Thứ Năm, 23/1/2025
Tư duy mở và “làm theo quy định, tiến theo quy trình”

 Ảnh minh họa

“Những cái mới là sáng tạo đang rất khó ở tại Việt Nam. Với cơ chế kinh tế quen kiểu “làm theo quy định, tiến theo quy trình” sẽ triệt tiêu mọi sáng tạo. Tôi phải khẳng định, chúng ta phải mở tư duy ra...” TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm này tại một hội thảo về kinh tế vĩ mô Việt Nam diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 19/4.

Vị chuyên gia kinh tế nói rằng, trong bối cảnh mới của thời đại 4.0, các bộ, ngành phải suy nghĩ tích cực về “cái mới”. Bởi, chính sáng tạo mới là nguồn lực quan trọng nhất để giúp đất nước phát triển.

Trong khi đó, thực tế mà ông chứng kiến lại ngược lại. “Chúng tôi đi địa phương, họ nói thực tế là ngại làm, ngại sáng tạo, ngại đổi mới. Như vậy, nếu không mở không gian đổi mới, cải cách ở cả địa phương và trung ương thì sẽ không có những sáng tạo”.

Thực tế mà ông Nguyễn Đình Cung vừa phản ánh, chẳng phải đến bây giờ xã hội mới thấy, nhưng có lẽ, ở thời điểm này, người dân, doanh nghiệp cũng đã quá chán ngán với những câu “thần chú” bám vào quy trình, quy định để giải thích cho “nghìn lẻ một” lỗi chậm trễ mà một số cơ quan chính quyền địa phương, một số ban, ngành chức năng gây ra trong khi giải quyết thủ tục, tháo gỡ vướng mắc cho dân.

Chỉ điểm qua một số thông tin đang phản ánh trên báo chí trong thời gian gần đây như “10 năm chưa giải quyết xong một vụ tranh chấp đất”, “mua đất 27 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ”, rồi “toà án ngâm vụ dân kiện quan suốt 24 tháng trời chưa đưa ra xét xử”… cũng đã thấy được phần nào những bất cập, những mặt trái của cơ chế “làm theo quy định, tiến theo quy trình”.

Không phủ nhận rằng, “quy định” và “quy trình” là những yếu tố cần thiết phải có để vận hành bộ máy một cách quy củ và nề nếp, hạn chế những tiêu cực phát sinh trong quá trình giải quyết vấn đề của các cơ quan chức năng. Song lối làm việc “bám lề” này lại trở thành lý do có vẻ như rất chính đáng để bao biện cho thói vô cảm, vô trách nhiệm của một số cán bộ nhà nước với dân. Và ở góc độ nào đó, “quy định”, “quy trình” còn bị biến thành phương tiện để một số cá nhân trục lợi.

Nói cách khác, sáng tạo dựa trên quy định, quy trình làm lợi cho dân thì chưa thấy nhiều, mà “sáng tạo” để “lách”, để lợi dụng quy định, quy trình làm lợi cho bản thân thì lại… không hề ít!

Biết bao cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp bị bỏ lỡ; biết bao thời gian, công sức của người dân bị  phí phạm chỉ vì những “bắt bẻ” theo quy trình của cán bộ công chức, mà “lý do sâu xa” lại chẳng phải do quy định, quy trình.

Thậm chí có những vấn đề “nóng” đang gây bức xúc trong xã hội, cần có lời giải đáp cho công luận thì các ban, ngành chức năng vẫn “đang trong quy trình” bàn ra, họp vào để “xử lý theo quy định” mà chẳng biết đến khi nào công bố kết quả. Thành ra, niềm tin, lòng kiên nhẫn của người dân bị đem ra thử thách đến mai một dần.

Cho nên, có những vấn đề chỉ có thể đánh giá vào “nội dung” của sự việc chứ không thể có sự đánh giá đầy đủ thông qua “hình thức” của sự tuân thủ quy định, quy trình. “Trông vậy mà không phải vậy”!

Và cũng chẳng có lý nào, trong thời đại này, những quy trình có thể giải quyết một cách công khai qua hệ thống dữ liệu điện tử lại vẫn cứ phải men từng bước một với các thủ tục “hành là chính” trên bàn giấy./.

(dantri.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi