Thứ Năm, 26/12/2024
An Giang: Dân vận khéo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Tiếp nhận nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân đóng góp an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng khá nặng nề do dịch bệnh COVID-19, nhưng khi lòng dân đã thuận, phong trào Dân vận khéo là điểm sáng trong các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Năm 2020, toàn tỉnh có 2.116 mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới (NTM)” trên 4 lĩnh vực: phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Giai đoạn 2016-2020, các địa phương, đơn vị đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện 14.043 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng chia sẻ: “Hệ thống MTTQ các cấp đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đóng góp quỹ Vì người nghèo, an sinh xã hội trên 225 tỷ đồng để cất, sửa chữa 2.608 căn nhà Đại đoàn kết, tặng quà 277.132 lượt hộ nghèo... Tham gia hòa giải thành 2.055 vụ, góp phần giải quyết tốt các vụ việc tranh chấp trong dân, ổn định trật tự xã hội, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững”.

An Giang còn là điển hình cả nước trong việc vận động xã hội hóa, thực hiện an sinh xã hội, nhất là vận động trong đồng bào tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Ở huyện Phú Tân, ông Ngô Văn Đậu luôn ý thức được tinh thần trách nhiệm đối với quê hương đất nước. Từ năm 2015 đến nay, ông đã đóng góp hơn 4,5 tỷ đồng tham gia các phong trào xã hội - từ thiện, an sinh xã hội, hỗ trợ mua 2 xe chuyển bệnh miễn phí và trực tiếp lái xe chuyển bệnh khi không có tài xế.

Qua phong trào “Dân vận khéo”, tại các địa phương xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu, tích cực đóng góp cho xã hội; nhiều doanh nghiệp kinh doanh thành đạt chung tay cùng địa phương chăm lo cho các gia đình, hộ nghèo yếu thế. Điển hình như bà Bành Thị Kim Hương, Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở TP. Long Xuyên mỗi năm dành khoảng 2 tỷ đồng làm công tác thiện nguyện.

Hay trong trận chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã xây dựng mỗi người dân là một cột mốc biên cương góp phần bảo vệ an ninh biên giới. Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết: “Những ngày này, biên giới An Giang thực sự bước vào “cuộc chiến không giới tuyến” với “kẻ địch vô hình” là “giặc dịch”. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng An Giang đã xây dựng kế hoạch với phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức lực lượng, tạo ra những “vành đai sống”, vững vàng dựng thành “lũy thép” ngăn ngừa “mầm bệnh” thẩm lậu qua đường biên giới”; giữ vững an ninh trật tự biên giới, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm nhập trái phép, góp phần ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ngay từ cửa ngõ biên giới”.

Đánh giá cao vai trò, kết quả đạt được của công tác dân vận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Nưng cho rằng, trước bối cảnh diễn biến ngày ngày phức tạp các vấn đề trong đời sống xã hội, công tác dân vận cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đặc biệt, phải nhạy bén, khéo léo hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; chủ động nắm chắc tình hình nhân dân, tham mưu giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; nhân rộng và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”...

Những kết quả đó chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh trong tình hình mới, là những giá trị bền vững của công tác dân vận. Từ đó, đòi hỏi phải đổi mới công tác dân vận thiết thực, sáng tạo, vừa bao phủ rộng khắp, vừa trọng tâm, trọng điểm, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân, phát huy sức mạnh to lớn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

(baoangiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi