Thứ Hai, 27/1/2025
Lan tỏa việc học tập và làm theo Bác tại xã Ðưng K'Nớ

 Bí thư Đoàn xã Đưng K’Nớ báo cáo phương pháp thực hiện Chỉ thị 05
trong đội ngũ thanh niên thời gian tới đến lãnh đạo xã
 
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05, Đảng ủy xã Đưng K’Nớ đã gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Theo đó, Đảng ủy xã đã tổ chức quán triệt và học tập cho 136 lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; 100% đảng viên viết bản cam kết thực hiện. Ngoài ra, công tác triển khai thực hiện Hướng dẫn số 07-HD/TGHU của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lạc Dương và việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề về Chỉ thị 05 cũng được thực hiện đồng loạt tại 4/4 thôn của xã. 

Đồng chí Phi Srỗn HaNràng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ cho biết: “Khi mới triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, đa phần cán bộ và đảng viên đều hiểu và nắm rõ nhưng để nó đi vào cuộc sống của người dân thì cần phải có phương pháp thực hiện hiệu quả. Nếu công tác tuyên truyền và giáo dục về Chỉ thị 05 cho cán bộ, đảng viên được phổ biến bằng các đợt học tập và tìm hiểu tài liệu liên quan thì đối với người dân phải thực hiện bằng phương pháp truyền miệng, bắt tay chỉ việc”.

Đưng K’Nớ là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, đời sống của bà con đa phần dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí còn chưa cao và chưa đồng đều. Hiện, cả xã có 4 thôn, 494 hộ, 2.171 nhân khẩu, 6 dân tộc anh em sinh sống.

Để Chỉ thị 05 được thực hiện sâu, rộng trong nhân dân, Đảng ủy, cán bộ, đảng viên đã kiên quyết thực hiện bằng cách “nêu gương”, công việc nào cũng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05. Theo đó, cán bộ, đảng viên phải thực hiện việc nêu gương trong công việc và cuộc sống. Trong đó, đối với công việc phải tận tụy, tận tâm, làm tốt công tác chuyên môn của mình theo đúng chức trách và nhiệm vụ được giao; trong cuộc sống phải thật sự gần gũi với nhân dân, thể hiện một lối sống văn hóa, văn minh. Và, một điều rõ ràng nhất chính là việc các cán bộ đảng viên luôn tuân thủ thời gian, không có chuyện đi muộn, về sớm, trễ giờ, trễ hẹn với người dân.

Đồng chí Phi Srỗn HaNràng phân tích: “Cán bộ, đảng viên mà đi muộn, về sớm, trễ giờ, trễ hẹn thì người dân đến để liên hệ giải quyết công việc phải mất thời gian chờ đợi, vả lại nếu người dân làm việc theo lối tiêu cực về thời gian như vậy thì việc nương rẫy, đồng áng sẽ không hiệu quả. Khi đó, cán bộ và đảng viên sẽ nói với người dân địa phương rằng đúng giờ, đúng việc, tiết kiệm thời gian chính là một trong những việc thực hiện tốt Chỉ thị 05”.

Đối với việc thực hiện Chỉ thị 05 qua công việc, mọi người dân phải tự ý thức được rằng, việc phát triển kinh tế là yếu tố rất quan trọng để xây dựng quê hương, đất nước. Chính vì vậy, học tập ở Bác chính là học tập lề lối làm việc, cách tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc… Công việc nào cũng có thể gắn với Chỉ thị 05 để thực hiện. Một ví dụ đơn giản là bà con lên nương đi sớm về muộn, vào vụ mùa thì huy động mọi nhân công trong gia đình để làm việc, xây dựng một khối đoàn kết giữa các dân tộc anh em, thực hiện một lối sống hòa thuận, đồng cam cộng khổ. Ông Cill Múp Ha Phăng (Thôn 1, xã Đưng K’Nớ) tâm sự: “Khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về việc thực hiện Chỉ thị 05, ban đầu tôi và gia đình không hiểu lắm, cứ nghĩ là một điều gì đó xa xôi, khó thực hiện. Nhưng, qua thời gian, tôi nhận thấy rằng việc học tập và làm theo Bác là từ những việc xem như rất nhỏ mà ý nghĩa và hiệu quả thì lớn lắm”.

Đặc biệt hơn, để Chỉ thị 05 lan tỏa với đối tượng thanh niên, một lực lượng đông đảo và là lao động chính của địa phương, Đảng ủy xã Đưng K’Nớ đã trực tiếp chỉ đạo Đoàn Thanh niên xây dựng kế hoạch và nhanh chóng triển khai, áp dụng rộng rãi. Theo, anh Bon Niêng Ha Win - Bí thư Đoàn xã Đưng K’Nớ, hiện nay địa phương có 226 đoàn viên, thanh niên, đây là lực lượng nòng cốt trong mọi phong trào và hoạt động. Trước đây, một số thanh niên chưa thực sự có ý thức trong cuộc sống, thường tụ tập rượu chè gây mất trật tự an toàn xã hội, tình làng nghĩa xóm, lười lao động. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, trong những cuộc họp Đoàn Thanh niên xã đã có những biện pháp giáo dục căn cứ vào Chỉ thị 05, qua đó đã nâng cao ý thức của thanh niên trong mọi công việc, cuộc sống.

Có thể nói, với những cách làm sáng tạo trên, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đưng K’Nớ đã có sức lan tỏa sâu, rộng trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và hành động của các tầng lớp nhân dân tại địa phương./.

Nguồn: baolamdong.vn, ngày 5/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác