Chủ Nhật, 19/1/2025
Hậu Giang: Nỗ lực chuyển đổi số

Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2023 xác định nhiệm vụ: “Chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số”. Với tổng số tiền đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho trang thiết bị, nguồn nhân lực. Tỉnh dành kinh phí cho mỗi huyện, thị, thành phố 1 tỷ đồng, mỗi xã 100 triệu đồng để chuyển đổi số. Sự đầu tư tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chuyển hoạt động của Chính quyền lên môi trường số. Qua đây, cho thấy quyết tâm của tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng suất, chất lượng trong quản lý nhà nước và lao động.

 


 Chuyển đổi số là sự thay đổi từ không gian thực lên không gian số.
Hậu Giang là một trong 12 tỉnh, thành phố đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyển đổi số, chủ động hợp tác, đặt hàng tư vấn, hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông hàng đầu của cả nước như: Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel và ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với các tập đoàn và các doanh nghiệp lớn về chuyển đổi số.

Một số cấp ủy cấp huyện cũng đã chủ động tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi số với việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông như: TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy đã huy động được sự tài trợ của các doanh nghiệp như: VNPT, Viettel để xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh, các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đang phối hợp với các doanh nghiệp lớn để triển khai chuyển đổi số cấp huyện …

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang App) được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao. Tỉnh đã thành lập hơn 600 Tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh với hơn 4.000 thành viên tham gia để hỗ trợ cho người dân tham gia CĐS. Các hoạt động chuyển đổi số tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của chính quyền như nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền, cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh tỉnh. Các nền tảng số cơ bản đã được hoạt động hiệu quả như: Ứng dụng di động Hậu Giang, Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hệ thống họp trực tuyến, họp không giấy… 

Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang thành lập theo Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 24/02/2023 của UBND tỉnh Hậu Giang. Việc thành lập Khu Công nghệ số được xem là mũi nhọn đột phá, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong tương lai. Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang được quy hoạch trên khu đất sạch diện tích 28,5 hecta tại ấp 4, xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Dự án gồm 2 giai đoạn gồm xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các phân khu chức năng. Hiện đã có 5 doanh nghiệp cam kết đầu tư vào dự án.

Kinh tế số, xã hội số của tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu được hình thành. Tỉnh đã từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử; đã có trên 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng các nền tảng công nghệ số để phục vụ quản trị, sản xuất và kinh doanh.

Tháng 7/2022, lần đầu tiên tuần lễ Thúc đẩy Chuyển đổi số Phát triển Kinh tế vùng tổ chức tại tỉnh Hậu Giang. 3 hội thảo, hơn 1.200 chuyên gia, người dân, doanh nghiệp tham dự và bàn luận các giải pháp chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực chính quyền, kinh tế, xã hội. Sự kiện đánh dấu bước tiến mạnh mẽ và mở ra những cơ hội cho tỉnh Hậu Giang chạy nhanh hơn trong đường đua chuyển đổi số. Tiếp nối thành công trên, Hậu Giang  tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Mekong Delta 2023  từ ngày 18 đến 20/5 với 9 hội thảo và 8 hoạt động bên lề. 60 chuyên gia, diễn giả, 50 tham luận làm rõ các giải pháp chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực quan trọng của ĐBSCL như nông nghiệp, du lịch, giáo dục và thu hút đầu tư, nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Hậu Giang luôn trải thảm thu hút đầu tư công nghệ số. Theo đó, khi doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, cụ thể như: Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 2 năm, giảm 50% không quá 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới; thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 15 năm áp dụng đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư được miễn tiền thuế đất, thuê mặt nước trong thời hạn 15 năm đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (có ngành công nghệ thông tin).

Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang cũng có chính sách ưu đãi về dịch vụ viễn thông của nhà cung cấp VNPT và Viettel; miễn phí cước đấu nối hòa mạng dịch vụ Internet; giảm 50% cước phí sử dụng dịch vụ internet trong 3 năm đầu tiên đối với các gói cước trong nước và quốc tế; giảm từ 30 - 50% phí triển khai các ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp…

Với phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tỉnh tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đầu tư vào Khu Công nghệ số. Trong đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm để đầu tư vào khu công nghệ số, góp phần sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Hậu Giang còn ưu tiên phát triển hạ tầng số. Theo đó, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025 nhằm phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của người dân trên địa bàn; phát triển hạ tầng số đáp ứng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Hậu Giang từng bước nâng cao chất lượng mạng 4G, từng bước triển khai mạng 5G; phổ cập Internet băng rộng như một tiện ích thiết yếu, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thông; tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông của tỉnh; đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới, giảm thiểu các sự cố mất thông tin liên lạc, đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị. Mục tiêu cụ thể đến 2025, tỷ lệ ấp, khu vực được phủ băng rộng di động đạt 100%; tỷ lệ UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%. Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 80%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet đạt 90%. 100% hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ ứng dụng IoT (khi có nhu cầu).

Ngoài ra, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% DN sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Tỉnh sẽ hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chuyển đổi số là xu hướng hiện nay. Các hoạt động của tuần lễ chuyển đổi số và sự đầu tư của tỉnh Hậu Giang đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của ĐBSCL diễn ra nhanh và bền vững theo lộ trình của Chính phủ. Đây là cơ sở giúp tỉnh Hậu Giang hiện thực hóa tinh thần: Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng.

VP

 

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất