Thứ Hai, 23/12/2024
Kỷ niệm 72 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2018): Bài học về phát huy sức dân trong bảo vệ Tổ quốc

 Nhân dân Thủ đô Hà Nội dựng chiến lũy chống giặc Pháp tại phố Mai Hắc Đế. Ảnh tư liệu

Do dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta không còn con đường nào khác là phải chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do và thành quả của cách mạng. Ngày 19-12-1946, cuộc Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống quân thù. Đảng ta phát động chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, thực hiện kháng chiến đi đôi với kiến quốc.

Bước vào kháng chiến, so sánh lực lượng giữa ta và địch hết sức chênh lệch, đặc biệt về kinh tế và quân sự. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ điều đó; đồng thời thấy rõ nguồn sức mạnh tiềm tàng và to lớn của dân tộc, của quần chúng nhân dân một khi quyết tâm đứng lên bảo vệ độc lập, tự do và cuộc sống của mình. Vì thế, “về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần”. Đó là cơ sở sức mạnh to lớn để Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quyết tâm đánh giặc, kháng chiến đến cùng. Đồng thời, khẳng định niềm tin và ý chí quyết tâm: “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, khắp nơi nhân dân ta hăng hái tổ chức đánh chặn địch, thực hiện “mỗi công dân là một chiến sĩ, mỗi làng là một pháo đài”, tạo nên “bức thành đồng” vững chắc của cuộc kháng chiến toàn dân. Chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp nhanh chóng bị phá sản. Trong khi đó, quân dân ta giữ gìn và phát triển lực lượng ngày càng lớn mạnh, để cuối cùng có đủ sức mạnh ra đòn quyết định Điện Biên Phủ, đập tan quân xâm lược Pháp.

2. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong tình hình mới có nhiều thuận lợi cơ bản, song gặp không ít khó khăn, thách thức. Phát huy bài học trong Toàn quốc kháng chiến, phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”.

Trước hết là, kiên quyết giữ vững hòa bình, ổn định, ngăn ngừa, loại trừ nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, bảo đảm môi trường thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Yêu cầu chính yếu và thượng sách bảo vệ Tổ quốc là, không để đất nước xảy ra chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải thực hiện tốt những biện pháp đối nội và đối ngoại theo phương châm thêm bạn, bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Đồng thời, giải quyết và xử lý tốt các vấn đề đối tác và đối tượng, cố gắng gia tăng hợp tác, tránh xung đột; tránh bị đối đầu, lệ thuộc, tạo ra “trong ấm” và củng cố “ngoài êm”, bảo đảm đất nước không bị cô lập. Từ đó, tạo thuận lợi cho đất nước khi buộc phải tiến hành chống chiến tranh xâm lược, nếu xảy ra.

Tiếp đó là, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Muốn vậy, phải thực hiện cho bằng được: Kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất. Ra sức củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu để lực lượng vũ trang thực sự là lực lượng chính trị trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Đặc biệt chú trọng phát huy bài học về sức dân, xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Bảo đảm cho toàn dân tộc đồng thuận về tư tưởng, cùng một chí hướng, cùng một mục tiêu, cùng một quyết tâm: Trong thời bình thì hăng hái thi đua lao động, sản xuất, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; khi chiến tranh xảy ra, thì cả nước một lòng, triệu người như một, quân với dân một ý chí, tạo nên “bức thành đồng” vững chắc bảo vệ Tổ quốc.

Bài học từ kháng chiến toàn quốc chỉ ra rằng, các thế lực thù địch không khi nào từ bỏ dã tâm chống phá cách mạng nước ta, chúng ta “càng nhân nhượng”, thì chúng “càng lấn tới”. Mọi sự lơ là, mất cảnh giác đều dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây tổn thất cho cách mạng. Môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi, định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước chỉ có thể có được và giữ vững được, nếu chúng ta kiên quyết đấu tranh và biết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch ra sức thực hiện “diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chống phá cách mạng nước ta. Điều đó, đòi hỏi chúng ta luôn phải tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch./.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi