Thứ Bảy, 23/11/2024
Bác Hồ với công tác dân vận ở Nghệ An

 Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các chiến sỹ lão thành cách mạng tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, ngày 9-12-1961

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 17/9/1945, Bác đã gửi “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”. Trong đó, Bác nêu nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám “Vì sao có cuộc thắng lợi đó? Một phần vì tình hình quốc tế thuận tiện cho ta. Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết... Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Vì vậy, Người khẳng định “...chúng ta cố mà theo cho đúng sách của Chính phủ, thì nhất định chúng ta vượt qua hết thảy những sự khó khăn đó”. Và Người yêu cầu: “chính sách của Chính phủ là: Củng cố sự đoàn kết toàn dân/ Sửa đổi những khuyết điểm khắp các phương diện...”. Và đặc biệt, yêu cầu của Người như lời kêu gọi cán bộ, đảng viên Nghệ An “...Chúng ta phải lấy lòng "chí công vô tư"/Chúng ta phải hiểu rõ và theo đúng chính sách của Chính phủ thì những khuyết điểm nói trên sẽ dễ sửa đổi và sự toàn dân đoàn kết sẽ càng vững vàng[1]. Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem đến nguồn sinh lực mới cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, tạo thuận lợi cho việc đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ và chính quyền.

Đến những năm 1950, Nghệ An là vùng tự do và nhiệm vụ là “Ra sức xây dựng lực lượng, bảo vệ hậu phương, tổng động viên sức người, sức của, cung ứng cho tiền tuyến”. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Nhân dân trong tỉnh đã tham gia vào việc xây dựng quỹ “Đỡ đầu dân quân, nuôi dưỡng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực”... Song do tư tưởng nóng vội nên có nơi, có lúc huy động sức người, sức của quá khả năng hiện có của quần chúng, ảnh hướng tới sản xuất và tích lũy lực lượng, xây dựng hậu phương,... thường dùng biện pháp hành chính, mệnh lệnh, gò ép dân đóng góp quá sức, không phân biệt giữa kẻ tư lợi, cố tình chống chính sách của Chính phủ với người không còn khả năng đóng góp để có những biện pháp xử lý thích đáng. Có nơi đã dùng hình thức biểu dương, khen thưởng không thích hợp, có khi lệch lạc, gây mặc cảm trong quần chúng. Những thiếu sót đó nhiều khi đã gây nên tình trạng gay cấn, căng thẳng ở nông thôn, ảnh hưởng không tốt đến chính sách đoàn kết kháng chiến của Đảng và Chính phủ.

Vì vậy, Bác đã viết Thư gửi Đồng bào Liên khu IV. Trong thư, Bác khen ngợi: “Từ ngày kháng chiến đến nay, đồng bào mọi nơi đã cố gắng và đang cố gắng làm tròn nhiệm vụ người công dân với Tổ quốc. Phần đông cán bộ thì tận tụy, biết gần gũi dân, đoàn kết dân, học hỏi dân, và lãnh đạo dân thi đua làm mọi công việc kháng chiến”. Tuy nhiên, Bác đã thẳng thắn chỉ rõ: “Nhưng tiếc rằng ở một vài nơi, cán bộ làm sai chỉ thị của Chính phủ và đường lối của Đoàn thể. Họ xa rời nhân dân, không hiểu biết nhân dân. Làm việc thì chỉ dùng mệnh lệnh, chứ không biết tuyên truyền cổ động, giải thích cho mọi đồng bào hiểu rõ và vui vẻ xung phong làm. Thậm chí họ dùng những cách ép uổng, cưỡng bức, bắt bớ dân”. Người nhấn mạnh:“Dù Chính phủ đã ra lệnh trừng trị những cán bộ đó, tôi phải thật thà xin lỗi những đồng bào vì những cán bộ sai lầm mà bị oan ức. Tôi thật thà tự phê bình khuyết điểm của tôi - là giáo dục và lựa chọn cán bộ chưa được chu đáo… Tôi lại xin nói với đồng bào: Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm. Khắp nơi có đoàn thể nhân dân, như Hội đồng nhân dân, Mặt trận, Công đoàn, Hội Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, v.v.. Những đoàn thể ấy là tổ chức của dân, phấn đấu cho dân, bênh vực quyền của dân, liên lạc mật thiết nhân dân với Chính phủ. Khi ai có điều gì oan ức, thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền ấy. Cũng như tất cả công dân Việt Nam đều phải hiểu rõ và làm tròn nghĩa vụ kháng chiến cứu quốc...”[2].

Ngày 31/10/1950, Liên khu ủy IV đã chỉ thị cho toàn Đảng bộ Nghệ An tiến hành đợt kiểm thảo sửa đổi công tác vận động quần chúng theo Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đợt kiểm thảo này đã “mở rộng phong trào đấu tranh, sửa chữa tư tưởng ra ngoài quần chúng..., Nhân dân phấn khởi vì được dịp cởi hết thắc mắc của mình với cán bộ”[3]. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng được củng cố ngày càng chặt chẽ mật thiết. Những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên được uốn nắn, nhất là tư tưởng chủ quan, tác phong mệnh lệnh, quan liêu, không đi sâu, đi sát quần chúng. Những gia đình bị thiệt hại do cán bộ làm sai chính sách được trả lại tài sản. Ý thức trách nhiệm của các cấp bộ đảng đối với việc bảo đảm quyền lợi của Nhân dân được nâng cao.

Ngày 14/6/1957, Nghệ An xúc động được đón Bác về thăm. Trong dịp này, Người đã gặp Khu ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đại biểu các đoàn thể, một số nhân sỹ và đặc biệt có buổi nói chuyện với hơn 3.000 đại biểu Quân, Dân, Chính, Đảng của Nghệ An và Quân khu IV cùng cán bộ, đảng viên ở thị xã Vinh. Người khen ngợi những thành tích của Nghệ An trong kháng chiến và trong hòa bình, đồng thời phê bình những khuyết điểm của đảng viên, cán bộ, quần chúng. Đặc biệt, Người dặn dò: “Trong kháng chiến, trong cách mạng, nhờ đoàn kết mà chúng ta đã thắng lợi. Trong hòa bình, chúng ta nhất định phải đoàn kết để giành lấy thắng lợi mới lớn lao hơn. Đoàn kết lương - giáo, đoàn kết Bắc Nam, đoàn kết đồng bào thiểu số và đồng bào Kinh, đoàn kết quân-dân[4]. Với những lời chỉ bảo ân cần của Bác là nguồn động viên to lớn tiếp thêm sức mạnhđể Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thi đua hoàn thành kế hoạch 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa.

Năm 1961, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vinh dự được đón Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Ngày 08/12/1961, làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An, Bác nhắc nhở: “Các cấp bộ Đảng cần phải thấy hết khả năng của địa phương, nhận rõ trách nhiệm đối với đời sống nhân dân và đối với kế hoạch công nghiệp hóa của miền Bắc nước ta để cố gắng hơn nữa phát triển kinh tế, trước hết là phát triển nông nghiệp, nhằm tự túc lương thực và cung cấp nhiều nguyên liệu cho công nghiệp”[5] Hình ảnh và những lời chỉ bảo ân cần của Người mãi mãi in sâu trong tâm trí và có sức cổ vũ, động viên, giáo dục rất lớn đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân Nghệ An.

Ngày 21/7/1969 (tức 43 ngày trước lúc qua đời), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Đảng bộ Nghệ An. Người tiếp tục khen ngợi những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đạt được. Đặc biệt, Người chỉ rõ: “Sắp tới phải làm gì?1- Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa. Trong hợp tác xã nông nghiệp, mọi việc sản xuất, phân phối, quản lý kinh tế, bầu cử các cơ quan phụ trách đều phải để cho nhân dân bàn bạc kỹ và tự mình quyết định một cách thật sự dân chủ. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc sai, làm công tác tốt hơn... Nhân dân ta rất yêu mến Đảng ta. Phải khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng như: góp ý kiến với chi bộ trong việc tuyển chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Làm được như thế, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân sẽ càng thêm mật thiết... 3- Hết sức chăm lo đời sống nhân dân: Phải ra sức phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm, lại phải phân phối cho công bằng hợp lý, từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khỏe và giải trí của nhân dân. Đặc biệt chú trọng các vùng bị chiến tranh tàn phá, các cháu mồ côi, các cụ già yếu và gia đình các liệt sỹ, thương binh, bộ đội, thanh niên xung phong. Trên miền Bắc nước ta, rất nhiều xã và hợp tác xã đã có thành tích khá về mặt này, như xã Nhân Trạch (tỉnh Quảng Bình), xã Đình Cao (tỉnh Hải Hưng). Tỉnh ủy nên phái cán bộ đến những nơi ấy học kinh nghiệm về làm cho tốt... Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc[6].

Bức thư đã trở thành tài liệu quý giá vô hạn đối với Đảng bộ và Quân, Dân toàn tỉnh. Tiếp thu những lời dặn trong thư của Bác, ngày 06/8/1069, Tỉnh ủy ra Nghị quyết: “Phát động Đảng bộ, quân dân toàn tỉnh học tập và thi đua làm theo thư Bác” với phương châm hành động và mục tiêu thiết thực…

Những năm qua, thấm nhuần tư tưởng và những lời dặn của Bác, Đảng bộ Nghệ An luôn xem công tác dân vận của Đảng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động của mình, tập trung thực hiện thường xuyên, liên tục công tác xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Công tác dân vận có những chuyển biến tích cực, hướng về cơ sở, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội, yên dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm giàu chính đáng, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, toàn tỉnh có 265 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 61,48%.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư, Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các chỉ thị, nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trong 5 năm qua Nghệ An đã xây dựng được 309 điểm sáng về công tác dân vận chính quyền và 412 điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong phong trào thi đua “dân vận khéo”, toàn tỉnh đã xây dựng được 9.162 mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Tỉnh cũng tập trung thực hiện tốt công tác dân vận vùng dân tộc thiểu số; tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là trong vùng giáo.

Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy ở Nghệ An định kỳ tổ chức giao ban với các ngành trong khối nội chính; với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; với các ban xây dựng Đảng và Văn phòng cấp ủy; với các ủy trực thuộc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị gặp mặt 1.034 cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở; gặp mặthơn 800 trưởng, phó phòng các sở, ban, ngành cấp tỉnh để thảo luận, trao đổi thông tin... Đây là những hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm, hướng về cơ sở của Tỉnh ủy. Định kỳ (ngày 05 hàng tháng), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp tiếp xúc, đối thoại với dân; chỉ đạo nhiều vụ việc phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý các kiến nghị, đề xuất, tâm tư nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Các cấp ủy thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được các cấp ủy ở Nghệ An lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu, nêu cao ý thức phục vụ, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Có thể khẳng định, bao trùm lên toàn bộ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của Người đối với quê hương là trách nhiệm với nhân dân, yêu cầu về công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác dân vận nói riêng. Đây là mối quan tâm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời và cũng là những tâm tư thiêng liêng và lớn lao nhất của Bác kể cả trong những ngày tháng Người biết mình sắp phải đi xa. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi còn nguyên giá trị đối với nhiều thế hệ cách mạng, để Đảng bộ Nghệ An không ngừng rèn luyện, phấn đấu, thực hiện hiệu quả công tác dân vận đảm bảo củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh./.

 

 Phan Thanh Đoài

Nguyễn Thị Thanh

Nguyễn Thị Hồng Giang

 



[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.18

[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.396

 [3] Trích Báo cáo Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy Nghệ An năm 1950

 [4]  “Bác Hồ với quê hương Nghệ An” Nxb Nghệ An, 1997, trang 63

[5] “Bác Hồ với quê hương Nghệ An” sđd, tr. 86-87

[6] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.594

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi