Thứ Bảy, 23/11/2024
Bác Hồ truyển lửa cách mạng cho Việt kiều Thái Lan

  Bà con Việt kiều thành kính thờ Bác Hồ

Theo dòng thời gian, với những đặc điểm nói trên, không thể vắng bóng những con người kiên định, thầm lặng một lòng tin tưởng, làm theo lời Bác. Nhân kỷ niệm 130 năm sinh nhật Người, xin ôn lại một vài câu chuyện.

NHÀ TU HÀNH YÊU NƯỚC

Chùa Hoàng Ân, thôn Quảng Bá giữ vị trí rất giản dị so với những ngôi chùa quanh Hồ Tây, Hà Nội. Mối liên hệ của ngôi chùa với Việt kiều Thái là Hòa thượng Bình Lương. Tên thật của ông là Phạm Ngọc Đạt (tức cụ Sư Ba), sinh năm 1882 tại xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hòa Thượng Bình Lương tham gia phong trào khởi nghĩa Phan Đình Phùng và năm 22 tuổi, ông cùng sư cụ Hồ Thiện lánh nạn sang Thái Lan. Với tài đức chân tu đắc đạo, Hòa thượng được các vị Vua thứ 7 và thứ 9 của Thái Lan phong sắc vào năm 1937 và 1948.

Hòa Thượng Bình Lương trụ trì chùa Từ Tế (Vắt Locanukho), tại thủ đô Bangkok-Thái Lan. Với lòng yêu nước thiết tha, Hòa thượng mưu trí tận dụng vị thế đắc địa của chùa làm nơi nuôi dưỡng và che giấu cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Theo một nhân sỹ người Thái có uy tín và hiểu biết kể lại, Hòa Thượng và chùa Từ Tế là cơ sở đầu tiên đón Bác Hồ khi Người đến Thái Lan năm 1928. Thời kỳ đó, chùa Từ Tế rất dễ tìm vì nằm sát bên tòa nhà 7 tầng duy nhất của thủ đô Bangkok và có thể nhận thấy khi đứng từ bến cảng Klong Tơi. Tài liệu khác cũng xác định rằng Bác đóng vai một Hoa kiều, mang tên Nguyễn Lai, nhập cảnh Bangkok-Thái Lan theo đường tàu biển, tháng 6/1928.

Khuôn viên chùa Hoàng Ân hiện vẫn còn tấm biển lớn ghi rằng ngày 9/3/1963, do sức khỏe giảm sút và thể theo nguyện vọng thiết tha, Hòa thượng Bình Lương đã được bố trí về nước sống những ngày cuối đời trên quê hương thân yêu và được gặp lại Bác Hồ. Hòa thượng viên tịch ngày 20/4/1966, hưởng thọ 84 tuổi. Bác Hồ gửi vòng hoa và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp đến viếng.

Khiêm tốn giữa những ngôi tháp cổ trong chùa Hoàng Ân còn có tấm bia đá ghi dấu nơi an táng Hòa thượng và những nén tâm nhang tưởng nhớ ông tiếp tục tỏa hương nơi không gian tĩnh lặng ấy.

Trở lại với Thủ đô Bangkok thời hiện đại, chùa Từ Tế nằm ở khu vực Sam Peng buôn bán sầm uất. Người viết bài này đã được tận mắt, năm 2004, đọc tấm bia đá gắn trong chùa, viết bằng 3 ngôn ngữ Việt-Thái-Trung Quốc. Nội dung của tấm bia đó khớp lại với bản viết đang ở chùa Hoàng Ân, chuyển tải nội dung súc tích về cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng Bình Lương tu đắc đạo, đồng thời thực hiện những công việc của một chiến sỹ cách mạng thực thụ.

TIẾP LỬA CÁCH MẠNG

Khu vực Đông Bắc Thái Lan là địa chỉ nương náu của rất nhiều nhân sỹ yêu nước từng tham gia các phong trào Cần Vương, Khởi nghĩa Phan Đình Phùng, và “Việt Nam Quang phục Hội” của Phan Bội Châu. Do nỗ lực chống thực dân Pháp không thành, các nhân sỹ phải tạm rời xa Tổ quốc, tìm nơi chờ thời trở về, tiếp tục công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Kiều bào Thái thời kỳ đó nhắc nhiều tới những nhân vật như Đặng Thúc Hứa, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân, Hồng Chung, Hồ Tùng Mậu, bà Đặng Quỳnh Anh và chồng là ông Võ Tòng (Sáu Tùng), Lê Mạnh Trinh, Đặng Văn Cáp...

Theo ghi nhớ của các cán bộ Việt kiều lão thành, khoảng tháng 6/1928, ông Võ Tòng đưa Bác Hồ - với tên ông Chín (Thầu Chín) - đến Đông Bắc Thái Lan. Thời gian đầu, ông Chín nghỉ tại nhà ông Võ Tòng. Hàng ngày, ông Chín dậy sớm, luyện võ và tham gia công việc lao động sản xuất như mọi Việt kiều. Buổi tối, ông Chín tổ chức “giảng diễn” về chính trị. Mọi người từng bước làm quen với những từ ngữ và khái niệm “Cộng sản chủ nghĩa”, “Tư bản chủ nghĩa”…, biết về Các Mác, Lê Nin.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nêu thêm rằng, không chỉ giác ngộ những nhân sỹ lão thành, Bác Hồ còn quan tâm giác ngộ cả thế hệ trẻ kiều bào ở Thái Lan thời bấy giờ và sử sách còn lưu danh những thanh niên Việt kiều như Lý Tự Trọng sớm cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc.

Trong khoảng thời gian hơn 1 năm (1928-1929), Bác Hồ thận trọng và kiên trì mở rộng hoạt động tuyên truyền cách mạng tới bà con Việt kiều đang sinh sống tại nhiều địa phương thuộc Đông Bắc Thái Lan như Phi Chit, U Đon, Nakhon Phanom, Sa Kol, Nong Khai, Mucdahan. Không chỉ truyền thụ kiến thức cách mạng, mà tác phong, nếp sống và đặc biệt là tài trí của Người né tránh sự truy lùng của kẻ thù trong những ngày hòa mình vào quần chúng Việt kiều Thái đã để lại những câu chuyện như huyền thoại: Bác tập gánh gạch để xây chùa, Bác mặc áo cà sa đóng giả nhà sư, Bác tự nung gạch xây nhà, Bác được một em bé giúp đóng vai người chăn trâu qua mắt mật thám…

NHỮNG NỮ CHIẾN SỸ VIỆT KIỀU

Trong phần trên của bài viết đã nhắc tới bà Đặng Quỳnh Anh (1885-1973) và chồng là ông Võ Tòng (Sáu Tùng). Bà là người làng Lương Điền, Thanh Chương, Nghệ An nhưng có bề dày 40 năm hoạt động cách mạng tại Thái Lan, nơi nào có Việt kiều bà đều tới vận động, kêu gọi ủng hộ đất nước. Gia đình bà ở Thái không chỉ được tin tưởng đón Bác Hồ, mà còn nhiều tiền bối cách mạng như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong… Cách đây ít năm, nhà văn Sơn Tùng chắp bút cuốn sách “Con người và Con đường” đã thuật lại cuộc đời chiến đấu không mệt mỏi của bà.

Năm 1945, bà Quỳnh Anh được tổ chức Đảng bố trí trở về Việt Nam. Dù tuổi cao, bà kiên trì tham gia đóng góp cho cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, bà trông nom các cháu tại trại trẻ của Hội Liên hiệp phụ nữ ở Khe Khau-Bắc Cạn. Sau năm 1954, trở về Hà Nội, bà nhận nhiệm vụ thành lập “Vườn trẻ trung ương” để nuôi dưỡng con em cán bộ cách mạng. Thời gian này, do hoàn cảnh công tác, bà sống một mình, ông Võ Tòng đã đi bước nữa. Vì vậy, theo lời nhà văn Sơn Tùng, cho đến cuối đời, bà cứ trăn trở mãi về người con trai là Võ Thung còn ở Thái Lan.

Cùng quê Nghệ An, có bà Lý Phương Thuận, tên thật là Nguyễn Thị Tích, sinh năm 1916 tại Hưng Tân, Hưng Nguyên. Xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ mất sớm; năm 1924, bà được đưa sang Thái Lan học tập một thời gian với tên Hoàng Lệ Minh. Tiếp đến, bà được Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chọn sang Quảng Châu - Trung Quốc để bồi dưỡng cùng với 7 thanh thiếu niên khác. Khi đó, Bác Hồ đang sử dụng tên Lý Thụy nên cả 8 người được cải danh thành gia tộc họ Lý để hợp thức hóa danh nghĩa vào trường Trung Sơn Tiểu học, gồm: Lý Tự Trọng, Lý Phương Thuận, Lý Thúc Chắt, Lý Phương Đức, Lý Nam Thanh, Lý Văn Minh, Lý Anh Tợ và Lý Trí Thông. Năm 1926, với tầm nhìn cách mạng chiến lược, Bác Hồ còn đặt vấn đề đưa nhóm thanh niên này sang Liên Xô đào tạo nhưng không thành do sự tráo trở của Quốc dân đảng.

Năm 1931, Lý Phương Thuận được bố trí sang Hong Kong với tên mới là Lý Sâm. Nhiệm vụ lúc này của Lý Sâm là giúp việc cho các đồng chí Tống Văn Sơ (Bác Hồ), Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy ít tuổi, Lý Sâm biết sử dụng các ngoại ngữ Thái, Hoa, Anh.

Trong vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Lý Sâm cũng bị bắt ngay từ đầu, nhưng vì không đủ chứng cứ và vóc người nhỏ bé, nhanh trí khai rút tuổi nên bà thoát cảnh lao lý.

Để tránh sự truy lùng của địch, bà Lý Phương Thuận liên tục di chuyển qua nhiều địa phương ở Trung Quốc và sang cả Nhật. Tháng 8/1945, nghe tin trong nước Tổng khởi nghĩa, bà lập tức tìm đường về Hà Nội. Sau 14 năm xa cách, bà được gặp lại Bác Hồ và Bác trực tiếp giao cho đồng chí Lê Giản, phụ trách ngành công an-tình báo, bố trí công việc cho bà.

Với kinh nghiệm của cán bộ nhiều năm hoạt động bí mật trong lòng địch và khả năng sử dụng nhiều ngoại ngữ, bà Lý Phương Thuận đạt được những thành tích lớn như: phát hiện âm mưu bắt cóc Bác Hồ tháng 12/1945, kịp thời thu thập tin, góp phần để lực lượng công an phá vụ án Nhà số 7 phố Ôn Như Hầu.

Bà Lý Phương Thuận công tác trong ngành công an đến năm 1970 thì nghỉ hưu và qua đời năm 1995, hưởng thọ 80 tuổi.

Thuộc thế hệ sau bà Đặng Quỳnh Anh và bà Lý Phương Thuận, bà Hoàng Thị Lam cất tiếng chào đời ở Đông Bắc Thái Lan. Ông bà ngoại của bà tham gia Khởi nghĩa Phan Đình Phùng và sau đó buộc phải sang lánh nạn ở Nakhon Phanom. Bố đẻ bà Lam là ông Hoàng Khắc Kỳ, từng được Bác Hồ dạy bảo khi ở Thái Lan. Gia đình bà là cơ sở cách mạng của nhiều nhân sỹ cách mạng.

Năm 1949, tại Thái Lan, bà Lam được tổ chức Việt kiều yêu nước se duyên với ông Nguyễn Song Tùng, cán bộ từ trong nước sang công tác. Ngày vui thật ngắn ngủi, khi con trai đầu lòng của ông bà được 9 tháng, ông Song Tùng phải về nước trước theo nhiệm vụ cách mạng. Vừa nuôi con nhỏ, bà Lam tham gia công tác và giữ chức huyện ủy viên. Do diễn biến của tình hình trong nước, theo sự bố trí của tổ chức, năm 1957, bà và con trai bí mật về Việt Nam an toàn. Thực sự “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, sau này bà Hoàng Thị Lam được cử làm Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao và tự hào có 75 năm tuổi Đảng.

Thời gian ông Nguyễn Song Tùng lần lượt được cử giữ các trọng trách Đại sứ tại Đức, Tham tán Đại sứ quán tại Liên Xô, bà Lam đều được gặp và hát bằng tiếng Thái Lan bài “Tình Mẹ” trong dịp chào đón Bác Hồ đến thăm các nước này.

Những năm làm việc tại Việt Nam, ngoài trao đổi công việc, Bác Hồ còn trò chuyện với ông Song Tùng về kinh nghiệm luyện Thái cực quyền và Thái cực trường sinh. Khi nghỉ hưu, ông Song Tùng phát triển môn tập Thái cực trường sinh Đạo. Trung tâm UNESCO Thái cực Trường sinh Đạo do ông Song Tùng và sau này bà Lam tiếp bước phụ trách, thu hút rất đông đảo người theo tập, trong đó có không ít những cán bộ lão thành cách mạng từng sát cánh với ông bà từ ngày hoạt động cách mạng ở Thái Lan.

Gần 100 năm đã đi qua với nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử nhưng tình cảm của Việt kiều Thái với Bác Hồ không hề phai nhạt. Để lưu truyền tình cảm ấy, khu vực Đông Bắc Thái Lan có 2 khu lưu niệm Bác Hồ tại tỉnh Nakhon Phanom – một khu tại tỉnh Udon Thani và sắp có một khu tại Phi Chit./.

Nguyễn Tiến
(nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Bangkok-Thái Lan
(quehuongonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi