Thứ Hai, 23/12/2024
Những động lực của kinh tế Việt Nam 2019

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2019 và các năm tiếp theo. Tuy nhiên, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng.

Ông Lâm cho hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 3,5% năm 2019. Tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế chủ chốt không còn diễn ra đồng đều trên diện rộng như năm 2017 và đầu năm 2018, động lực của các nền kinh tế lớn suy giảm, hầu hết các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng chậm lại.

Không những thế, cạnh tranh chiến lược tiếp tục gia tăng quyết liệt hơn thông qua liên kết kinh tế; đồng thời, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc. Xu hướng tăng lãi suất, biến động khó lường trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế và giá dầu tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến tăng trưởng tín dụng, tâm lý và kỳ vọng thị trường.

Về phần Việt Nam, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô; về y tế sức khỏe và quy mô thị trường. Tuy vậy các chỉ số đóng vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đạt thấp như: năng lực đổi mới sáng tạo; thị trường lao động; khả năng tiếp cận công nghệ; kỹ năng lao động; năng động của doanh nghiệp và thị trường sản phẩm… Theo ông Lâm, đây là những thách thức không nhỏ, có tính lâu dài đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, trả lời câu hỏi đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm trước hết nhắc đến việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với kinh tế khu vực và toàn cầu, đánh dấu thời điểm Việt Nam hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với mức độ cắt giảm sâu rộng.

Việt Nam đã ký kết và bắt đầu triển khai các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với những cam kết sâu rộng, tiêu chuẩn cao và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Những thỏa thuận FTA này tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam với độ mở cao của nền kinh tế, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

“Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ cũng sẽ là nền tảng quan trọng đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện rõ rệt, cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều kết quả về cải cách thông qua việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Làn sóng khởi nghiệp hình thành đã huy động được nguồn vốn cho nền kinh tế”, ông Lâm nói khi trả lời phỏng vấn TTXVN.

Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra giữa các ngành kinh tế mà còn có xu hướng chuyển đổi tích cực trong nội bộ ngành sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng trong thời gian tới. Lĩnh vực công nghiệp cũng đã chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng năm 2019.

Từ ba điểm sáng năm 2018

Theo Báo cáo thường niên Kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được Trường Đại học Ngân hàng TPHCM công bố, con số tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam năm qua đi cùng với ba điểm sáng.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đến từ tất cả các khu vực cho thấy sự đi lên khá đồng đều của hoạt động kinh tế.

Thứ hai, vai trò đóng góp chủ đạo vào tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện rõ. Tiêu dùng tư nhân cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tổng cầu với mức tăng cao hơn năm trước 11,7%. Đầu tư tư nhân vẫn giữ được nhịp tăng của năm trước ở mức 18,5% trong bối cảnh đầu tư toàn xã hội tăng trưởng ở mức thấp hơn so với năm trước.

Thứ ba, mặt trận kinh tế đối ngoại bứt phá ấn tượng. Hoạt động xuất nhập khẩu đã thiết lập kỷ lục mới với giá trị xuất siêu cả năm ở mức 7,2 tỷ USD, tăng 147% so với năm trước đó. Đặc biệt, lần đầu tiên khu vực tư nhân có mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (15,9% so với 12,9%).

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, len lỏi trong bức tranh kinh tế sáng sủa của năm 2018 là những mảng tối đáng lo ngại. Vì tăng trưởng đã có dấu hiệu chậm lại từ nửa sau 2018 đồng thời xuất hiện sự trái quy luật so với những năm trước đó. Sự chậm lại này xuất hiện ở chính hoạt động dẫn đầu tăng trưởng là công nghiệp.

Cụ thể, tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trong 2 quý cuối năm 2018 có dấu hiệu giảm nhẹ so với 2 quý đầu năm - trái ngược với quy luật cuối năm tăng trưởng cao hơn so với đầu năm. Trong đó, ngành chế biến chế tạo đã có một năm tăng trưởng rất đáng quan ngại khi hoạt động sản xuất tăng không bền vững qua từng tháng như những năm trước mà tập trung tăng vào giữa năm, tăng yếu hơn ở đầu và cuối năm.

Đối với tăng trưởng năm 2019, báo cáo nhìn nhận nền kinh tế có những nhân tố tích cực cho tăng trưởng từ sự ổn định của tăng trưởng khu vực tư nhân ở cả cấu phần tiêu dùng và đầu tư, cùng với đó là xu hướng phục hồi của ngành nông, lâm, thuỷ sản.

Dù vậy, tăng trưởng kinh tế 2019 cũng đối diện với không ít rào cản như nguy cơ lan rộng của cạnh tranh thương mại, khó khăn của khu vực công nghiệp - xây dựng và đặc biệt sự giới hạn từ mô hình tăng trưởng của nền kinh tế truyền thống dựa trên vốn và tài nguyên.

Theo báo cáo, trong những năm gần đây, Chính phủ rất rõ ràng trong định hướng ổn định vĩ mô hàng đầu song song với tăng trưởng kinh tế, nên sẽ không theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá. Từ những phân tích này, mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 được nhóm nghiên cứu dự báo dao động xung quanh 6,7%.

Trong khi đó, tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2018 tổ chức tại Hà Nội sáng 10/1, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt 6,9%, tăng 0,1% so với mục tiêu được Quốc hội thông qua.

Góp ý cụ thể cho chính sách, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng nếu có chính sách tỷ giá phù hợp, thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, bên cạnh việc tiếp nhận nhiều đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc.

Về tác động lâu dài khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này.

Song, thách thức cho Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi về lợi thế quy mô như Trung Quốc, Ấn Độ, TS. Nguyễn Đức Thành nêu rõ.

Thành Đạt/chinhphu.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi