Thứ Năm, 23/1/2025
Văn hóa, đạo đức ngổn ngang và nỗi lòng người lãnh đạo

Thời gian qua, khi câu chuyện buồn ở chốn tâm linh chùa Ba Vàng chưa kịp lắng xuống thì một vụ việc đau lòng trong ngành giáo dục lại xảy ra. Những hình ảnh đánh đập dã man của một nhóm học sinh đối với bạn của mình, vụ nâng điểm hàng loạt các thí sinh ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang như giọt nước tràn ly cho thấy một thực tế: sự xuống cấp, thậm chí suy thoái về văn hóa, đạo đức trong xã hội là hoàn toàn có thật. 

Tại cuộc gặp với các cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ nỗi ưu tư của mình, cũng là suy nghĩ chung của những người tâm huyết với đất nước khi ông nói về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giữ gìn đạo đức, văn hóa, lối sống và tình người trong xã hội.

Còn nhớ, tại phiên chất vấn ở Quốc hội cuối năm ngoái, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đặt vấn đề, "tại sao khi xã hội nghèo, khó khăn thì đạo đức được duy trì và văn hoá rất tốt. Bây giờ thoát nghèo, trở thành xã hội có thu nhập trung bình thì nền tảng đạo đức lại xuống cấp trầm trọng?". 

Theo ông Tuấn, "con người có đạo đức, nhân cách thì hình thành từ gia đình, bố mẹ là tấm gương cho các con, thầy cô cũng phải là tấm gương cho học trò, tiên học lễ hậu học văn; đây là việc quan trọng để ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội".

Nếu nói như đại biểu Tuấn thì câu chuyện xuống cấp đạo đức không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục hay văn hóa. Bởi, nếu bố mẹ không gương mẫu, thầy cô không nhận được sự tôn trọng của học trò, cán bộ có chức có quyền hư hỏng, sa ngã thì rất khó để duy trì đạo đức, tôn ti trật tự trong xã hội. 

Cũng có người nói rằng, sự xuống cấp về đạo đức xã hội chính là “mặt trái” của kinh tế thị trường, nó tàn phá và làm xói mòn rất nhiều giá trị tốt đẹp trong xã hội. Cũng giống như một gia đình, làm ra nhiều của cải vật chất chưa chắc đã hạnh phúc, chưa chắc đã duy trì được tình nghĩa. Giả thuyết này cũng có lý khi nhìn vào phiên tòa đình đám xử vụ ly hôn của ông chủ cà phê Trung Nguyên. Từng có những năm tháng hạnh phúc, từng chia ngọt sẻ bùi, từng có với nhau 4 mặt con nhưng khi phải đối diện với nhau ở tòa, quá khứ ấy không ai còn muốn nhắc đến. Mối quan tâm duy nhất của họ chỉ là tiền và tiền, trong khi chính ông chủ Trung Nguyên đã phải chua xót thốt lên “tiền nhiều thì để làm gì?”.

Đúng là tiền nhiều chưa chắc đã mua được hạnh phúc. Và đương nhiên nếu mọi “mặt trái” của xã hội đều đổ lỗi cho phát triển kinh tế thì cũng chưa hẳn đã công bằng.

Cũng có người lại đổ lỗi cho báo chí khi cho rằng, còn rất nhiều điều tốt đẹp trong xã hội nhưng báo chí lại quá nghiêng về “cái xấu”, khuếch đại cái xấu khiến cho công chúng chỉ nhìn thấy “màu đen” mà không thấy “màu hồng” trong xã hội. Nhưng xin thưa, báo chí cũng chỉ thực hiện chức trách của mình là phản ánh hiện thực xã hội. Nếu nhiều vụ việc tiêu cực, tha hóa không được báo chí phanh phui thì hậu quả sẽ khôn lường.

Nghịch lý giữa tăng trưởng kinh tế với mai một văn hóa, xuống cấp đạo đức sẽ tiếp tục là một chủ đề “nóng” trong xã hội nhưng câu trả lời vẫn ở phía trước. Và những câu chuyện đau lòng về văn hóa, đạo đức vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tiếp tục ngổn ngang... nếu như sau mỗi vụ việc, chúng ta không xử lý nghiêm và rút ra những bài học thật sự sâu sắc.

Trở lại với nỗi trăn trở, ưu tư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi ông nói rằng:  “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Con người mới là yếu tố quyết định, đạo đức là nền tảng của xã hội, chứ không thể chạy theo tăng trưởng”.

Nhận thức được chuyển hóa bằng quyết tâm, bằng hành động và nhân dân đã thấy những chuyển biến rất rõ ràng, rất cụ thể từ những “phát ngôn” của người lãnh đạo cao nhất đất nước. Nhân dân ủng hộ ông và tin rằng, công cuộc làm trong sạch bộ máy sẽ tiếp tục lan tỏa trong xã hội để “cơ thể đất nước” phát triển lành mạnh, bền vững./.

(vov.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi