Thứ Bảy, 23/11/2024
Nông dân An Giang học tập Bác

Thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn An Giang đã lan tỏa mạnh đến nông dân. Hàng năm, nông dân SXKD giỏi các cấp trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ bình quân trên 231.580 hộ nghèo, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm với tổng số quy ra tiền trên 54,33 tỷ đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 258.000 lao động, trong đó có trên 86.000 lao động có việc làm thường xuyên, hơn 172.000 lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc theo khâu công việc.


 Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới


Nông dân SXKD giỏi các cấp đã giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 300.000 lượt hộ nông dân; hỗ trợ hơn 3.000 hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm ăn khá giả. Đồng thời, đóng góp xây dựng hàng ngàn căn nhà Tình thương, nhà Tình nghĩa, giúp hàng chục ngàn hộ nghèo ổn định cuộc sống. Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Mạnh Em (TP. Long Xuyên), với dịch vụ nông nghiệp, mỗi năm thu nhập bình quân hơn 2,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 45 lao động.

Hay nông dân Nguyễn Văn Rôn (huyện An Phú) tìm tòi và mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ nông dân trồng đậu phộng đơn thuần đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị để sản xuất dầu cung cấp thị trường, đồng thời là đơn vị thu mua đậu phộng, tạo việc làm cho 15 lao động; mỗi năm đóng góp tiền xây cầu, làm đường tại địa phương hơn 300 triệu đồng.

Nông dân trên địa bàn An Giang còn phát huy tinh thần đoàn kết, “Tương thân tương ái”, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu, xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn, tích cực xây dựng nông thôn mới. Nhiều nông dân vừa SXKD giỏi, vừa đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trở thành hạt nhân đoàn kết và nhân tố hòa giải trong cộng đồng cư dân.

Điển hình như nông dân Đinh Thành Nam (huyện Chợ Mới), nhờ sản xuất lúa “Cánh đồng lớn”, tổng doanh gần 9,25 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động. Ông đã hiến 4.000m2 đất làm nghĩa trang nhân dân, đóng góp 450 triệu đồng vào Quỹ Phòng chống COVID-19 tỉnh.

Với nông dân Trịnh Hồng Long Đỉnh (TX. Tân Châu), ngoài việc cùng gia đình phấn đầu làm ăn, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế gia đình, ông còn giúp đỡ và trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất với bà con nông dân, giúp họ tự vươn lên trong cuộc sống.

Ông Đỉnh tích cực học Bác bằng nhiều việc làm thiết thực, như: Tham gia đóng góp an sinh xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh cơ nhỡ, vận động tiền, hiện vật cho các hoạt động xã hội - từ thiện. Ông Đỉnh còn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con học tập Bác, ra sức thi đua lao động - sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước.

Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã tự nguyện hiến đất và tích cực đóng góp tài sản, công sức để xây dựng các công trình phúc lợi, như: Trường học, trạm y tế, cầu, cống, đường giao thông nông thôn...

Điển hình như nông dân Trương Văn Cọp (huyện Thoại Sơn), với tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, hàng ngày, ngoài chăm sóc ruộng lúa, ông dành hết thời gian cho việc đi mua cây, đốn cây, cắt cột, xẻ kèo, cùng các nhà hảo tâm và UBMTTQ địa phương hỗ trợ cất nhà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Mỗi khi có mưa giông, lốc xoáy quét qua, ông Cọp đều tự bỏ tiền và hỗ trợ ngày công lao động sửa lại nhà cho bà con bị thiên tai. Ông còn vận động người thân, các nhà hảo tâm góp gạo để ủng hộ Quỹ Cây mùa xuân, mua nhiên liệu xe chuyển bệnh, chăm lo cho hộ nghèo và hỗ trợ bà con lúc đau yếu, từ trần.

Với nông dân Mai Văn Chon (huyện Châu Phú), việc học Bác chỉ đơn giản bằng những việc làm cụ thể, bình dị hàng ngày, góp phần lan tỏa tấm lòng thiện nguyện vì cộng đồng. Khởi nghiệp với 5 công đất của gia đình, nhờ không ngừng học hỏi, sáng tạo, chí thú làm ăn, đến nay đã tích lũy được khoảng 5ha đất trồng lúa và vườn cây ăn trái. Là một nông dân SXKD giỏi nhiều năm liền, ông Chon luôn có tấm lòng sẻ chia với những người kém may mắn hơn mình.

Thời gian qua, ông Chon đã tâm huyết, hết mình với công tác từ thiện, nhân đạo bằng những việc làm thiết thực. Từ năm 2016 - 2021, ông đã vận động người dân cùng chung tay đổ đá chống lầy 2 bờ kênh với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng; xây cầu, làm đường nông thôn phục vụ người dân ở địa phương. Ngoài ra, ông còn đóng góp và vận động cất nhà Tình thương, làm mái che sân trường cho học sinh có chỗ thoáng mát để vui chơi, sinh hoạt ngoài trời…

Bằng những việc làm cụ thể, bình dị và thiết thực, An Giang có rất nhiều tấm gương nông dân điển hình, lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống, lao động, sản xuất, góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước

(baoangiang.com.vn)

Gửi cho bạn bè