Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Giang - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định, dù đây là việc thường xuyên của Đảng, nhưng với cách làm đồng bộ lần này, sẽ tạo ra dấu mốc quan trọng để siết lại chất lượng đội ngũ.
Việc thường xuyên hợp quy luật
“Đông nhưng không mạnh”, đó là cụm từ được nhắc đến nhiều trong thời gian qua khi nhận định về chất lượng phát triển đội ngũ đảng viên. Với nhiều năm nghiên cứu về xây dựng Đảng, ông nhận định thế nào về vấn đề này?.
- Trước hết phải nói rằng, xây dựng đội ngũ đảng viên là nội dung quan trọng trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Để có kết quả phát triển đảng viên như vừa qua (hiện có khoảng 5 triệu đảng viên), chúng ta đã trải qua thời kỳ phấn đấu lâu dài. Nhưng cũng không thể có chuyện bằng lòng tất cả. Bởi cũng là quy luật, khi số lượng đảng viên tăng nhanh, công tác bồi dưỡng, giáo dục đảng viên lại chưa theo kịp, thậm chí có nơi còn buông lỏng, vì vậy số người vào Đảng với động cơ cá nhân, thậm chí là vụ lợi không thể tránh được. Như Lenin từng nói: “Sức hấp dẫn của Đảng cầm quyền lớn, sẽ kéo theo một đám cơ hội lớn”. Vì thực tế, việc vào Đảng để được làm cán bộ thuận lợi hơn, dễ thăng quan tiến chức hơn… nhiều khi khiến động cơ vào Đảng “méo mó”.
Nhưng tôi cho rằng, thực hiện đúng các quy định của Đảng là cùng với phát triển Đảng, phải đi kèm với bồi dưỡng, sàng lọc, ai không đáp ứng được phải cho ra khỏi Đảng cũng là chuyện bình thường.
Thực tế thời gian qua, số lượng đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng cũng rất lớn và có chiều hướng gia tăng. Ngoài việc do cán bộ suy thoái, biến chất, một số tổ chức đảng vì nhiều lý do đã buông lỏng việc quản lý đảng viên, theo ông, đó có là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?
- Như những con số đã được thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến năm 2017, đã có gần 51.000 người bị sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng, trong đó hàng chục nghìn đảng viên bị kỷ luật. Có thể nói rằng, việc thanh lọc những đảng viên không còn đủ tư cách là việc làm thường xuyên của Đảng. Tuy nhiên, không nên nhìn vào những con số xử lý, kỷ luật Đảng viên hàng năm mà đánh giá tổ chức đảng yếu đi, ngược lại, chính điều này đã minh chứng cho thấy Đảng đã nhất quán giữa nói và làm, nhìn thẳng vào sự thật, tự nhận ra những nhân tố, thành viên không còn xứng đáng trong đội ngũ và kiên quyết loại bỏ, việc này cũng hợp với quy luật.
Còn về nguyên nhân, đúng là ngoài việc một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, còn cả nguyên nhân do công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, ráo riết. Thực tế, tình trạng buông lỏng quản lý đảng viên cũng xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí “biến dạng”, dẫn đến sai phạm không được phát hiện, loại bỏ kịp thời. Thời gian qua cũng cho thấy, nhiều vi phạm của cán bộ không phải do tổ chức đảng quản lý trực tiếp phát hiện mà do cấp trên thanh tra, kiểm tra hay dư luận chỉ ra. Đó là một thực trạng rất cần lưu ý để khắc phục, siết chặt lại.
Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư vừa được triển khai đã khẳng định việc kiên quyết khắc phục bệnh thành tích trong kết nạp đảng viên, không chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng, cùng với đó, loại những nhân tố không còn xứng đáng ra khỏi đội ngũ. Ông đánh giá thế nào khi Chỉ thị được ban hành và thực thi trong thời điểm hiện nay?
- Bất cứ một Chỉ thị nào của Đảng được ban hành đều có nguyên nhân từ thực tại. Trước bối cảnh có những nơi phát triển Đảng dễ dãi, rồi tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật tăng, Ban Bí thư ra Chỉ thị này là rất cần thiết, kịp thời và là dấu mốc rất quan trọng trong xây dựng Đảng. Bởi thực tế, nếu không siết chặt đội ngũ đảng viên, về lâu dài không thể yên tâm; để các phần tử cơ hội chui sâu vào Đảng thì thật là nguy hiểm.
Bản thân những người làm công tác nghiên cứu về xây dựng Đảng như chúng tôi cũng rất chờ đợi Chỉ thị này. Trong Chỉ thị, những quy định để nâng chất lượng kết nạp đảng viên đã cụ thể hơn và phù hợp với tình hình thực tế, để tránh đưa vào Đảng những phần tử cơ hội. Đồng thời cũng tăng bồi dưỡng để đảng viên tiệm cận những tiêu chuẩn đặt ra.
Thực hiện Chỉ thị cũng là cơ hội để mỗi tổ chức đảng phê bình và tự phê bình, nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong nội bộ, từ đó có phương hướng, chương trình hành động thiết thực, hiệu quả; có chế tài để quản lý đảng viên, nhất là những người có chức quyền, để người có chức vụ càng cao thì phải càng gương mẫu.
Đừng nói chung chung, sẽ dẫn đến qua loa
Trong Chỉ thị đã đặt ra những dấu mốc như trong năm 2019 sẽ tiến hành tổng điều tra tình hình đội ngũ đảng viên, trong đó, trước mắt đến ngày 19/5 tới đây sẽ tiến hành một đợt rà soát nhằm sàng lọc, xử lý những đảng viên vi phạm. Nhưng thực tế thời gian qua, không ít tổ chức đảng trong nội bộ còn tâm lý nể nang, né tránh, vậy theo ông, làm sao để việc rà soát, sàng lọc lần này thực sự hiệu quả?
- Việc rà soát, sàng lọc đảng viên là công việc thường xuyên của từng cấp ủy, với việc triển khai đồng bộ lần này sẽ là cơ hội để nắm tổng quát lại tình trạng đảng viên, tăng cường quản lý, phát hiện, nhắc nhở và chấn chỉnh sự buông lỏng, để xảy ra sai phạm. Nhưng đây cũng không phải vấn đề đơn giản, phải được thực hiện ở nhiều khâu, từ việc kết nạp, quản lý đảng viên đến xử lý đảng viên vi phạm, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng bằng các hình thức thích hợp. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong quản lý cán bộ, đảng viên, có cả những kinh nghiệm xương máu. Nên theo tôi, để thực hiện hiệu quả các vấn đề đặt ra, không nên nóng vội, mà cần bình tĩnh làm theo đúng nguyên tắc của Đảng sẽ thành công. Đồng thời, phải xử lý cả những tổ chức đảng làm không nghiêm túc, người đứng đầu vi phạm. Bởi nếu chỉ nói chung chung, sẽ dẫn đến làm qua loa, báo cáo không thực tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Đảng viên tốt mới có cán bộ tốt…". Như nhiều ý kiến nhận định, thông điệp này chính là “mệnh lệnh” để các cấp ủy, tổ chức Đảng quyết tâm sàng lọc, góp phần loại những đảng viên biến chất, không còn uy tín ra khỏi đội ngũ. Qua thực tế xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ thời gian qua, cá nhân ông có kỳ vọng ra sao về kết quả từ thực hiện Chỉ thị lần này?
- Trong thời gian gần đây, ai cũng nhận thấy, công cuộc chỉnh đốn Đảng có những bước tiến rất đáng phấn khởi. Chúng ta đã tăng cường kiểm tra, sàng lọc, phát hiện và xử lý một loạt cán bộ suy thoái, biến chất, vi phạm kỷ luật, trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Điều này trả lời câu hỏi của dư luận rằng: Một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái đang nằm ở đâu? Qua đó, gây tác động tốt, khiến đảng viên và Nhân dân phấn khởi hơn, bản thân cán bộ cũng “giữ mình” hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Với quyết tâm chính trị và sự thống nhất giữa lời nói - việc làm của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là Trung ương và với hàng loạt quy định mới được thực thi, trong đó có Chỉ thị 28, đây chính là cơ hội chín muồi để chấn chỉnh đội ngũ. Do đó, nhân đà đang có, việc rà soát, sàng lọc, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm sẽ phải làm mạnh hơn nữa, siết lại đội ngũ không chỉ ở quy mô tổng thể, mà từ cấp cơ sở, thanh lọc mọi cán bộ có biểu hiện suy thoái, chắc chắn sẽ có tác động dây chuyền, làm cho công tác xây dựng Đảng hiệu quả ngày càng tốt hơn.
PSG. TS Nguyễn Văn Giang - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng
(kinhtedothi.vn)