Thứ Năm, 2/5/2024
Hậu Giang: đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bám sát chặt chẽ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, quy định, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, tỉnh xác định năm 2023 là năm tăng tốc phát triển, góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.


 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành
và các đồng chí lãnh đạo một số bộ, ngành xem mô hình quy hoạch tỉnh Hậu Giang 

Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy đảng, các ngành, các cấp trong tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị khá toàn diện: Hoàn thành 18/18 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nổi bật về tăng trưởng kinh tế của tỉnh tiếp tục là điểm sáng của khu vực và cả nước, đạt tỷ lệ 12,27%, xếp thứ 02 cả nước, tăng 02 bậc so với năm 2022; quy mô kinh tế và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tiếp tục được mở rộng và tăng nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng 21,34% so với cùng kỳ. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục có nhiều đổi mới, nhất là phương thức lãnh đạo, với quan điểm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”. Trong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng cụ thể hóa, các nghị quyết, chương trình, đề án sâu sát, phù hợp với điều kiện thực tiễn; xác định và tập trung các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đem lại hiệu quả cao, sức lan tỏa rộng.

Những kết quả nổi bật đạt được năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã góp phần tô thắm vào thành tựu đáng tự hào sau 20 năm thành lập và phát triển tỉnh Hậu Giang. Những thành công trong từng giai đoạn phát triển là công sức, trí tuệ của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, tham gia của người dân, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác dân vận các cấp trong tỉnh.

Theo dòng chảy thời gian, công tác dân vận đang có nhiều đổi mới phương thức hoạt động đi vào chiều sâu, gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đẩy mạnh hướng về cơ sở, đa dạng hình thức tập hợp nhân dân. Tập trung vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua do tỉnh phát động, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, theo hướng tăng số lượng các hội nghị chuyên đề học tập, quán triệt đảm bảo kịp thời, đồng bộ. Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị được duy trì thực hiện nền nếp, 100% cấp ủy cấp huyện và cơ sở đã xây dựng, ban hành quy chế công tác dân vận của nhiệm kỳ mới và nghiêm túc thực hiện; tập trung chỉ đạo làm tốt công tác xây dựng Đảng với phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”, nhiều điểm mới đột phá, đặc biệt là trong công tác cán bộ... Kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo thẩm quyền. Cùng với đó, Thường trực cấp ủy định kỳ làm việc với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành liên quan theo Quy chế để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận tại địa phương, đơn vị.

Cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác dân vận, dân vận chính quyền, dân chủ ở cơ sở bằng những hình thức phù hợp như: thông qua các cuộc họp chi, tổ hội đoàn thể, các buổi tham luận, tọa đàm, hội thảo, thông qua hệ thống truyền thanh, thông qua các nhóm Zalo, Facebook của hội đoàn thể gắn với tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với chuyên đề năm 2022 - 2023 của tỉnh là: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy nội lực, tận dụng thời cơ, khơi dậy khát vọng xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững”.


 Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
tại buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân TP. Vị Thanh


Điểm nổi bật trong công tác dân vận của tỉnh Hậu Giang thời gian qua là những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dân vận chính quyền. Chuyển biến này được thể hiện qua việc cơ quan nhà nước các cấp tập trung chỉ đạo cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; kịp thời ban hành nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến đời sống nhân dân, nhất là trên các lĩnh vực an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ đầu tư, cơ chế, chính sách thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác dân vận chính quyền như: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện bộ tiêu chí đánh giá công tác dân vận chính quyền và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác dân vận; 100% đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện đều phân công đồng chí Chủ tịch hoặc 01 đồng chí lãnh đạo cơ quan trực tiếp phụ trách công tác dân vận của cơ quan, đơn vị, địa phương và thực hiện theo Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Hậu Giang. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở, cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng nền công vụ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả” gắn với việc xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tỉnh đã ban hành xong các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi, chức năng quản lý của các sở, ban, ngành tỉnh để làm cơ sở xây dựng quy trình điện tử. Hiện đã đưa tất cả 1.896 TTHC áp dụng quy trình điện tử tại Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Trong đó, đã có 259 TTHC thực hiện 4 tại chỗ tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh. 

Đặc biệt, trong năm 2023 Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành hai văn bản quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay trên địa bàn tỉnh đó là: Quy chế số 20-QC/TU ngày 18/4/2023 về công tác dân vận tham gia trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; Đề án số 08-ĐA/TU ngày 16/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền, Hậu Giang đã triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện” trên toàn tỉnh vào năm 2020, nội dung mô hình được triển khai thực hiện tại tất cả bộ phận một cửa trên địa bàn tỉnh. Mô hình này tập trung thay đổi cung cách ứng xử, thái độ phục vụ người dân của cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp theo phương châm “4 xin” (xin chào, xin hỏi, xin lỗi, xin cảm ơn) và “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn sẵn lòng giúp đỡ người dân, doanh nghiệp). Việc chú trọng và tăng cường công tác dân vận chính quyền đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về trách nhiệm của mình đối với công tác dân vận. Trước đây, nhiều cán bộ, đảng viên có quan niệm, công tác dân vận thuộc trách nhiệm của Ban Dân vận, MTTQ và đoàn thể các cấp. Nhưng hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã thật sự quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu chính đáng của người dân để phục vụ; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính quyền có thái độ phục vụ người dân tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong thực thi công vụ.


 Một góc TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang

Với tinh thần “Trọng dân, gần dân, đặt lợi ích của dân lên trên hết”, Tỉnh ủy Hậu Giang xác định việc trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với công dân theo phương châm “Nghe dân nói, nói với dân và cùng nhân dân thực hiện” là một nhiệm vụ quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong những năm gần đây. Công tác tổ chức đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể với người dân trên địa bàn được Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với mục đích chính là trực tiếp nghe dân nói, nghe dân trình bày tâm tư, nguyện vọng; nghe dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Từ năm 2020 - 2023, toàn tỉnh đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại 657 cuộc, tổng hợp được 64.975 lượt ý kiến của nhân dân, có 48.004 người đại diện hộ dân đến tham dự. Riêng trong 2 năm 2022, 2023 các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã không ngừng đổi mới về hình thức và nội dung từ đối thoại đa thành phần sang đối thoại theo giới, đặc điểm nghề nghiệp, đối tượng đặc thù như: Gia đình chính sách, nhân dân thành thị, nhân dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào tôn giáo… đã tạo sự gần gũi, cởi mở với các đối tượng tiếp xúc, đối thoại, đặc biệt ghi nhận được nhiều ý kiến với nhiều góc nhìn khác nhau, không những ghi nhận ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng mà còn ghi nhận nhiều góp ý, hiến kế cho sự phát triển của tỉnh. Sau đối thoại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo kết luận và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị phối hợp xử lý, giải quyết các kiến nghị. Giao Tổ giúp việc, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh giám sát việc thực hiện; Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả giải trình hoặc giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân theo thẩm quyền và khả năng của tỉnh, của địa phương, đơn vị để Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi chỉ đạo. Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại góp phần phát huy quyền làm chủ thật sự của các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không xảy ra các vụ kiện đông người, “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân; xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân; giải quyết các vấn đề phức tạp trên địa bàn. Tỉnh ủy ban hành Công văn số 760-CV/TU, ngày 13/3/2023 về việc quy định thời gian người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ hằng tháng. Định kỳ hằng tháng, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp dân tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh. Công tác tiếp dân được thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Tại các cuộc tiếp dân, nhiều nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân đã được xem xét và trả lời trực tiếp. Đối với những vụ việc có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành của tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, xem xét và giải quyết theo quy định. Đồng thời, đề cao vai trò giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện tốt chức năng giám sát đối với Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình giải quyết, các cấp, các ngành và người có thẩm quyền giải quyết thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, đặc biệt là công tác tổ chức đối thoại với người khiếu nại bảo đảm công khai, dân chủ, phản ánh đầy đủ tình tiết, bản chất vụ việc để làm cơ sở giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng quy định pháp luật.

Một nét nổi bật khác trong công tác dân vận ở tỉnh Hậu Giang những năm gần đây là chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”. Tiếp tục chỉ đạo quán triệt, thực hiện Công văn số 232-CV/BDVTW, ngày 07/8/2013 của Ban Dân vận Trung ương; Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 10/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang thực hiện chuyên mục “Dân vận khéo” mỗi tháng 01 kỳ giới thiệu tập thể, cá nhân có mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Định kỳ tổ chức cuộc thi viết về phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hội thi cán bộ “Dân vận khéo”… Chỉ tính trong giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh đã xây dựng mới, duy trì, phát huy hiệu quả hàng trăm mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.

Với những giải pháp công tác dân vận nêu trên, cùng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo” với tinh thần đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều chung sức, đồng lòng hưởng ứng nội dung Nghị quyết đề ra.

Năm 2024, Tỉnh ủy Hậu Giang xác định là năm phấn đấu về đích sớm một số chỉ tiêu trọng yếu nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế; (2) Tổng thu ngân sách trên địa bàn; (3) Thu nhập bình quân đầu người; (4) Kết nạp đảng viên mới; (5) Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh ủy Hậu Giang sẽ tiếp tục bám sát, tổ chức triển khai kịp thời, đồng bộ các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV; với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, Đảng bộ, quân và dân Hậu Giang phát huy những kết quả đạt được, cùng những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong những năm qua để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

NGHIÊM XUÂN THÀNH - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác