Thứ Ba, 19/11/2024
Hỗ trợ nâng tầm nông sản chủ lực

Nâng cao giá trị Chanh không hạt

Chanh không hạt là một trong 5 loại nông sản chủ lực của tỉnh, được tập trung xây dựng thương hiệu trên thị trường nội tỉnh, vùng miền và xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.700ha diện tích trồng chanh không hạt, chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Sản lượng thu hoạch trung bình đạt 30.494 tấn/năm, được tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước, với giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg. Trước tiềm năng và nhu cầu của thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh vận động người dân tiếp tục trồng loài cây này.


 Biển quảng cáo ngoài trời được lắp đặt tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành, Hậu Giang

Dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang” dùng cho sản phẩm chanh không hạt của tỉnh Hậu Giang” đã góp phần bảo hộ tài sản trí tuệ, nâng tầm giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế cho loại nông sản này.  Triển khai dự án, ban chủ nhiệm đã tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu về vùng sản xuất và thị trường chanh không hạt. Học tập kinh nghiệm mô hình quản lý các sản phẩm đặc sản địa phương của các tỉnh. Từ đó, xây dựng mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang” và phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể. Thiết kế hệ thống nhận diện nhãn hiệu tập thể với các sản phẩm in ấn thử nghiệm như: túi lưới, thùng carton, tem dán, tem treo, tờ rơi, poster, pano quảng cáo ngoài trời,...

Dự án đã xây dựng website giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang”. Quảng bá sản phẩm trên các báo, đài và phương tiện truyền thông. Dự án cũng đã tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn để tăng cường năng lực quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Sau 2 năm triển khai, dự án đã góp phần nâng cao giá trị và danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chanh không hạt Hậu Giang”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân trồng, sản xuất và kinh doanh sản phẩm chanh không hạt.

Nâng tầm cây mít Hậu Giang

Từ những năm 2008-2009, cây mít siêu sớm đã xuất hiện tại huyện Châu Thành, tập trung tại các xã Đông Phước và Đông Phước A. Giai đoạn đầu, cây mít phát triển tốt, mang lại thu nhập khá cho người trồng. Do đó, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang trồng và nhân rộng loại cây này. Đến nay, cây mít đã có mặt ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Tổng diện tích trồng mít của cả tỉnh hiện nay là khoảng gần 9.000ha.


 Chăm sóc cây mít ruột đỏ tại Hậu Giang

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình hình trồng mít trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định và đầu ra bấp bênh. Do đó, việc trồng mít trên địa bàn tỉnh hiện rất cần sự trợ lực để cải thiện năng suất, chất lượng, mang lại thu nhập ổn định và bền vững hơn cho người nông dân. Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lamk.) đạt chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại tỉnh Hậu Giang” là một trong những sự trợ lực đó. Dự án là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, do Ths. Phạm Thành Tôn làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh là tổ chức chủ trì, thực hiện từ năm 2020. Sau gần 2 năm triển khai, đến nay, đã có khoảng 100 nông hộ nhận được sự quan tâm, trợ lực từ dự án.

Tham gia dự án, nông hộ được hỗ trợ 50% chi phí cho các phần nguyên vật liệu như vôi sữa, chế phẩm nấm xanh, chế phẩm nấm tím để phục vụ sản xuất; 50% chi phí xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn VietGAP; 100% chi phí chứng nhận và phân tích mẫu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, nông hộ còn được tập huấn về kỹ thuật canh tác, thực hành và xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn lao động, y tế,... và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhờ đó, người nông dân yên tâm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, canh tác bền vững và thân thiện với môi trường trên vườn mít của mình.

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít (Artocarpus heterophyllus Lamk.) đạt chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại tỉnh Hậu Giang” đang xây dựng mô hình sản xuất 120ha mít theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 100ha được cấp chứng nhận. Dự án cũng tập huấn và hướng dẫn nông hộ ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc mít trên nền tảng công nghệ Blockchain bằng phần mềm KIPUS. Qua đó, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của trái mít trên thị trường

Ngoài ra, dự án còn tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang”. Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mít Hậu Giang” cho sản phẩm trái mít tươi của tỉnh và sẽ tiến hành cấp văn bằng bảo hộ trong thời gian tới. Đây được xem là một bước tiến nhằm khẳng định vị thế, thương hiệu đặc trưng của trái mít Hậu Giang. Song song đó, dự án cũng xây dựng trang web với đầy đủ thông tin về kỹ thuật và thị trường để định hướng sản xuất mít tại tỉnh được thích hợp, hiệu quả hơn.

Dự kiến, dự án sẽ được nghiệm thu vào tháng 10-2022. Mặc dù dự án đã đi đến giai đoạn cuối, nhưng những hiệu quả thiết thực mà dự án mang lại sẽ còn được duy trì và tiếp nối, góp phần trợ lực cho người trồng mít trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đưa nhãn hiệu “Mít Hậu Giang” vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

Hoàng Oanh


Gửi cho bạn bè

Các tin khác