Thứ Năm, 2/5/2024
Phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Đề án được xây dựng với quan điểm: Phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương với bảo vệ tài nguyên, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên văn hóa, tôn trọng những giá trị văn hóa bản địa, giá trị cộng đồng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, quốc phòng. Phát triển DLCĐ mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Trong đó, người dân tại địa phương tham gia DLCĐ với tư cách vừa là nhà tổ chức, vừa là người thụ hưởng, vừa chủ động cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách… Phát triển DLCĐ đa dạng và bền vững các sản phẩm, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống… Tranh thủ huy động mọi điều kiện, nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả các điều kiện, tiềm năng và thế mạnh để phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh; ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch tại các địa bàn nông thôn; thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch tỉnh Hậu Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển DLCĐ là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang một cách bền vững… 


 Du khách tham qua làng DLCĐ vùng khóm Cầu Đúc, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh


Mục tiêu tổng quát của Đề án đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030, Hậu Giang sẽ trở thành điểm đến mới về DLCĐ trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi nói về DLCĐ tại Hậu Giang, du khách sẽ ghi nhớ về những cộng đồng dân cư hào sảng, hồn hậu, hiếu khách; về các trải nghiệm đậm chất văn hóa Nam Bộ; sự phong phú ẩm thực; sự kết nối, hòa hợp với thiên nhiên, sông nước; các hoạt động và sản vật nông nghiệp. DLCĐ tại Hậu Giang được phát triển bởi người dân và phục vụ lợi ích của người dân địa phương. Đề án thực hiện sẽ khắc phục những nhược điểm như tính tự phát, phục vụ thiếu chuyên nghiệp, khả năng quản lý kém, sản phẩm kém hấp dẫn, thiếu kỹ năng kinh doanh, tiếp thị, điều hành và sẽ tạo được sự gắn kết hiệu quả giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. 

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển 03 mô hình thí điểm tại thành phố Vị Thanh, huyện Châu Thành A và thành phố Ngã Bảy; tiếp tục hỗ trợ các điểm DLCĐ hiện có. Đến năm 2030: Tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các điểm DLCĐ tại huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, tiếp tục hỗ trợ các điểm DLCĐ khác, đặc biệt là các điểm DLCĐ theo kế hoạch đăng ký của cấp huyện. Tập trung phát triển các mô hình DLCĐ kết hợp với: du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh; du lịch nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm; du lịch ẩm thực, mua sắm, nghỉ dưỡng. Quảng bá rộng rãi các sản phẩm DLCĐ của tỉnh, thông qua sử dụng công nghệ số trong du lịch (du lịch thông minh). Nâng cấp tổng thể cơ sở vật chất, các dịch vụ gia tăng kèm theo và kéo dài thời gian lưu trú; thúc đẩy chi tiêu của du khách khi sử dụng các sản phẩm DLCĐ tại tỉnh, hình thành các công ty có điều kiện phát triển DLCĐ trên địa bàn Tỉnh, tạo việc làm cho người lao động tại các điểm DLCĐ, tăng nguồn thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch.

Đề án đã đưa ra 10 nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển DLCĐ, đó là: (1) Giải pháp về nâng cao nhận thức xã hội; (2) Giải pháp chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh doanh DLCĐ; (3) Giải pháp về nâng cao khả năng tiếp cận điểm đến DLCĐ; (4) Giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến DLCĐ; (5) Giải pháp về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DLCĐ và định hướng khởi nghiệp DLCĐ; (6) Giải pháp xây dựng và kết nối tuyến điểm du lịch với các mô hình DLCĐ; (7) Giải pháp tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu; cảnh quan, bảo vệ môi trường; quản lý an ninh trật tự; (8) Giải pháp xây dựng hệ thống quản lý, công cụ quản lý DLCĐ tỉnh; (9) Giải pháp xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, phần mềm hướng dẫn, quảng bá DLCĐ; (10) Giải pháp xây dựng bộ sản phẩm DLCĐ và các phương án xây dựng mô hình DLCĐ tại tỉnh Hậu Giang.

HG

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác