Thứ Bảy, 21/9/2024
Trường Đại học Vinh học tập và làm theo tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trường Đại học Vinh được thành lập năm 1959, tiền thân là Trường Đại học Sư phạm Vinh, là trường đại học đầu tiên của Trung ương đóng tại địa phương, trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, có vị trí địa chiến lược quan trọng của đất nước, gắn với trục Bắc - Nam và định hướng phát triển hành lang Đông - Tây. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Nhà trường luôn quán triệt, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo Dân vận: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Trong tác phẩm "Dân vận", Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân". Áp dụng cụ thể cho Trường Đại học Vinh thì "dân" là tập thể cán bộ, nhân viên và người học. Các hoạt động của Nhà trường luôn đặt lợi ích cán bộ, nhân viên và người học lên trên hết, luôn xem thực hành dân chủ là mục tiêu và động lực của công tác quần chúng. Các tổ chức, đoàn thể trong Nhà trường được tạo điều kiện để phát huy hiệu quả vai trò của mình trong công tác đảm bảo quyền lợi cho người lao động và người học. Do vậy, công tác vận động cán bộ, đảng viên và người học thi đua dạy tốt, học tốt đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đưa tỉnh Nghệ An từng bước trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ.

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành, Đảng ủy, Ban Ban Giám hiệu Nhà trường luôn quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho" phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường. Các cấp ủy đảng, đơn vị, đoàn thể trong Trường luôn quán triệt, triển khai thực hiện phong trào thi đua dạy tốt, học tốt với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp cụ thể.

Ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường Đại học Vinh đã trải qua chín năm sơ tán, với bao gian nan vất vả, chịu tổn thất nặng nề nhất trong hệ thống các trường đại học ở Việt Nam. Vượt lên mưa bom bão đạn của kẻ thù, vượt qua bao khó khăn chồng chất, sự nghiệp đào tạo của Nhà trường vẫn luôn được giữ vững. Từ lãnh đạo Trường đến mỗi cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên, tất cả đều được tôi luyện, trưởng thành cả về số lượng và chất lượng với phương châm: "vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao; lao động, học tập với tinh thần quyết tâm cao". Trong những năm tháng khó khăn chung của đất nước trước thời kỳ đổi mới, bằng ý chí tự lực tự cường, Nhà trường đã cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; thực hiện tốt khẩu hiệu: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng thi đua dạy tốt, học tốt.

Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, quán triệt lời dạy của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt", trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời bình cũng như thời chiến, khi ở thành phố Vinh hay ở các địa phương nơi sơ tán, Nhà trường luôn làm tốt công tác dân vận. Chính vì công tác dân vận tốt nên Nhà trường đã có sự phát triển bền vững suốt chiều dài lịch sử. Từ khóa đầu tiên mới chỉ có hai ban Văn và Toán với 158 sinh viên, hiện nay Trường có 54 ngành đào tạo đại học; 37 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 17 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ với gần 36.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đến từ 40 tỉnh, thành trong cả nước và hàng trăm sinh viên quốc tế. Sáu thập kỷ qua, Nhà trường đã đào tạo trên 170.000 cử nhân và kỹ sư; 13.366 thạc sĩ và 244 tiến sĩ; hơn 9.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, có 12 em đoạt các giải Toán quốc tế và giải Toán khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 318 em đoạt giải quốc gia... Theo Tổ chức xếp hạng các trường đại học trên thế giới (CSIC) công bố trên Webometrics thì hiện nay Trường Đại học Vinh được xếp hạng thứ 9 các trường của Việt Nam. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 80%.

Trong mỗi giai đoạn phát triển của Nhà trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn chỉ đạo lấy người học làm trung tâm, chọn việc nâng cao chất lượng thực học, thực nghiệp làm đòn bẩy để nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo. Thường xuyên triển khai lấy ý kiến đánh giá của sinh viên về các hoạt động của Nhà trường; lấy ý kiến đánh giá của người học đối với giảng viên, giáo viên. Hàng năm, Nhà trường đều tổ chức hội nghị cán bộ trẻ, hội nghị trưởng bộ môn, trợ lý đào tạo, cố vấn học tập và hội nghị đối thoại giữa Hiệu trưởng với sinh viên để tuyên truyền và minh bạch thông tin, thực hiện tốt quy trình dân vận mà Bác đã chỉ ra: "Phải cho dân biết, giải thích cho dân hiểu, bày cho dân làm, và cùng với dân kiểm thảo lại công việc".

Cùng với sự vận động và phát triển của xã hội, Trường Đại học Vinh đã trải qua nhiều mốc phát triển mới với nhiều cải cách sâu rộng. Bất kỳ sự thay đổi nào cũng gặp ý kiến thuận chiều và trái chiều. Đây là lẽ tự nhiên của xã hội, nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận mà công cuộc đổi mới Nhà trường luôn nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ nhân viên và người học. Gần đây nhất, từ năm học 2017 - 2018, Nhà trường đã áp dụng chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO. Đây là mô hình đào tạo nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, một mô hình tiên tiến, hiện đại, do Viện Công nghệ Massachussetts Hoa Kỳ khởi xướng, được áp dụng ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Chính nhờ sự đổi mới không ngừng, Trường Đại học Vinh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, là thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế, thành viên liên kết của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Trường Đại học Vinh là một trong 8 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của cả nước. Nhà trường đã tham gia có hiệu quả các hoạt động thuộc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; tham gia ban chỉ đạo và trực tiếp biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Với khẩu hiệu hành động "Trường Đại học Vinh - Nơi tạo dựng tương lai cho tuổi trẻ", Nhà trường luôn quan tâm và thực hiện tốt công tác học sinh, sinh viên. Việc đánh giá, xếp loại người học được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc; việc thực hiện chế độ, chính sách được triển khai kịp thời. Hàng năm Nhà trường cấp khoảng 30 tỷ đồng học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên...

Công tác Đoàn và phong trào thanh niên, công tác Hội và phong trào sinh viên là một trong những điểm sáng của tuổi trẻ cả nước, góp phần xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của sinh viên Trường Vinh: "Bản lĩnh, Trí tuệ, Văn minh, Tình nguyện". Thực hiện tốt công tác phát triển Đảng trong trường học, giai đoạn 2013 - 2018, Đảng ủy Trường đã kết nạp 1.560 quần chúng vào Đảng, trong đó có 105 cán bộ, 1.455 sinh viên, là trường đại học có số lượng quần chúng được kết nạp Đảng lớn nhất trong cả nước.

Những năm gần đây, Nhà trường đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trường đã ký kết hơn 60 thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn  và thiết lập mối quan hệ hợp tác với gần 350 cơ quan, doanh nghiệp khác. Tổ chức hơn 80 chương trình hội thảo, hội nghị, diễn đàn tư vấn cho sinh viên. Tìm kiếm, giới thiệu hàng chục điểm thực tập, thực tế chuyên môn, hàng nghìn việc làm cho sinh viên. Tăng cường các chương trình định hướng nghề nghiệp, thực tập sinh, du học và làm việc sau tốt nghiệp tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Singapore, Israel, Australia… cho hàng trăm lượt sinh viên.

Thực hiện Nghị quyết số 29, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, được sự đồng ý của Tỉnh ủy Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, Nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tái cấu trúc Trường Đại học Vinh. Trong quá trình triển khai có lúc, có nơi cán bộ, đảng viên còn băn khoăn, lo ngại, nhưng với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", Đảng ủy, Ban Thường vụ, Ban Giám hiệu Nhà trường và các cấp ủy đảng, đơn vị, đoàn thể trong toàn Trường đã khai thông thông tin, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện. Nhà trường đã thành lập 6 viện trên cơ sở chia tách, sáp nhập 11 khoa. Nhờ vậy, đã tập hợp được đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn cùng khối ngành để tăng cường giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu, tăng tính liên thông trong học thuật và sử dụng chung trang thiết bị, cơ sở vật chất. Nhà trường cũng đã thành lập Trường Thực hành Sư phạm, Trung tâm Nghiên cứu và Khởi nghiệp sáng tạo, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm… Hiện nay, Nhà trường có 13 viện và khoa đào tạo, 24 phòng ban, trung tâm, trạm, hai văn phòng đại diện (giảm 10 đơn vị so với năm 2013). Toàn Trường có 62 bộ môn (giảm 27 bộ môn so với năm 2013).

Sinh thời Bác Hồ đã căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", "Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Trong bất kì hoàn cảnh nào, Trường luôn thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng và đánh giá cán bộ, viên chức. Với phương châm: "Nuôi dưỡng say mê - Khuyến khích sáng tạo - Tôn trọng khác biệt - Thúc đẩy hợp tác", từ 17 cán bộ giảng dạy và một số cán bộ hành chính đầu tiên, đến nay Trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu với 1.045 cán bộ  với tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ đạt 46,5%, cao hơn mức bình quân chung của các cơ sở giáo dục đại học trong nước). Cán bộ, giảng viên của Nhà trường có bản lĩnh, trí tuệ, luôn tâm huyết, tận tụy vì người học.

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với sự tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trường Đại học Vinh đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Tập thể thầy và trò Nhà trường quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, khai thác tốt các nguồn lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra. Thời gian tới, Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục chỉ đạo đổi mới căn bản công tác tổ chức và quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các hoạt động; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Vinh giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030; rà soát cơ cấu lại các chương trình đào tạo theo hướng bám sát nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và các địa phương Bắc Trung Bộ. Đổi mới nội dung chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, gắn lý thuyết với thực tiễn, để người học luôn được tiếp cận và làm chủ tri thức mới, có các kỹ năng làm việc toàn cầu, đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; phối hợp để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng tham gia vào quá trình đào tạo; nâng cao chất lượng công tác thực hành, thí nghiệm, thực tập nghề nghiệp cho sinh viên, học viên; thực hiện tốt phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học"; tích cực triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019 để tạo sự đột phá trong tự chủ đại học; phấn đấu thực hiện tốt sứ mạng là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, luôn hướng tới sự thành đạt của người học, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, đưa Nghệ An nhanh chóng trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.

Bá Tiến - Quang Tuấn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất