Thứ Năm, 23/1/2025
Không được lợi dụng niềm tin tôn giáo để trục lợi!

 Những ngày qua, chùa Ba Vàng trở thành tâm điểm của dư luận

Hiện tượng lợi dụng niềm tin hoang đường để hành nghề mê tín dị đoan nhằm trục lợi đang đòi hỏi tổ chức tôn giáo liên quan cùng cơ quan hữu quan cần sớm vào cuộc giải quyết để gìn giữ sự lành mạnh của xã hội, đồng thời bảo đảm việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Những ngày qua, các sai phạm, nghi vấn trong một số hoạt động tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đã trở thành một đề tài “nóng”, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Dưới chiêu bài “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ”, “giải nghiệp tiền kiếp”, một số cá nhân với danh nghĩa Phật tử ngang nhiên tổ chức các hoạt động truyền bá một số quan niệm sai lệch, gieo rắc sợ hãi trong cộng đồng, mà xét đến cùng là nhằm mục đích thu lợi. Khai thác tâm lý lo lắng, sợ hãi của một số người dân trước các bất hạnh, rủi ro trong cuộc sống và công việc mưu sinh, muốn tìm đến cửa Phật để cầu an, những người này đã dựng lên cái gọi là “nợ vong” từ tiền kiếp. Người nợ cần phải “trả nợ” nếu muốn yên ổn, còn không sẽ bị “vong” đeo đuổi, trả thù. Theo họ, tất tật những tai ương, tật bệnh mà con người vướng phải đều do “vong oán” mà ra, như: Kinh doanh thua lỗ là do 36 kiếp trước tạo nghiệp (!); bị ung thư vú là do 42 kiếp trước làm nhiều điều ác, không chăm sóc em gái (!); bị teo thùy não dẫn đến liệt người là do 84 kiếp trước từng làm cai ngục, 20 kiếp trước đi bán thuốc nam giả cho người ta uống (!),... Họ còn bịa ra thứ “vong oán” rất bi hài và lố bịch như bị đau xương khớp là do 4 kiếp trước hay giết mèo. Thậm chí, họ còn vô lương tâm đến mức rao giảng một số điều xuyên tạc, thất đức, xúc phạm các Anh hùng dân tộc, khoét thêm nỗi đau của gia đình các nạn nhân có người thân không may bị thiệt mạng bởi kẻ ác.

Từ các luận điệu như vậy, họ gieo vào đầu óc người muốn cầu an rằng tất cả là do ân oán của gia chủ với “vong” từ hàng chục kiếp trước và đều có thể trả nợ, hoặc mua chuộc bằng cách trả tiền. Điều đáng tiếc là luận điểm phi lý này đã nhận được sự ủng hộ, tiếp tay của một số cá nhân chức sắc tôn giáo qua việc nhà chùa sẵn sàng nhận tiền cúng dường bằng tiền mặt hoặc thông qua tài khoản với số tài khoản đã được công bố công khai trên trang mạng của chùa, và điều đáng nói là trang mạng này chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Dù lý giải số tiền hoàn toàn do các Phật tử tự nguyện đóng góp, nhưng nhà tu hành này cũng không thể phủ nhận được sự thật: Nếu không có sự hù dọa về chuyện ân oán với “vong từ kiếp trước” và có thể trả bằng tiền, liệu chùa có thu về được số tiền cúng dường đó hay không? Ước tính trung bình mỗi tháng ở chùa Ba Vàng có từ 5.000 người đến 7.000 người tới “thỉnh vong, gọi hồn”, kèm theo đó là một khoản tiền đóng góp khổng lồ dưới danh nghĩa nhà chùa, không bị trừ thuế, không chịu rủi ro, không lo phá sản, không bị kiểm soát. Đến nay, số tiền này được sử dụng như thế nào vẫn là câu hỏi còn để ngỏ? Song qua đó có thể trực tiếp thấy một điều là: nếu không có sự cả tin, u mê, mù quáng của người đến “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” thì chắc chắn một số cá nhân nhà chùa không thể ngang nhiên dựng đàn, tế lễ để “giải nghiệp tiền kiếp” - mà thực chất là các chiêu trò mê tín dị đoan núp bóng giáo lý Phật giáo.

Điều khiến dư luận quan tâm hơn là các hoạt động như “thỉnh vong báo oán”, “giải nghiệp tiền kiếp” ở chùa Ba Vàng không phải mới phát sinh. Theo văn bản của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh báo cáo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thì: “Các hiện tượng trên tại chùa Ba Vàng đã xảy ra từ lâu... Trong các cuộc họp thường kỳ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh có sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh, tập thể Ban Trị sự và nhiều thành viên đã thường xuyên có ý kiến góp ý chân thành về vấn đề này với Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng. Tuy nhiên từ đó đến nay tình hình vẫn không tiến triển, thậm chí còn có nhiều ý kiến quy chụp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh mất đoàn kết nội bộ, ganh tị với chùa Ba Vàng. Mặc dù vậy, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh vẫn rất tích cực, kiên trì trong việc động viên, nhắc nhở trụ trì và tăng ni, Phật tử chùa Ba Vàng tu học đúng giới luật Phật chế, thực hiện đúng Hiến chương GHPGVN và pháp luật nhà nước”. Việc những sai phạm tại chùa Ba Vàng được Giáo hội Phật giáo địa phương nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái diễn, thậm chí với mức độ ngày càng ngang nhiên, trắng trợn hơn đã phần nào cho thấy sự lệch lạc trong quan điểm, thậm chí cố ý dung túng, làm trái với quan điểm tu hành của một số cá nhân tôn giáo tại đây. Chưa kể, nhiều Phật tử không tránh khỏi bất bình trước tình trạng một Phật tử vốn không có chức sắc tại chùa Ba Vàng như bà Phạm Thị Yến có thể công khai đứng ra tổ chức lễ “cúng bắt ma”, “thỉnh oan gia trái chủ”, thậm chí người này còn thường xuyên được mời giảng pháp, giáo hóa cho Phật tử bốn phương, xuất hiện trên nhiều tài liệu truyền thông về chùa, sở hữu một số kênh mạng xã hội với lượng người truy cập rất lớn. Đó là các câu hỏi mà các cá nhân, tổ chức liên quan cần trả lời trước dư luận.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, giáo lý Phật giáo luôn đề cao sự hướng thiện, lòng từ bi, đề cao luật nhân quả. Tuy nhiên, luật nhân quả trong giáo lý Phật giáo hoàn toàn xa lạ với sự rao giảng của một số cá nhân ở chùa Ba Vàng. Bởi, theo tinh thần Phật giáo, mọi người phải thành tâm sống trong cuộc đời, nghĩ lương thiện, làm việc thiện, giữ cho tinh thần luôn trong sáng, không làm điều ác, không suy nghĩ tiêu cực, không thù hằn, không sân si, tham lam, thù hận... Giữ trong tâm mình và sống hướng thiện như vậy, mỗi người sẽ có cuộc sống an nhiên, ngày càng thanh sạch, có ích cho con cháu, có ích cho cuộc đời; không được như vậy thì tự gây họa cho chính mình và tương lai của thân nhân. Hàng nghìn năm nay, các thế hệ người Việt Nam vẫn truyền dạy rằng sống phải biết “tu nhân, tích đức”. Theo giáo lý Phật giáo, không ai có thể dùng vật chất để mua chuộc thần thánh bao che, dung túng cho lỗi lầm.

Tuy vậy, thời gian qua không chỉ tại chùa Ba Vàng mà còn cả một số nơi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận nhân dân, một số cơ sở tâm linh, thờ tự đã sử dụng tôn giáo như bình phong để “buôn thần, bán thánh” bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi vô căn cứ khiến nhiều người tin theo. Và từ đó, họ thu lợi qua các hình thức như dâng sao giải hạn, đóng tiền gọi vong, trả nợ tiền kiếp... Thế giới tâm linh vốn thiêng liêng trong tâm tưởng của nhiều người bị biến thành mảnh đất màu mỡ cho kẻ “buôn thần bán thánh” mặc sức kiếm lời. Từ “dâng sao giải hạn” vào mỗi dịp đầu năm, tranh cướp “ấn” ở đền Trần, tranh giành “lộc” ở hội Gióng, đến khấn vái, nhét tiền vào tay tượng ở các miếu mạo, chùa chiền,… thực sự trở thành một nỗi lo của toàn xã hội. Vì khi mà con người không suy nghĩ sáng tạo, không chăm chỉ lao động, không làm việc lương thiện mà chỉ vay mượn, cầu xin sự may mắn từ “thế giới siêu nhiên” thì cũng là khi họ phải đối mặt nhiều hệ lụy từ chính cuộc sống. Trước hoạt động gây bức xúc ở chùa Ba Vàng, ngày 22-3-2019, UBND thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) đã có văn bản gửi Đại đức Thích Trúc Thái Minh - trụ trì chùa Ba Vàng, trong đó khẳng định: “Chùa Ba Vàng còn có các hoạt động tín ngưỡng trong cơ sở tôn giáo chưa đúng với danh mục đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, và “yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng chấm dứt các hoạt động không có danh mục hoạt động tôn giáo năm 2019 đã đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận”. Đồng thời ngày 23-3-2019, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu dừng hoạt động các trang thông tin của chùa Ba Vàng vì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Quyết định này là cần thiết, vì trang mạng của chùa Ba Vàng có nhiều bài giảng pháp tuyên truyền sai trái về cái gọi là “vong báo oán”, và quy định muốn “trả nợ vong người gặp nạn” phải phát tâm cúng dường cùng sự hỗ trợ của Phật tử Phạm Thị Yến.

Quay trở lại sự việc trên, có lẽ không có gì cần phải bàn luận thêm, từ ý kiến của Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện Trưởng Viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh: “Theo nhận xét của riêng tôi, tà pháp thỉnh “oan gia trái chủ” là gieo rắc vào nỗi sợ hãi vô cớ, phi nhân quả, phi Phật học, phi khoa học rằng toàn bộ cuộc sống ở kiếp này, phần lớn mặt trái, mặt xấu đều do oan trái với ma quỷ trong kiếp trước. Tức là gieo rắc một niềm tin sai. Từ niềm tin sai đó người ta rước nỗi sợ hãi về với bản thân mình, gia đình mình, sống bất an, lo lắng, căng thẳng. Tạo ra những rối loạn, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý, các mối quan hệ xã hội cũng như sinh hoạt gia đình. Người ta khéo léo dàn dựng cách này cách kia để trên nền tảng sợ hãi đó làm cho nạn nhân đành bỏ ra một khoản tiền hàng triệu đồng để mua chuộc nỗi khổ, niềm đau vốn không có thật đó bị người ta hù dọa bằng những tà thuyết, tà kiến rất nguy hại. Đây là cuộc khủng hoảng truyền thông vốn không do Phật giáo tạo ra, do cá thể chùa Ba Vàng tạo ra, mà cụ thể hơn là do thầy trụ trì Trúc Thái Minh và bà Phạm Thị Yến. Điều đó dù xuất phát từ động cơ nào thì hậu quả nghiêm trọng là quần chúng mất niềm tin vào Phật giáo. Nhất là không còn tin tưởng hoặc bị lung lay niềm tin đối với nền minh triết trị liệu của đạo Phật. Đó là sự lừa đảo tinh vi, lừa đảo có tổ chức chứ không phải đó là một sự tình cờ. Tôi rất tiếc nó đã xảy ra nhiều năm và trước mặt thầy Trúc Thái Minh là trụ trì chùa Ba Vàng mà tại sao thầy ấy lại mặc nhiên chấp nhận và xem cái đó như là dẫn dắt người ta đến “thỉnh oan gia trái chủ”. Một ngôi chùa với quy mô lớn, đông đảo Phật tử hành hương tới gây ra cuộc khủng hoảng như vậy, thử hỏi người dân còn biết nương tựa niềm tin vào đâu?” (Zing.vn ngày 23-3-2019).

Thực trạng đáng tiếc tại chùa Ba Vàng và một số cơ sở tôn giáo một lần nữa cho thấy một số hoạt động mê tín dị đoan núp bóng cửa Phật cần phải được giải quyết triệt để. Các sai phạm ở chùa Ba Vàng đang được cơ quan chức năng điều tra, giải quyết. Nhưng rõ ràng các hoạt động như vậy không thể sinh sôi, nảy nở nếu không có sự tiếp tay của một bộ phận xã hội vì thiếu hiểu biết, vì tưởng đồng tiền có thể mua được tất cả, kể cả mua vận may, để rồi tin theo điều phi lý, bị kẻ buôn thần bán thánh lung lạc, lợi dụng để trục lợi bất minh. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi sai trái, đi ngược lại giáo lý Phật giáo của một số tăng ni, Phật tử các cơ quan có trách nhiệm, các tổ chức liên quan cần nhanh chóng triển khai chương trình hành động rộng khắp cảnh tỉnh xã hội, giúp người dân sáng suốt lựa chọn lối sống tích cực, hướng thiện, tự khẳng định giá trị đích thực của bản thân, giữ gìn hình ảnh lương thiện và một số giá trị đạo đức tốt đẹp mà Phật giáo hướng tới./.

Nguồn: nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi