Thứ Năm, 23/1/2025
Điểm “nóng” ở cơ sở và trách nhiệm nêu gương

Phải định lượng được hiệu quả nêu gương

Đến thời điểm này, những vụ việc khiếu kiện, khiếu nại của một bộ phận người dân diễn ra tại khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2 và khu vực vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) đã cơ bản được giải quyết. Tại cuộc họp báo thường kỳ do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5-3 vừa qua, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, người phát ngôn của UBND thành phố, khẳng định: Thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các phương án đền bù, hỗ trợ di dời, tái ổn định cuộc sống của người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án để bà con thảo luận, lựa chọn. Việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người dân Thủ Thiêm sẽ được giải quyết rốt ráo trong năm 2019.

Có được kết quả và sự chuyển biến tích cực này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp còn có vai trò to lớn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của các cấp hội, đoàn từ cơ sở, trong đó có trách nhiệm nêu gương của nhiều cán bộ, đảng viên, ngăn chặn âm mưu kích động, chống phá của các phần tử cơ hội.

Thực tế cho thấy, những công trình, dự án liên quan đến giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai các công trình phúc lợi, nếu được công khai minh bạch, giải quyết hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi của người dân thì luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Dự án Đường đua F1 tại hai phường Mỹ Đình 1 và Phú Đô thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đang triển khai là một ví dụ. Hình ảnh người dân chung tay với lực lượng chức năng vui vẻ, tự giác tháo dỡ các công trình tạm trên đất dự án được phản ánh trên truyền thông và mạng xã hội những ngày qua là một dẫn chứng sinh động về vấn đề này. Để tạo nên hình ảnh đẹp ấy có vai trò không nhỏ của nhiều cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong việc nêu gương, tự giác chấp hành chủ trương chung và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện.

Tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới những năm qua cho thấy, việc hiến đất làm đường của đông đảo người dân đã thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng trong thời đại mới ở các địa phương. Hiệu quả của phong trào ý nghĩa này không chỉ góp phần tiết kiệm, làm lợi cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, mà còn tạo động lực, nguồn lực to lớn để đưa chương trình nhanh chóng về đích. Sức sống và sự lan tỏa của phong trào này lớn tới mức trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên công cụ Google. Vào công cụ này gõ từ khóa “hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới”, chỉ trong 0,63 giây đã cho đến hơn 3.630.000 kết quả. Những tấm gương tiêu biểu của các cán bộ, đảng viên ở cơ sở, những cựu chiến binh, tổ trưởng dân phố, người đứng đầu khu dân cư, thôn, ấp… tiên phong nêu gương, tự nguyện hiến đất cho dự án đã thúc đẩy, kéo theo sự đồng tình, vào cuộc của đông đảo người dân địa phương.

Dẫn những ví dụ như vậy để thấy, dòng chảy chính trong đời sống xã hội của chúng ta luôn là tinh thần yêu nước, nhiệt huyết cống hiến, lan tỏa hào khí cách mạng, giá trị nhân văn thời đại mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện thực sinh động của đất nước và đời sống nhân dân ta đã được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đánh giá cao, được truyền thông quốc tế ngưỡng mộ, ca ngợi tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên vừa qua. Ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Ở địa phương nào cũng vậy, khởi nguồn của mọi chương trình, phong trào hành động cách mạng luôn có vai trò nêu gương, tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên giàu nhiệt huyết ở cơ sở, với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Truyền thống và phẩm chất tốt đẹp ấy có từ lâu đời và đang được phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.

Những vụ việc tiêu cực dù không phải là phổ biến, nhưng khi nó xảy ra ở một đơn vị, địa phương nào đó, nếu không có giải pháp xử lý rốt ráo, sẽ dễ diễn biến thành điểm “nóng”, tạo chú ý của dư luận. Những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế sẽ là cái cớ để các phần tử cơ hội, phản động lợi dụng “ký sinh”, nhằm xuyên tạc, kích động, phục vụ cho các mưu đồ chính trị chống phá Đảng, chống phá chế độ. Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến thực trạng này là do vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở chưa được phát huy. Những tồn tại, yếu kém này đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII): “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở…”. Biểu hiện cụ thể là: “Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao...”. Trong công tác và quan hệ với nhân dân thì: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân...”.

Như vậy, trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trực tiếp là những người công tác ở cơ sở, gần dân, bên cạnh dân, không phải là những khái niệm chung chung mà đã được Đảng ta chỉ ra rất rõ, rất cụ thể. Thành tích hay khuyết điểm của cán bộ, đảng viên được định lượng thông qua hiệu quả thực hiện nhiệm vụ theo chức trách được phân công. Để đơn vị, địa phương, địa bàn mình phụ trách xảy ra những vụ việc tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của người dân chậm được giải quyết hoặc giải quyết không đến nơi đến chốn dẫn đến “chuyện bé xé ra to”, “cái sảy nảy cái ung” thành những điểm “nóng” chính là thể hiện sự yếu kém trong nêu gương, biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về phẩm chất đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị. Nơi nào, khi nào có những biểu hiện ấy thì nơi đó, khi đó người dân sẽ mất niềm tin vào cán bộ, ảnh hưởng xấu đến hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị địa phương.

Thường xuyên soi chiếu nghị quyết, quy định vào thực tiễn

Để phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, khắc phục ngay những biểu hiện tiêu cực, yếu kém trong cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã xác định rõ mục tiêu là: “Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu…”.  

Trách nhiệm, bổn phận nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta nhận thức rất sâu sắc và cụ thể hóa bằng những quy định chặt chẽ, xuất phát từ quá trình tổng kết thực tiễn và phát triển tư duy lý luận. Những quy định về vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được nêu cụ thể trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) và Quy định số 08-QĐi/TW cần được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục trên thực tế, ngay từ cơ sở, trong từng chi bộ, tổ đảng, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền. Một trong những giải pháp trước hết là: “Cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp phải xây dựng kế hoạch, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát, khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân…Trước mắt rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Soi chiếu nghị quyết, quy định của Đảng vào thực tế tình hình ở mỗi đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, chỗ nào, ở đâu còn tồn tại những vụ việc tiêu cực, có nguy cơ diễn tiến thành điểm “nóng” thì phải lập kế hoạch, tổ chức rà soát, xử lý dứt điểm, bảo đảm hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân.

Ở đây, cần phải nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ngay trong gia đình mình, người thân, bà con họ hàng của mình. Bản thân cán bộ, đảng viên và gia đình phải nêu gương đi trước thì mới vận động được bà con, cộng đồng noi theo. Hiệu quả của phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới và rất nhiều mô hình, chương trình, phong trào hành động cách mạng đã và đang được triển khai rộng khắp trên cả nước, đã chứng minh tính hiệu quả hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Với phương châm lấy xây để chống, việc nhân rộng, lan tỏa những hành động, hiệu quả nêu gương ấy trong đời sống xã hội chính là cách tốt nhất để ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về phẩm chất đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, phải: “Thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân...”. Trong Quy định số 08/QĐi-TW, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tích cực giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong địa phương, lĩnh vực mình phụ trách”. Để hiện thực hóa điều đó thì phải kiên quyết chống: “Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân…”

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” sẽ không có “đất” để ký sinh và phát triển, nếu cán bộ, đảng viên có ý thức chung tay xây dựng môi trường chính trị xã hội ổn định ngay từ cơ sở bằng hành động nêu gương của mình. Việc soi chiếu nghị quyết, quy định của Đảng vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày trong môi trường công tác của cán bộ, đảng viên để có cơ sở tự răn mình, tự điều chỉnh hành vi của mình cho xứng đáng với niềm tin của nhân dân chính là cách để phòng ngừa, ngăn chặn những điểm “nóng” phát sinh.

PHAN TÙNG SƠN/Báo Quân đội nhân dân Online

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi