Thứ Sáu, 19/4/2024
Dân vận góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết “tam nông”

Hậu Giang là tỉnh thuần nông (diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 70% diện tích đất tự nhiên), ngay từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết “tam nông”, nông dân Hậu Giang đã hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ “chủ thể” của nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều thành tựu đáng kể. Kết quả này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến công tác vận động nhân dân của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tỉnh Hậu Giang. 

Dân vận chủ động

Ngay sau khi Nghị quyết “tam nông” ra đời, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chương trình số 29-CTr/TU ngày 30/10/2008 để triển khai thực hiện; Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 29/12/2008 về thực hiện Nghị quyết “tam nông” và Chương trình số 04/CTr-UBND ngày 20/5/2011 về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh trong giai đoạn mới. Các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng, làm nền tảng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nông dân là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh; mục tiêu quan trọng trong thực hiện là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Các nội dung về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới được Đại hội Đảng bộ các cấp đưa vào nghị quyết, đây là cơ sở quan trọng giúp cấp ủy kịp thời chỉ đạo, uốn nắn; các cấp chính quyền xây dựng chương trình hành động và cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện hàng năm. Từ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, các sở, ban, ngành tỉnh xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về “tam nông” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thông qua và triển khai nhiều nghị quyết, chính sách đặc thù, tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương; các nghị quyết về chính sách khuyến khích hỗ trợ cho nông dân; phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,… 

Với vai trò “chủ công”, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và các ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp nông dân Hậu Giang, giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo” để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết “tam nông”, nhấn mạnh nông dân là chủ thể chính, để người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ, hành động tích cực cùng phát triển “tam nông”, các cấp dân vận tích cực phối hợp, vận động quần chúng; nhân rộng các bài học kinh nghiệm về xây dựng gia đình xã, ấp văn hóa, nông thôn mới để tiến lên một bước về phát triển “tam nông” toàn diện.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các ngành, các cấp tập trung tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, có chất lượng trên phương tiện thông tin đại chúng, vận động nông dân thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị và triển khai hiệu quả chủ đề “Dân vận chính quyền” qua các năm, trong đó có nội dung phát triển “tam nông”; phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” rộng khắp trong các cấp, các ngành.

Từ đó, khí thế phát triển nông nghiệp bền vững, nông dân hội nhập, nông thôn khởi sắc, giàu đẹp, văn minh ngày càng cao; nông dân tích cực cùng các cấp, các ngành xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; xuất hiện nhiều phong trào thi đua trong cả hệ thống chính trị và nhân dân. 

Kết quả tích cực

Sau hơn 14 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, tỉnh Hậu Giang đã đạt được những kết quả tích cực. Thông qua công tác “Dân vận khéo” mà toàn dân đã tích cực chung tay, góp sức để nông thôn có nhiều phát triển vượt bậc, đó là: 


 Giám đốc HTX Thạnh Thắng (xã Hòa Tiến, TP. Vị Thanh) chia sẻ mô hình trồng khóm áp dụng tưới nước tiết kiệm

 

Đến nay, Hậu Giang có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới gồm thành phố Ngã Bảy đạt năm 2015, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A đạt năm 2019; có 35/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 05 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Tính đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Hậu Giang là 54,43 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,46%, bình quân hàng năm giảm từ 1 đến 2%; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, khí thế sản xuất sôi động trên từng cánh đồng, mảnh vườn và diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. 

Từ khi thực hiện Nghị quyết “tam nông” đến nay, Hậu Giang ghi nhận 34.679 mô hình sản xuất có hiệu quả; 14 trang trại chăn nuôi, 8 trang trại tổng hợp, 3 trang trại thủy sản; 230 hợp tác xã; thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản với khoảng 25 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu lúa, chanh không hạt, mãng cầu xiêm với nông dân. Áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, GlobalGAP, mô hình ứng dựng công nghệ cao trên cây ăn trái, rau màu đang được nhân rộng. 

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các địa phương trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt; số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng, thu nhập bình quân ngày càng cao, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện.

Ngoài vận động, thực hiện chăm lo cho “chủ thể” chính của nông nghiệp, nông thôn, Hậu Giang đã làm tốt công tác “Dân vận khéo” trong củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên cho người dân, hội viên, nông dân; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và hăng hái tham gia các phong trào thi đua ở địa phương, luôn phát huy vai trò “chủ thể” trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. 

Với sự vào cuộc và chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy; sự chủ động thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị, dân chủ được phát huy tốt, Nghị quyết “tam nông” được triển khai, thực hiện đạt nhiều kết quả về số lượng, chất lượng, bức tranh “tam nông” Hậu Giang có nhiều khởi sắc.

Kinh nghiệm và một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Những đúc kết được trong 14 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông” tại Hậu Giang là tinh thần chủ động, đoàn kết, đồng thuận, dân chủ, “khéo” vận động, thuyết phục trong cả hệ thống chính trị và nhân dân; qua đó, sản xuất nông nghiệp dần hội nhập, nông dân có tư duy mới, nông thôn có nhiều khởi sắc. Qua đó, tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết một cách đồng bộ, có hiệu quả để đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ hai, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, học tập quán triệt Nghị quyết “tam nông” và các chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động từ trong nội bộ đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Phát huy dân chủ thực chất trong việc đề ra chủ trương, mục tiêu, giải pháp để huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tham gia thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch của từng cấp, từng ngành và từng địa phương.

Thứ ba, các cơ chế, chính sách có liên quan được triển khai đồng bộ và nhất quán, tạo hành lang pháp lý trong khai thác, huy động các nguồn lực để phục vụ đầu tư phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Thứ tư, quan tâm đẩy mạnh các phong trào nông dân thi đua yêu nước, huy động sức mạnh của các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội cùng tích cực tham gia các chương trình mục tiêu của Chính phủ, của địa phương trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững và nâng cao vai trò, vị thế của giai cấp nông dân.

Thời gian tới, công tác dân vận trong thực hiện Nghị quyết “tam nông” đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ về dân vận phải thật sự chú trọng đổi mới, đi vào chiều sâu, chất lượng. Sản xuất nông nghiệp phải thích ứng, hội nhập, sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng trong và ngoài nước, theo chuỗi giá trị. 

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tạo mọi điều kiện đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận với tiến bộ của khoa học - kỹ thuật hiện nay; tạo điều kiện cho nông dân hội nhập sâu rộng; tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nông thôn hơn nữa. Đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Xác định trọng tâm và xây dựng nền tảng cho phát triển giai đoạn mới cũng như thực hiện Quy hoạch vùng, chủ động và sẵn sàng tâm thế cùng vùng đồng bằng sông Cửu Long “cất cánh” và “phát triển”.

Hậu Giang sẽ tích cực hơn trong tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nhân dân nâng cao nhận thức và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về “tam nông”; giáo dục truyền thống cách mạng của giai cấp nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tương trợ trong sản xuất và đời sống; ý chí tự lực, tự cường, góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng văn minh và hiện đại.

Tăng cường công tác dân vận của cả hệ thống chính trị với phương châm “Gần dân, sát dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”. Phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân trong các công việc của địa phương. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân. Trong đó, chú trọng vai trò “chủ thể” của nông dân trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Vận động mạnh mẽ trong xây dựng hình mẫu người nông dân mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với 5 đặc trưng: Có tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và quyết tâm mới.

Các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục tăng cường liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu, lồng ghép tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nông dân. Với vai trò “chủ thể” của mình, nông dân đã và phải chủ động hơn trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; phát huy tính sáng tạo trong nghiên cứu, sáng chế, phát minh ra những máy móc, thiết bị, nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. 

Hội Nông dân các cấp tăng cường hơn nữa năng lực và phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình; trong đó, quan tâm thực hiện tốt Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; thường xuyên phản ảnh đến cấp ủy, chính quyền về những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân; vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh...

Ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Hậu Giang, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng vươn lên, tạo thành khí thế mới, vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần xây dựng quê hương Hậu Giang vươn tầm phát triển trong giai đoạn mới.

Nghiêm Xuân Thành
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất