Thứ Bảy, 23/11/2024
Hội thảo "Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài học và liên hệ bản thân"
 
 Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có sự tham dự cùng các đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học; đại diện Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; cán bộ nhân viên và học sinh một số cơ quan và trường học tại Hà Nội... 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: "Tự học là điều cần thiết trong quá trình tiếp nhận tri thức, đó là hoạt động có mục đích của con người. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên trí tuệ của Người.

Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Bác, Trung ương HKHVN tổ chức hội thảo với chủ đề: “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài học và liên hệ bản thân” để mỗi người từ bài học của Bác, soi chiếu vào bản thân, rút ra những “điểm nóng” cần giải quyết cho chính bản thân mình về Học và Tự học, xứng đáng là người làm khuyến học đang tự tin bước trên con đường mình đang đi. Trên con đường ấy, mình đã đi vững chưa, liệu có bị làn gió công nghệ số đẩy ngã? Ngã rồi, có đứng dậy được không? Bằng cách nào? Hãy học Bác – tự học sẽ giúp chúng ta vì học không bao giờ là muộn. Tự học và học suốt đời như Bác đã học để tạo nên Hồ Chí Minh vĩ đại – Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam”.

Vì “lấy tự học làm nòng cốt”, Bác đã không quản khó khăn gian khổ, tự mình rèn luyện để có được kho tàng tri thức ở tất cả các lĩnh vực. Bác đã vừa học tập, vừa hoạt động cách mạng nhằm hoàn thiện tri thức và nhân cách bản thân. Từ tấm gường sáng của Bác, mỗi chúng ta hãy soi sáng bản thân để tìm ra đáp án tốt nhất cho việc bồi đắp trí tuệ và hoàn thiện nhân cách cho mình, đồng thời giúp cho mọi người cùng làm theo tấm gương tự học của Bác.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam hy vọng qua cuộc hội thảo, mỗi người cần thấm nhuần và tu sửa tinh thần “Tự học” của bản thân để hoàn thiện mình và là tấm gương cho con cháu, bạn bè noi theo, góp phần vào việc xây dựng thành công xã hội học tập ở Việt Nam.

Hội thảo đã thu hút 21 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý và những cán bộ, nhân viên, các em học sinh. Các bài tham luận và các các ý kiến trao đổi của đại biểu tại hội thảo đều thống nhất cho rằng, toàn tâm, toàn ý tự học để phục vụ nhân dân. Đó là động cơ học tập và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi nhắm mắt xuôi tay, Bác Hồ ngày nào cũng học, học để phục vụ đất nước, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Từ đó lấy cách thức tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ các khía cạnh của sự tự học, trên cơ sở đó liên hệ bản thân về sự tự học của mình. Đặc biệt cần tích lũy tri thức, tu dưỡng đạo đức vì đây chính là mục đích cao cả của tự học.


 GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Doan khẳng định: với những tham luận gửi về Ban Tổ chức Hội thảo và những ý kiến phát biểu trực tiếp, Hội thảo khoa học “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học và liên hệ bản thân” đã cơ bản đạt được mục tiêu và yêu cầu đề ra. Đó là, 

Thứ nhất, xây dựng xã hội học tập là thực hiện một xã hội mà trong đó mọi người dân đều phải học tập suốt đời. Tự học tập, tự tu dưỡng là yếu tố cơ bản để việc học tập suốt đời đạt chất lượng cao, bền vững, liên tục.

Thứ hai, theo Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 8/9/2020 và Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ năm 2021, toàn Đảng, toàn dân sẽ bắt tay xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, trong đó yếu tố cốt lõi cho sự thành công là xây dựng mô hình “Công dân học tập”, tức là những công dân có các năng lực cốt lõi để sống, học tập và làm việc trong môi trường số theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Năng lực cốt lõi hàng đầu mà nhiều quốc gia định hướng, trong đó có Việt Nam, chính là năng lực tự học.

Thứ ba, qua trao đổi, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm, Hội thảo thống nhất cách hiểu khái niệm “tự học”. Cùng với hiểu đúng “tự học” là gì, mỗi người phải nhận thức rõ: làm gì để có thể tự học trong điều kiện và hoàn cảnh sống cụ thể hàng ngày.

Thứ tư, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ coi Hội thảo này như một điểm xuất phát để tiến tới một Hội thảo quốc gia về vấn đề tự học, về xây dựng năng lực tự học cho học sinh, sinh viên và người lớn./.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Các tin khác