập tức phải xuống nắm tình hình, phối hợp với các bên liên quan giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường, kết quả giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp quyết định điểm đánh giá hằng tháng của mỗi Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy.

Đòi hỏi cấp thiết

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tiễn tại cơ sở vẫn còn không ít những biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ. Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, ở một số nơi, không ít cán bộ vẫn còn tâm lý cho rằng, việc nọ, việc kia là của lãnh đạo khóa trước, nên chưa quyết liệt giải quyết, nhất là những việc khó khăn, phức tạp.

Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng nêu rõ: “Một số công trình vi phạm tồn đọng từ các năm trước chưa được xử lý dứt điểm. Số công trình vi phạm mới ở mức cao. Vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng vẫn còn phổ biến”. Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, bên cạnh những địa phương, đơn vị tích cực vào cuộc; vẫn còn có địa phương, đơn vị chậm trễ, thực hiện cầm chừng. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trong 16 đơn vị vừa được Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu năm 2018, có không ít đơn vị vì giải quyết chưa tốt những vấn đề còn tồn đọng, vướng vào tư duy nhiệm kỳ.

“Vướng vào tư duy nhiệm kỳ, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình” là một phần nội dung trong biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị (biểu hiện thứ chín) được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tư duy nhiệm kỳ sẽ gây hậu họa khó lường cho cả cá nhân người cán bộ lãnh đạo và tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương; làm mất lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền. Xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ là đòi hỏi cấp thiết, giải pháp mấu chốt để phòng ngừa phát sinh “điểm nóng”.

Võ Lâm/HàNộiMới Online

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi