Thứ Bảy, 23/11/2024
Lan tỏa phong trào học tập và làm theo gương Bác ở xã Khánh Bình

Từ xã Khánh Bình, chạy xe về các ấp Rạch Cui, qua Rạch Bào đến Ấp 1/5, một vùng quê thanh bình hiện ra trong mắt, “dắt” tâm trí tôi tìm về ký ức tuổi thơ. Ðó là những đồng ruộng, vườn rau xanh rờn; chỉ khác một điều là những chiếc cầu tre, cầu cây được thay bằng cầu bê-tông chắc chắn bắc qua các con kênh. Những ngôi nhà lá, nhà tranh cũ được thay bằng nhà mới khang trang theo phong cách hiện đại, làm bức tranh làng quê khởi sắc.


 Chị Phạm Thị Tú, hội viên Chi hội Phụ nữ Ấp 1/5 (bìa phải) rất mừng vì nhờ sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau
trong chi hội và giúp sức từ mạnh thường quân mà gia đình chị có điều kiện vươn lên thoát nghèo

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 1/5 Trần Mỹ Linh khoe: Nhờ trồng lúa theo phương pháp mới, kết hợp trồng hoa màu, cây ăn trái, cá nước ngọt mà Khánh Bình giờ hộ khá, giàu nhiều lắm. Ðiển hình như ở Ấp 1/5, trước đây trên 30 hộ nghèo, nay chỉ còn 4 hộ. Sắp tới, chi bộ cùng các đoàn thể ấp, sự trợ lực từ Ðảng uỷ xã phấn đấu mỗi năm giúp 2 hộ thoát nghèo thì không lâu nữa ấp sẽ xoá trắng hộ nghèo. Ðây cũng là một trong những mô hình học tập Bác hiệu quả mà chi bộ, đoàn thể ấp đã và đang quyết tâm thực hiện.

Chị Phạm Thị Tú, hội viên Chi hội Phụ nữ Ấp 1/5, nhớ lại: "Năm 2014 trở về trước, do không đất sản xuất, thu nhập bấp bênh, nhà tôi thuộc diện nghèo nhất xóm này. Thấy hoàn cảnh quá khổ, các chị phụ nữ vận động mạnh thường quân hỗ trợ gia đình ngôi nhà, đồng thời thường xuyên gửi quần áo, tập, sách giáo khoa cho các con tôi đi học; phụ nữ xã thì ưu tiên giúp gia đình tiếp cận các mô hình, dự án như hỗ trợ vốn, heo giống…". Từ 2 con heo giống hỗ trợ, gia đình gầy thêm, duy trì hiệu quả mô hình nuôi heo thương phẩm và heo sinh sản đến nay. Bên cạnh đó còn giúp lại hội viên có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. "Tôi tình nguyện làm đơn thoát nghèo năm 2014 và hiện nay có nguồn thu nhập tương đối ổn định, từ 70-80 triệu đồng/năm nhờ nuôi heo, kết hợp chăn nuôi gia cầm, trồng hoa màu”, chị Phạm Thị Tú cho biết thêm.

Từ phong trào học tập và làm theo gương Bác, nhiều ban, ngành, đoàn thể các ấp xây dựng mô hình gắn với nội dung học tập. Ðiển hình như mô hình chống rác thải nhựa của Chi hội Phụ nữ Ấp 1/5 với 30 thành viên tham gia, mỗi tháng sinh hoạt 1 lần và mang theo vỏ chai nhựa, lon nước ngọt… đến tập trung gây quỹ. Số tiền thu được đóng góp hội phí và các nguồn vận động, số còn lại cho các thành viên khó khăn mượn không tính lãi. Ðến nay, tổ đã giúp được 19 lượt chị, tổng số vốn trên 12 triệu đồng; ngoài ra còn tạo điều kiện giúp 1 hội viên có công việc ổn định.

Hay mô hình trồng cây xanh làm hàng rào, trồng hoa của bà con ấp Chống Mỹ trên tuyến đường 1,5 m, chiều dài 1,8 km tạo cảnh quan đẹp, góp phần hưởng ứng phong trào xây dựng NTM. Mô hình trồng dừa kết hợp vú sữa của ông Võ Hiền Năng (Ấp 4) duy trì hiệu quả từ năm 2015 đến nay, mang về thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng bờ liếp trồng đan xen các loại như bưởi, măng tre, gừng, bông súng dưới mương vườn, mỗi năm thu về trên 15 triệu đồng.

“Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về hành động, ý chí tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn xã Khánh Bình nói riêng, tỉnh nhà nói chung”, Phó bí thư Ðảng uỷ xã Khánh Bình Phạm Trọng Sĩ cho biết thêm./.

(baocamau.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất