Thứ Hai, 14/10/2024
Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV

Hội nghị đã đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và chương trình công tác quý III năm 2023; đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới…


 Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành phát biểu tại hội nghị



Trình bày báo cáo chính trị giữa nhiệm kỳ, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, tỉnh Hậu Giang đã đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế của tỉnh là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước, liên tục tăng trưởng cao hơn khu vực và cả nước, đánh dấu sự phát triển bứt phá nhất trong gần 20 năm thành lập tỉnh. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 3,28%, cao hơn mức bình quân của cả nước (2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh và đứng thứ tư cả nước. Đặc biệt, sáu tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế Hậu Giang vươn lên đứng đầu cả nước khi đạt 14,21%. Cơ cấu kinh tế trong tỉnh chuyển dịch đúng định hướng. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng trưởng vượt xa tiến độ Nghị quyết Đại hội đề ra. Tính đến nay, tổng thu ngân sách nội địa được 11.167 tỷ đồng, đạt 63% chỉ tiêu, tăng bình quân 20,4%/năm, tương đương giá trị tuyệt đối trên 1.000 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn huy động tăng trưởng bình quân hơn 15%/năm; dư nợ tăng trưởng bình quân mỗi năm 14,69%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, theo đúng chỉ tiêu đề ra. Công tác thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng được chú trọng; tình hình sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh tiếp tục duy trì và tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng lên. Hoạt động văn hoá ngày một tiến bộ. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhìn nhận, Tỉnh vẫn còn một số điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và đô thị; việc hiện thực hóa dự án đầu tư mới còn chậm; năng lực lãnh đạo của một số cán bộ các cấp chưa ngang tầm nhiệm vụ; chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp còn hạn chế sức cạnh tranh thấp; công tác dân vận và hoạt động của mặt trận đoàn thể chưa phát huy hiệu quả thiếu bền vững…

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, cho biết: Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, với sự quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt kết quả ấn tượng, bứt phá sau gần 20 năm thành lập tỉnh. Năm 2022 tăng trưởng GRDP đạt 13,94%, vươn lên đứng đầu vùng ĐBSCL, xếp thứ 4 cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 14,21%, đứng đầu cả nước; thu ngân sách bình quân 1.000 tỷ đồng/năm, các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh có chuyển biến tích cực.

Đối với nhiệm vụ đến cuối năm 2023, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành yêu cầu tập trung tối đa các nguồn lực triển khai thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó: tập trung xây dựng danh mục vị trí việc làm; ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chuẩn bị tốt các điều kiện lựa chọn nhà đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Hậu 2 và Khu công nghiệp Đông Phú 2; ưu tiên giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư phát triển khu đô thị, văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ các cấp nhằm nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ cán bộ và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân…

BQ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi