Thứ Tư, 25/12/2024
Tư tưởng Hồ Chí Minh về năng lực công tác dân vận của chính trị viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong
trên đường về tiếp quản thủ đô tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19/9/1954

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta một di sản vô cùng trân quý, trong đó, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về công tác dân vận là một bộ phận quan trọng có giá trị to lớn, không chỉ là nền tảng của nhân cách chính trị Hồ Chí Minh, mà còn góp phần quan trọng làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Là người sáng lập, rèn luyện Quân đội Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt  quan tâm đến công tác dân vận trong quân đội, xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân, một trong những tư tưởng cơ bản đó là năng lực công tác dân vận của người chính trị viên. Tư tưởng đó trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình xây dựng đội ngũ chính trị viên vừa hồng, vừa chuyên của quân đội ta trong giai đoạn hiện nay.

Chính trị viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cán bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam công tác trong Quân đội nhân dân Việt Nam, làm đại biểu của Đảng bên cạnh người chỉ huy ở các đơn vị phân đội, giữ cương vị chủ trì về chính trị, có nhiệm vụ quan trọng trong giải quyết các mối quan hệ chính trị - xã hội với bộ đội, với nhân dân, với quân địch, họ không chỉ là người lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, mà còn là người anh, người chị, người bạn của đội viên.

Khi bàn về năng lực công tác dân vận của chính trị viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất cụ thể, sâu sắc chính trị viên phải có trách nhiệm “Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn như thế, thì phải đốc thúc bộ đội siêng giúp dân, hăng đánh giặc.”(1) Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thì người chính trị viên phải có năng lực công tác dân vận và năng lực đó được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể sau:

Thứ nhất, năng lực nhận thức nội dung, quy trình công tác dân vận.

Để làm công tác dân vận có hiệu quả, người chính trị viên trước hết cần phải nhận thức rõ nhiệm vụ công tác dân vận là gì, nội dung dân vận ra sao? phải thành thạo quy trình dân vận: phải có phương pháp tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu; phải dân chủ bàn bạc với dân để đặt kế hoạch rồi tổ chức thi hành; phải kiểm tra, theo dõi, động viên, khuyến khích nhân dân; khi xong phải kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng kịp thời. Nhất là, phải tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ, vì “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” và “có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”. Đồng thời, trong công tác phải luôn kiểm tra xem các chủ trương, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận được thi hành đến đâu; có ưu khuyết điểm, hạn chế gì, để từ đó có hướng giải quyết, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn.

Thứ hai, năng lực tiến hành việc điều tra, nghiên cứu nắm tình hình.

Trong quá trình tiến hành công tác dân vận, người chính trị viên cần phải có năng lực điều tra, nắm vững tình hình mọi mặt về đối tượng cần tuyên truyền, vận động. Biểu hiện của năng lực này là người chính trị viên cần phải có các biện pháp nghiệp vụ, có kế hoạch khoa học, đồng thời phải hiểu cho rõ, nghiên cứu cho kỹ, từng đối tượng dân vận cụ thể, có quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể, trong xem xét, đánh giá tình hình, địa bàn đóng quân về thành phần, lực lượng, đoàn thể...  Bởi vì, theo Người công tác dân vận của chính trị viên cần phải biết “Với dân: Nhiều hạng: nông dân, trí thức, quan lại, dân tộc thiểu số, Công giáo... phải khéo léo hô hào họ giúp mình, hoặc trung lập. Phải làm cho dân yêu, dân phục, dân tin”(2). Qua đó mới xác định rõ nội dung, kế hoạch, mục đích, phương pháp dân vận cụ thể, đúng và trúng với từng đối tượng, thực hiện có hiệu quả công tác dân vận ở đơn vị cơ sở.

Thứ ba, năng lực tiến hành tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ quần chúng nhân dân.

Đây là nội dung hết sức quan trọng, thể hiện năng lực thực sự của chính trị viên đối với công tác dân vận. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người chính trị viên không những phải có năng lực nhận thức về nhiệm vụ công tác dân vận, mà nó còn được biểu hiện thông qua hoạt động thực tiễn mà trực tiếp là kỹ năng tuyên truyền, giáo dục làm cho quần chúng nhân dân giác ngộ về chính trị, hiểu và làm theo những chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các chủ trương công tác của địa phương. Thấy được âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù và các loại đối tượng ở địa bàn để nâng cao cảnh giác cách mạng. Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng. Năng lực công tác dân vận của chính trị viên được thể hiện ở  rõ mục đích tuyên truyền, vận động nhân dân, phải nắm vững đối tượng tuyên truyền; nội dung tuyên truyền phải phù hợp với ý nguyện của nhân dân, thông tin tuyên truyền phải chân thực, chính xác; cách diễn đạt phải ngắn gọn, thiết thực, dễ hiểu. Người nói: “Chú ý đến cách phô diễn ý tưởng. Hết sức phổ thông. Cố vào sâu trong dân chúng. Lấy những thí dụ tầm thường trông thấy trước mặt mà nói. Tránh những từ khó hiểu ”(3). Đặc biệt, Người căn dặn: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe”(4)

Thứ tư, năng lực cảm hóa quần chúng bằng những việc làm thiết thực cụ thể

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, bộ đội ta làm công tác dân vận kết quả khá tốt, để có được kết quả đó, chính là sự gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ dân, cùng ăn, cùng ở, chia sẻ mọi công việc khó khăn với dân, không lấy cái kim sợi chỉ của dân, lấy việc thiết thực để giải quyết thắc mắc của dân, giữ vững kỷ luật khi tiếp xúc với nhân dân. Những biểu hiện đó, được Hồ Chí Minh khái quát với minh chứng: “Một cụ già nói: “Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, bây giờ tôi mới thấy có bộ đội tốt như bộ đội Cụ Hồ!”….Nắm vững chính sách, làm đúng ý nguyện của nhân dân, thì công tác dân vận nhất định thành công”(5). Như vậy, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự thống nhất giữa ý chí và hành động, giác ngộ quần chúng nhân dân có niền tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng bằng việc thực hiện tốt đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đòi hỏi, mỗi cán bộ chiến sỹ làm công tác dân vận, phải thực sự gương mẫu trong nhận thức và hành động thông qua những việc làm cụ thể trước nhân dân, lấy việc nêu gương là phương thức quan trọng quyết định đến hiệu quả công tác dân vận, muốn vậy, trước hết người chính trị viên phải thực sự mẫu mực, là điển hình về “dân vận khéo”, và đạt được mục đích cuối cùng: “Phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”(6).

 Thứ năm, năng lực lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức, hướng dẫn bộ đội thực hiện công tác dân vận trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ.

Năng lực lãnh đạo công tác dân vận thể hiện ở khả năng tổ chức đơn vị quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết cấp trên về công tác dân vận vào quá trình nắm bắt tình hình, xác định mục tiêu, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo của chi bộ, đảng ủy bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ công tác dân vận trong mọi tình huống, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân, phát huy tinh thần dân chủ rộng khắp ở đơn vị. Đồng thời năng lực lãnh đạo công tác dân vận còn thể hiện ở khả năng phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng tham gia vào công tác dân vận, mỗi một người là một chiến sỹ dân vận khéo ở trong và ngoài đơn vị. Ngoài ra năng lực lãnh đạo công tác dân vận của chính trị viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh biểu hiện ở khả năng đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và các tổ dân vận, cấp ủy viên phụ trách dân vận thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của công tác dân vận.

Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận ở đơn vị, chính trị viên cần biểu hiện năng lực phối hợp, hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quần chúng của địa phương, khả năng xây dựng, củng cố, phát huy vai trò, chức năng các tổ chức quần chúng và khả năng đổi mới nội dung, hình thức công tác vận động quần chúng mang lại hiệu quả thiết thực; Năng lực nghiên cứu, tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với quân nhân chính sách hậu phương quân đội; Năng lực kiểm tra, đánh giá, sơ tổng kết công tác dân vận của đơn vị mình phụ trách nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận ở đơn vị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “chính trị viên còn phải dạy cho đội viên biết cách dân vận. Cái gì cũng phải nhờ dân. Không có dân thì không có bộ đội. Cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân, làm cho đội viên thành một người tuyên truyền bằng công việc thực tế. Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tuỳ hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy cán bộ phải làm gương mẫu” (7). Nghĩa là chính trị viên phải có khả năng giáo dục, huấn luyện, hướng dẫn cho bộ đội biết dân vận khéo, biết tuyên truyền và cảm hóa nhân dân bằng những việc làm hiệu quả, thiết thực để dân tin, dân làm và dân theo.

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về năng lực công tác dân vận của chính trị viên là những nội dung hết sức quan trọng, góp phần hình thành phẩm chất, năng lực toàn diện của người chính trị viên trong giai đoạn hiện nay. Nhận thức và vận dụng sáng tạo tư tưởng  Hồ Chí Minh về công tác dân vận,  năng lực công tác dân vận của chính trị viên là định hướng khoa học, quan trọng để mỗi chủ thể thực hiện tốt nhiệm vụ dân vận được giao góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn mới

Tài liệu tham khảo

(3) (4) (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 72, tr. 172, tr. 116.

(1) (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 485, tr. 264.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 219.

(5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 528.

ThS ĐẶNG VĂN KHƯƠNG, NCS, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi