Thứ Tư, 24/4/2024
Thu hút đầu tư: cất cánh và phát triển

Thời điểm cất cánh

Hậu Giang có vị trí nằm ở trung tâm của ĐBSCL, giáp ranh với thành phố Cần Thơ có sân bay quốc tế, cảng biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng. Mặt khác, tỉnh tiếp giáp với trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội là thành phố Cần Thơ, nơi cung cấp các dịch vụ phụ trợ về tài chính và hạ tầng y tế, giáo dục và lưu trú phục vụ cho cụm ngành nghề logistics. Thế mạnh của Hậu Giang trong thu hút đầu tư là có vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần với thành phố Cần Thơ, trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, cơ hội không phải địa phương nào trong vùng cũng có. Cùng với đó, tỉnh ban hành nhiều chính sách giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, ưu đãi đầu tư nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các chỉ số đầu tư mà tỉnh áp dụng là cơ sở để biến những lợi thế này thành hiệu quả, đưa các trụ cột kinh tế của tỉnh phát triển bền vững.


Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (giữa) nhận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây 2

 

Ngoài ra, Hậu Giang là một trong những trung tâm logistics có lợi thế về chi phí vận tải, tối đa hóa nguồn hàng. Vị trí trung tâm sẽ đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các vùng nguyên liệu, từ đó giảm thiểu rủi ro về vận chuyển cũng như bảo quản sau thu hoạch. Tỉnh có kết nối giao thông đường bộ kể cả đường thủy và đường hàng không, từ đó góp phần quan trọng trong vận chuyển, vận tải bằng nhiều phương thức khác nhau.

Trong giai đoạn 2021-2025, địa phương được đầu tư nhiều tuyến tỉnh lộ và đặc biệt là các tuyến cao tốc được liên kết liên vùng, các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch với quy mô lớn. Tỉnh xác định năm 2022 là năm doanh nghiệp với quan điểm là “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Điều này thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền địa phương trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang.  Hiện tại, tỉnh đã hội tụ đầy đủ các điều kiện về thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đây là thời điểm vàng cho Hậu Giang cất cánh.

Từ quan điểm xuyên suốt

Tỉnh đề ra quan điểm xuyên suốt là việc kêu gọi nhà đầu tư mang tính chọn lọc và phù hợp với đặc điểm, tiêu chí từng dự án, từng quy mô của dự án cụ thể, không lựa chọn đại trà. Trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư của tỉnh, vấn đề môi trường luôn được đặt lên trên. Do đó, chỉ những nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, tiêu chí mà tỉnh đặt mới được lựa chọn. 

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, tỉnh xác định thu hút đầu tư có chọn lọc, quan điểm rất rõ và cũng rất mới. Các doanh nghiệp không vào định hướng chọn lọc thì không có chính sách ưu tiên và thậm chí là phải xếp hàng sau. Những dự án nằm trên khu đất đẹp phải dành cho các doanh nghiệp có chọn lọc. Doanh nghiệp thuộc diện chọn lọc khi triển khai dự án phải đảm bảo giải quyết việc làm, đảm bảo tăng thu ngân sách cho địa phương, đảm bảo môi trường và sử dụng công nghệ cao. Hậu Giang xây dựng “Một văn hóa, một ngôn ngữ” chung từ tỉnh xuống tận cơ sở trên tinh thần lợi ích của người dân, của doanh nghiệp phải luôn được đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật.

Quan điểm của tỉnh rất rõ ràng, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Hậu Giang và khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”. 

Tới hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi

Hậu Giang đang kêu gọi đầu tư 87 dự án với quy mô dự kiến 30.265ha, tổng mức đầu tư 48.175 tỉ đồng. Cụ thể, kêu gọi 9 dự án vào khu công nghiệp; 7 dự án vào cụm công nghiệp; 21 dự án nông nghiệp; 31 dự án đô thị; 8 dự án du lịch.

Bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào địa bàn tỉnh, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ về mặt bằng thực hiện dự án; khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ; đào tạo nghề cho người lao động, miễn giảm thuế doanh nghiệp mới. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính so với quy định; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất, giao đất và cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

Tỉnh luôn sẵn sàng chào đón doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho những doanh nghiệp, hợp tác và đầu tư tại Hậu Giang. 

Tỉnh quyết tâm chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Thực hiện tốt mô hình chính quyền điện tử, chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, gọn và đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Tỉnh không phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ, tất cả các nhà đầu tư được đối xử bình đẳng, công bằng trong tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn. Tỉnh cũng thường xuyên, định kỳ tổ chức đối thoại doanh nghiệp, cà phê doanh nhân, họp mặt các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh để lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Tỉnh cũng nắm bắt thông tin để kịp thời trong chỉ đạo, điều hành. Công khai minh bạch các chương trình, dự án trong tất cả các lĩnh vực; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng. Cách làm này, đã và đang được nhà đầu tư phấn khởi, đồng tình và an tâm kinh doanh, mở rộng sản xuất.

Với khí thế, quyết tâm, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội vàng để đầu tư phát triển nhanh, bền vững. Hậu Giang sẵn sàng đón thời cơ trong vận hội mới để cùng ĐBSCL cất cánh và phát triển.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang được tổ chức vào ngày 16/7/2022 mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư 19.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án lớn, như: Dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Miền Tây (3.500 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh (5.649 tỷ đồng); Dự án Nhà máy chế biến gạo chất lượng cao Vì Dân (1.134 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh (2.700 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới phường V, thành phố Vị Thanh và ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy (2.000 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới Ngã Bảy 3 (1.119 tỷ đồng); Dự án Khu nhà ở xã hội tại ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy (1.042 tỷ đồng); Và các dự án đầy tiềm năng khác như: Dự án Nhà máy Điện sinh khối Hậu Giang (875 tỷ đồng); Dự án Trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ đổi mới sáng tạo (50 tỷ đồng); Dự án Mở rộng Nhà xưởng, nhà kho, bãi cho thuê (80 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị mới Cái Tắc -Thạnh Hòa (407 tỷ đồng); Dự án Khu đô thị Trung tâm thành phố Ngã Bảy (Khu D) - (403 tỷ đồng). 


Đức Minh

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất