Thứ Bảy, 21/9/2024
Nâng cao ý thức sử dụng đồng tiền

Nói về việc sử dụng đồng tiền, bà hàng xóm cạnh nhà tôi kể: “Cái cách người ta "ứng xử" với đồng tiền thì tôi được chứng kiến nhiều rồi. Ví như một lần tôi đi chợ mua cá, lúc trả tiền thừa, chị bán hàng thọc tay vào chiếc ủng đang đi lấy tiền ra trả, cầm đồng tiền ướt sũng nước, tôi yêu cầu chị đổi cho tờ khác. Chị mở bọc tiền ra cho tôi trông thấy, nói: "Đây bác xem, tờ nào cũng vậy, hàng cá mà bác…". Lần khác, tôi thấy một chị bán gà, đông khách tiền thu không kịp cất chị đặt tiền xuống đất, lấy chân chèn lên giữ. Rồi lúc khác lại thấy có người, mua bán xong cầm cả nắm tiền vo viên nhét vào túi áo, túi quần một cách cẩu thả khiến tiền nhàu nát. Nhưng, cái cách “ứng xử” tệ nhất lại là chốn linh thiêng nơi cửa phật, người đi đền chùa vứt tiền lễ cả xuống nước, xuống gốc cây. Rồi, tôi còn thấy nhiều đám tang người ta ném những tờ năm trăm, một, hai nghìn, thậm chí cả năm, mười nghìn lúc qua cầu, qua sông trên dọc đường đi nhằm làm "lộ phí" và đánh dấu đường để linh hồn người chết biết đường về nhà?!


 Ảnh minh họa

Những ví dụ trên cho thấy ý thức bảo quản đồng tiền khi giao dịch, mua bán của nhiều người còn rất kém. Hiện chúng ta đang dùng tiền pôlyme, giấy in tiền là loại tốt, song lại có nhược điểm dễ cong quăn khi gặp nhiệt độ cao. Người ta đã tính toán, đồng đô la Mỹ gập ra gập vào 4.300 lần mới rách; đồng Yên của Nhật Bản, đồng Mác của Đức, Phờ răng của Pháp cũng phải hơn 3.000 lần. Với ý thức dùng tiền của người Việt Nam ta như trên thì độ bền của tiền chắc chắn không đạt tiêu chí trên.

Việc in tiền mới để thay thế tiền cũ nát cũng được các cơ quan chức năng tiến hành song chi phí rất cao, rất tốn kém do giấy in, mực in phải tốt, máy in phải cực kỳ tinh vi, hiện đại. Vì vậy, giữ cho đồng tiền luôn mới, sạch sẽ, tăng độ bền, hạn chế tối đa lượng tiền cũ nát phải thu đổi cũng là góp phần giảm chi phí cho ngân sách nhà nước.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì hành vi hủy hoại tiền tệ Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bị nghiêm cấm. Cụ thể trong nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam.

Đồng tiền Việt Nam là tài sản của người Việt Nam, tượng trưng cho người Việt Nam, văn hóa và giá trị của người Việt Nam. Bảo quản tốt đồng tiền chính là cách thể hiện sự quý trọng của bản thân mỗi người đối với đồng tiền Việt Nam; đồng thời là trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quyết định 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam.

                                                                                                                                                                                        Kim Ngân

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất