Thứ Bảy, 21/12/2024
Phát triển nông nghiệp sạch, an toàn: Xu hướng tất yếu

Người dân ý thức

Hai năm qua, vườn vú sữa hoàng kim của anh Trần Ngọc Lợi, ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, trở thành điểm tham quan và học hỏi kinh nghiệm của nhà vườn trong và ngoài tỉnh Hậu Giang. Với diện tích 1ha, năm qua gia đình anh Lợi cung ứng cho thị trường gần 4.000 cây giống với giá bán từ 100.000-150.000 đồng/cây và 3 tấn trái với giá bán dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg, cao hơn những nhà vườn khác 10.000 đồng/kg. Bởi vú sữa hoàng kim của gia đình anh Lợi sản xuất theo hướng sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Anh Lợi cho biết: “Mô hình của gia đình đang sản xuất theo hướng VietGAP, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học như tỏi hay thuốc muỗi để phòng trừ dịch bệnh chứ không sử dụng thuốc hóa học. Từ đó, vừa giảm được chi phí đầu tư, vừa đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng”.

Không chỉ vận động người dân áp dụng quy trình sản xuất nông sản theo hướng sạch, an toàn, thời gian qua, huyện Phụng Hiệp còn đẩy mạnh việc kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Đi vào hoạt động từ tháng 12-2020, nông trại NT Phụng Hiệp, ở xã Tân Bình huyện Phụng Hiệp, đang giới thiệu cho người dân trong vùng một khái niệm mới về sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn khép kín. Mô hình tận dụng tối đa không gian để tạo ra thu nhập. Với diện tích 7.000m2, được thiết kế điện áp mái phía trên, không gian phía dưới được thiết kế trồng nấm rơm nhà kính, rau sạch, nuôi trùn quế, cá, gia cầm và bò. Theo phương châm, phụ phẩm của lĩnh vực này sẽ là nguyên liệu để sản xuất lĩnh vực khác. Chính từ cách làm này mà lợi nhuận lĩnh vực sản xuất và chăn nuôi của nông trại năm qua đạt hơn 400 triệu đồng.

Bà Lữ Thị Nhật Hằng, Chủ nông trại NT Phụng Hiệp, cho biết: “Nông trại sản xuất theo hình thức tự cung tự cầu cho các con vật nuôi và cây trồng của nông trại. Như phụ phẩm nấm rơm sẽ được dùng làm giá thể để nuôi trùn quế, phân trùn quế sẽ được trồng rau, thịt trùn quế sẽ được dùng làm thức ăn nuôi cá, nuôi gà nên từ đó giảm được chi phí đầu tư và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường”.

Còn tại HTX Nông sản an toàn Long Trị A, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, có hơn 20 thành viên, với gần 34ha đất sản xuất, trong đó có 13 hộ chuyên sản xuất rau ăn lá các loại, với diện tích trên 2ha. Gia đình ông Trần Thanh Ký, thành viên HTX Nông sản an toàn Long Trị A, chia sẻ là giá cải xanh, cải ngọt thu hoạch bán từ 10.000 đồng/kg, xà lách 15.000 đồng/kg, rau thơm các loại 20.000 đồng/kg nhưng không đủ nguồn cung.

Theo lãnh đạo HTX nông sản an toàn Long Trị A, các thành viên HTX xoay vòng sản xuất, mỗi hộ trồng một loại đảm bảo đa dạng các loại rau ăn lá, cung cấp hàng mỗi ngày. Thương lái đến tận nơi thu mua với giá cả ổn định nên người trồng rau, màu rất phấn khởi, an tâm sản xuất để cung cấp rau xanh cho người tiêu dùng. Người dân rất chú trọng trong việc sản xuất rau màu an toàn, sạch, để không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người sử dụng.

Đẩy mạnh phát triển

Theo thống kê, huyện Phụng Hiệp hiện có 1.018 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, trong đó có 109 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, áp dụng quy trình VietGAP, GlobaGAP trên các sản phẩm như: lúa, rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi heo, thủy sản, với doanh thu từ 100 triệu đồng đến 2 tỉ đồng/năm.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Việc xây dựng mô hình sản xuất nông sản sạch đòi hỏi phải có thời gian và phải làm từng bước. Ví dụ một hai năm đầu sử dụng thuốc hóa học rồi giảm dần đến năm thứ 3 là sử dụng hoàn toàn hữu cơ và các chế phẩm sinh học để được chứng nhận sản phẩm sạch. Về đầu ra thì nông sản sạch luôn có giá cao hơn các sản phẩm thông thường từ 20-30%, chưa kể sản xuất theo hình thức này còn được doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu ổn định.

Cũng theo ông Tuấn, hiện nay huyện Phụng Hiệp tập trung thực hiện các bước xây dựng vùng sản xuất nông sản sạch để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Theo đó, đến nay huyện đã xây dựng được 13 mã số vùng trồng trên các loại trái cây như: mít Thái, nhãn Ido, xoài và dưa hấu. Tổng diện tích xây dựng 172ha, có 254 hộ tham gia, tổng sản lượng hàng năm đạt gần 3.700 tấn trái. Tham gia việc xây dựng mã số vùng trồng nông dân đã bắt đầu thay đổi tập quán sản xuất, thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký sản xuất. Bắt đầu sử dụng phân, thuốc hữu cơ, chế phẩm sinh học thay cho phân, thuốc hóa học để tạo ra nông sản sạch đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, tới đây ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững, đổi mới giống cây trồng, tiếp tục phát triển có chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, một số loại cây ăn quả có thế mạnh, phù hợp với thị trường. Mạnh dạn khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ và chuỗi liên kết. Khuyến khích chuyển đổi đất lúa, mía kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi thủy sản, chuyển đổi chăn nuôi từ heo sang loại khác như gia cầm, dê, đại gia súc, các loài đặc sản,... Tăng sản xuất lúa gạo theo hướng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Ngành nông nghiệp Hậu Giang xác định tới đây sẽ phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại; mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa các nông sản chủ lực và các sản phẩm đang có tiềm năng đã đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh theo chuỗi liên kết để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn cho dân cư trong tỉnh, khách du lịch, thị trường các thành phố lớn, các tỉnh lân cận và xuất khẩu.


(baohaugiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất