Thứ Sáu, 20/9/2024
Hậu Giang: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW gắn với kết quả bước đầu triển khai, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh

Xác định vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33), sau khi Trung ương triển khai Hội nghị Trung ương 9, khóa XI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU để hướng dẫn việc tổ chức học tập, quán triệt và Chương trình hành động số 237a-CTr/TU ngày 27/8/2014 để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết trong toàn Đảng bộ.


 Festival Áo Bà Ba Hậu Giang được tổ chức từ năm 2023 và sẽ tổ chức hằng năm

 

Sau khi Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị triển khai cho cán bộ chủ chốt, các cấp ủy địa phương đã đồng loạt tổ chức hội nghị học tập, quán triệt cho đảng viên cấp mình. Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức 497 cuộc, có 29.336/29.618 đảng viên dự học, đạt tỷ lệ 99,05%; 8/8 huyện, thị, thành đã xây dựng và ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. BCH Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 13/7/2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững (Nghị quyết số 15). Trên cơ sở đó, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chỉ đạo 100% chi bộ tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và cụ thể hóa thành chương trình thực hiện, lồng ghép vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, đơn vị theo hướng xác định rõ mục tiêu, tiến độ, sản phẩm cụ thể trong việc triển khai thực hiện đến cấp cơ sở. 

Qua học tập, quán triệt, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhất là làm chuyển biến sâu sắc trong đời sống văn hóa của nhân dân. Các chuẩn mực văn hóa con người được quan tâm xây dựng. Nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được quan tâm lưu truyền. Ngày càng có nhiều gương điển hình,  mô hình tiêu biểu trong xây dựng văn hóa cơ sở.

Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển con người toàn diện, đời sống Nhân dân ngày được cải thiện, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng gấp 2,25 lần so năm 2014 (năm 2023 đạt trên 80,33 triệu đồng/người, năm 2014 đạt 28 triệu đồng/người); thực hiện có hiệu quả việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gắn với các chỉ thị của Tỉnh ủy về xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 10/12/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, tác phong; xây dựng lề lối làm việc khoa học, hiệu quả; công khai, dân chủ”; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 13/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh Hậu Giang có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức tốt; có khát vọng, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ”. 

Tỉnh ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cộng đồng dân cư gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm các tiêu chí văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Từ đó công tác xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt nhiều kết quả khả quan. 

Tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực đầu tư cho văn hóa tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm, chú trọng nâng cấp đồng bộ hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở, gắn đầu tư với khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động. Hiện nay 61/75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có nhà văn hóa, 514/525 ấp, khu vực có nhà văn hóa. Từ đó tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Tính đến hết tháng 02/2024, toàn tỉnh có 186.374 hộ gia đình văn hóa (chiếm 93,28%); 12.372 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu (chiếm 6,63%); 521/525 ấp, khu vực văn hóa (chiếm 99,23%); 58.824 cá nhân “Người tốt việc tốt” (chiếm 7,63%); 5.234 cá nhân “Người tốt việc tốt tiêu biểu” (chiếm 8,89%); 41/51 xã văn hóa nông thôn mới (chiếm 80,39%); 21/24 phường, thị trấn văn minh đô thị (chiếm 87,5%).

Tỉnh đang từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho các sản phẩm văn hóa và hình thành lĩnh vực công nghiệp văn hóa; quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Hậu Giang trên cổng thông tin của tỉnh, các website quảng bá các địa điểm du lịch Hậu Giang, nhất là xây dựng các thương hiệu sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng văn hóa của người dân Hậu Giang để tạo điều kiện cho bạn bè gần xa hiểu được văn hóa, con người Hậu Giang. Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, mạng lưới trường lớp, mạng lưới điện, hệ thống viễn thông, cung cấp dịch vụ Internet… và khai thác, sử dụng hiệu quả, đến nay đã phủ sóng truyền hình, truyền thanh 100% địa bàn tỉnh; có khoảng 80% học sinh trong các trường học được giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của đất nước con người Việt Nam; giáo dục về truyền thống lịch sử, nếp sống văn minh, ứng xử có văn hóa mang đặc trưng văn hóa, con người Hậu Giang.

Qua gần một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện, đạt một số chỉ tiêu cơ bản. Đó là: Hoàn thành xây dựng và triển khai bộ tiêu chí về hệ giá trị gia đình Hậu Giang theo các tiêu chí của quốc gia. Tổ chức giáo dục về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của đất nước con người Việt Nam; giáo dục về truyền thống lịch sử, nếp sống văn minh, ứng xử có văn hóa mang đặc trưng văn hóa, con người Hậu Giang cho 80% học sinh trong các trường học. Trên 80% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Trên 70% thiết chế văn hóa đều được phát huy chức năng, trong đó các thiết chế văn hóa ở cơ sở hoạt động có hiệu quả.  Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh được tu bổ, tôn tạo (một phần) và phát huy giá trị; có khoảng 50% di tích lịch sử, văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh và di tích lịch sử - văn hóa tỉnh xuống cấp được tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Trên 80% các địa phương, cơ quan, đơn vị, gia đình đạt được các danh hiệu văn hóa trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Còn 06 chỉ tiêu đang tiếp tục phấn đấu thực hiện. 


Thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng

Qua 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang về phát triển văn hóa, con người trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được nâng lên. Vai trò quản lý của nhà nước trong lĩnh vực văn hóa ngày càng được thể hiện rõ nét, ban hành kịp thời hệ thống văn bản lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa. Môi trường văn hóa, phẩm chất con người Hậu Giang được quan tâm xây dựng từ gia đình đến nhà trường và cộng đồng xã hội, từng bước hoàn thiện các chuẩn mực về văn hóa trong gia đình, văn hóa trong trường học, văn hóa trong công sở, văn hóa trong các khu dân cư,… Các thiết chế văn hóa từng bước được xây dựng và đáp ứng được nhu cầu cơ bản hưởng thụ văn hóa của người dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và trong cộng đồng dân cư với các tiêu chí “Đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động” ngày càng được chú trọng và phát huy hiệu quả. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa của quốc gia trên địa bàn tỉnh và các di sản văn hóa của địa phương ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém như: công tác lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Một số nơi, cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm; các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội chưa tích cực trong công tác phối hợp tổ chức thực hiện. Sự phát triển của văn hóa, con người chưa đồng bộ, chưa ngang tầm với vai trò, chưa thật sự là nguồn lực nội sinh góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên, chưa phát huy tích cực chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra trên lĩnh vực văn hóa để kịp thời điều chỉnh những hạn chế, vi phạm. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có cơ chế, chính sách khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa; các văn hóa phẩm độc hại trên không gian mạng vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và thành thị vẫn còn; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở còn thiếu và yếu, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân đã được quan tâm nhưng chưa xây dựng được các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, giá trị con người Hậu Giang; các phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để. Phong trào xây dựng tổ dân phố, ấp, khu vực văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa tuy đạt được một số kết quả, song vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức; ban chỉ đạo các cấp hoạt động chưa đều, nên mang lại kết quả chưa cao; một số nơi còn mang tính hình thức, chưa xây dựng được mô hình, các điểm sáng văn hóa. 

Để đạt mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Hậu Giang phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học; thực sự trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước cũng như của tỉnh, nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện như sau:

Một là, tiếp tục triển khai, quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW, Nghị quyết số 15- NQ/TU gắn với các quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc Đại hội XIII của Đảng.

Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền trên lĩnh vực văn hóa. Quán triệt và gắn kết chặt chẽ các nhiệm vụ: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. 

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống của Nhân dân để văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy tinh thần vươn lên của Nhân dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển văn hóa, con người Hậu Giang theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU. Tích cực phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng đời sống văn hóa trong Nhân dân qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Bốn là, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước của các ngành chức năng trong lĩnh vực văn hóa, trong đó chú trọng: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lĩnh vực văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa phát triển toàn diện; đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người; tăng cường các hoạt động hợp tác về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa đúng thực chất; từng bước kiện toàn, nâng cao chất lượng bộ máy hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa. 

Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là gắn với phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. 

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về thực hiện nghị quyết của Đảng và của Tỉnh ủy về xây dựng văn hóa con người Việt Nam và con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa; xử lý nghiêm các vi phạm trên các lĩnh vực văn hóa.

HG


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất