Thứ Bảy, 23/11/2024
Về những giá trị bền vững của tác phẩm "Dân vận"

1. Một bài báo nhỏ chứa đựng tư tưởng lớn và có giá trị lâu bền

Trong các bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta quen gọi là tác phẩm, “Dân vận” là một bài báo nhỏ, dung lượng ít, câu văn ngắn, lời lẽ giản dị, mộc mạc mà chứa đựng tư tưởng lớn, có tầm nhìn chiến lược, thể hiện nổi bật chủ kiến đổi mới của Người về công tác dân vận. Trong bài báo nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, rất lớn này, ta cảm nhận được từ Người một lý luận cô đúc, sâu xa về Dân chủ, một quan niệm mới mẻ, độc đáo, có tính đột phá về Dân vận, một chỉ dẫn thiết thực về công tác dân vận.

Từ tinh thần đến lời văn, câu chữ trong bài báo nổi tiếng này đều toát lên phương pháp khoa học, phong cách hành động thiết thực của Người - nhà tư tưởng mác xít sáng tạo, nhà biện chứng thực hành kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm “Dân vận” ra đời cách đây đã 65 năm, vậy mà cho đến ngày nay cũng như mãi mãi về sau, những vấn đề Người nêu lên từ hồi đó vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi, vẫn luôn mới mẻ và hiện đại về giá trị tư tưởng, về đạo đức và văn hóa đối với công tác dân vận, đối với cán bộ phụ trách dân vận của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể.

Điều cốt yếu lý luận đặt cơ sở khoa học cho công tác Dân vận, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền là Dân chủ. Thực hành dân chủ trong Đảng, trong dân và trong cộng đồng xã hội càng đầy đủ, rộng rãi, thường xuyên và thực chất bao nhiêu thì càng đảm bảo bấy nhiêu cho chất lượng và hiệu quả của công tác dân vận.

Có một mối liên hệ mật thiết cả lô-gích (lý luận) và lịch sử (thực tiễn) giữa dân chủ và dân vận. Nhân vật trung tâm, nổi bật ở đây là Dân - từ mỗi một người dân đến đông đảo nhân dân và dân tộc trong tư cách chủ thể của hoạt động sáng tạo ra lịch sử. Dân chủ trong bản chất của nó đã hàm chứa sự khẳng định vị thế, vai trò của dân, sự đảm bảo thực chất quyền lực và lợi ích của dân, năng lực hành động của nhân dân quyết định và thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội. Ý thức sâu sắc điều ấy đồng thời nỗ lực thực hành dân chủ, xác định thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn nên Người đã trình bày trước hết vấn đề Dân chủ. Đó vừa là điểm tựa, là điều kiện tiên quyết, vừa là động lực mà cũng là mục đích của dân vận và công tác dân vận.

Chỉ trong đoạn mở đầu với mấy mệnh đề ngắn gọn, rõ ràng mang tính khẳng định về quyền lực và sức mạnh của nhân dân, Hồ Chí Minh đã làm sáng tỏ bản chất của Dân chủ. Vấn đề lý luận phức tạp nhất về Dân chủ được Hồ Chí Minh trình bày giản dị nhất, thấm nhuần triết lý về dân, lại có cả những trải nghiệm và tổng kết mang tinh thần minh triết của Người.

Có thể nói, tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh được thể hiện tập trung, trực tiếp và điển hình nhất ở tác phẩm này. Thần thái, sức sống và hiệu ứng xã hội của dân vận và công tác dân vận chính là dân chủ.

Đó là điều cần nhấn mạnh về tư tưởng lớn trong một bài báo nhỏ của Hồ Chí Minh.

2. Khoa học và nghệ thuật của Dân vận và công tác Dân vận

Ngày nay, khi vận dụng tư tưởng của Người vào công tác dân vận, chúng ta thường nhấn mạnh tới yêu cầu dân vận phải đúng lại phải khéo. Yêu cầu ấy có trong chỉ dẫn của Người về nguyên tắc, phương châm và phương pháp trong quan hệ, trong ứng xử với dân, với quần chúng đồng bào mình.

Nếu diễn đạt dưới hình thức lý luận thì có thể nói, công tác dân vận vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Chung đúc lại, năng lực và trình độ dân vận là một năng lực văn hóa, là sự tinh tế trong ứng xử văn hóa với dân, phải hiểu dân để tin dân, phải đồng cảm để thấu cảm đời sống của dân, tâm trạng, ý nghĩ, nguyện vọng của dân để đáp lại bằng hành động vì dân. Nhờ đó mà dân vận mới có sức cảm hóa, lôi cuốn, thuyết phục và thúc đẩy dân chúng; từ dân chúng tạo thành lực lượng, nuôi dưỡng phong trào, kích thích sáng kiến và sáng tạo không ngừng nảy nở của quần chúng nhân dân để tạo thành sức mạnh đoàn kết và đồng thuận nơi dân. Đó là sức mạnh để thực hành các công việc thực tế, chăm lo lợi ích thiết thân hàng ngày của người dân, phát huy quyền làm chủ của dân, phát triển mọi khả năng của dân, không bỏ sót, không phí phạm một khả năng nào, dù nhỏ nhất. Hồ Chí Minh đối xử với người, với việc luôn nhất quán với tinh thần ấy, phương pháp ấy, nó kết tinh sâu sắc quan điểm nhân dân và nhân văn Hồ Chí Minh trong thực hành dân vận.

Quan điểm nhân dân để thân dân và vì dân, làm điều lợi cho dân, khó mấy cũng phải làm cho bằng được, tránh điều hại tới dân dù chỉ một cái hại nhỏ, một sai sót nhỏ. Giá trị nhân văn hàm chứa giá trị cốt lõi là đạo đức. Đó là đạo làm người của người cách mạng, rọi một ánh sáng mới tích cực và hiện đại, đủ sức nâng thân dân tới dân chủ, tôn vinh dân ở địa vị cao nhất, là người chủ để trọng dân và trọng pháp, biến nghĩa vụ và trách nhiệm phục vụ dân, làm công bộc tận tụy và đầy tớ trung thành của dân thành một nhu cầu văn hóa ở đời và làm người. Do đó, ở trong dân chứ không đứng trên dân, gắn bó máu thịt với dân chứ không xa dân, càng không thể lạnh lùng vô cảm trước mỗi cảnh đời, mỗi số phận của dân.

Nói theo ngôn ngữ của chính trị học hiện đại, tác phẩm “Dân vận” của Hồ Chí Minh thực sự là một thông điệp mà Hồ Chí Minh gửi tới tất cả chúng ta, cho ta hiểu “Nước ta là nước dân chủ”, “Dân vận là gì?”, “Ai phụ trách dân vận” và điều quan trọng, thiết thực nhất “Dân vận phải thế nào?”. Người hỏi và Người trả lời, đem lại cho ta cái cẩm nang để hành động. Bởi thế, bài báo Dân vận đã từ lâu trở thành tài liệu gối đầu giường của cán bộ dân vận chúng ta. Cả bốn mục ấy đã hội đủ những giá trị bền vững mà chúng ta phải dày công suy nghĩ để hiểu cho đúng rồi làm cho tốt theo chỉ dẫn của Người.

Khẳng định “Nước ta là nước dân chủ”, Người đã xác định bản chất của chính thể nằm gọn ở từ “Dân chủ”. Bản chất ấy thể hiện ở đâu? Ở chỗ, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Như đã nói, trong dân chủ thì dân là chủ và chủ thể. Lợi ích, quyền hạn, quyền hành và lực lượng đều là của dân, thuộc về dân, vì dân, do dân, đều ở nơi dân. Dân chủ với tư cách là quyền lực của nhân dân muốn thể hiện ra và thực hiện được đều tất yếu phải đi qua thể chế Nhà nước mà trong nhà nước pháp quyền thì luật pháp là tối thượng. Chính quyền nhà nước các cấp từ Trung ương tới cơ sở (làng xã) do chính nhân dân tạo dựng, cử ra, có nghĩa là dân đóng vai trò chủ thể gốc của quyền lực, đó là chủ thể ủy quyền, trao quyền cho Nhà nước của mình. Nhờ đó, Nhà nước là chủ thể đại diện của dân, do tiếp nhận sự ủy quyền của dân mà Nhà nước có quyền. Quyền ấy không tự có, tự đến mà do dân trao gửi, Nhà nước phải dùng quyền của dân để phục vụ dân. Nếu không vì dân khi thực thi quyền lực thì Nhà nước không còn là của dân nữa, do xa lạ với dân, đó là dấu hiệu và bằng chứng của tha hóa quyền lực. Lợi ích là huyệt nhạy cảm nhất trên cơ thể xã hội và Nhà nước. Lợi ích là sinh khí của dân chủ cũng như quyền hạn, quyền hành của dân phải là thực quyền, cho nên dân chủ thực chất đòi hỏi dân phải hành động để tổ chức ra Nhà nước, đồng thời giám sát, kiểm tra Nhà nước, đó là trách nhiệm của dân mà Người giải thích rằng, dân đã có quyền làm chủ thì dân cũng phải thi hành bổn phận, nghĩa vụ của người chủ.

Dân chủ chính trị cùng với dân chủ kinh tế trở thành hai trụ cột của dân chủ, của chế độ chính trị, của chính thể Nhà nước. Bàn tới dân chủ và Nhà nước, Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới “của dân”, đặt nó lên hàng đầu, tới “vì dân”, đó là mục đích và “do dân”, đó là phương thức để Nhà nước hoạt động và hành động. Vậy là, lý luận dân chủ của Hồ Chí Minh gắn liền với trật tự lô gích của Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Nhà nước ấy là nhà nước pháp quyền mà nhân dân đóng vai trò chủ sở hữu Nhà nước, như người chủ sở hữu tài sản của mình. Nhà nước pháp quyền là tài sản chính trị nằm trong tay nhân dân, họ vừa là người chủ vừa làm chủ bằng dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp cùng với tự quản trong cộng đồng xã hội ở cơ sở, nhất là ở cơ sở nông thôn làng xã.

Ý nghĩa sâu xa toát lên từ luận điểm nêu trên của Người là ở chỗ, Đảng (Đoàn thể) cũng ở trong xã hội, ở trong dân, chỉ vì dân mà tồn tại, mà hoạt động, mà tranh đấu cho lợi quyền của dân. Đảng không thể ở bên ngoài xã hội, không thể đứng trên dân, không thể xa dân. Sức dân, lực lượng đoàn kết của dân là cơ sở xã hội bền chặt nhất của Đảng, quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân làm cho Đảng bền vững. Đảng cũng do dân tổ chức nên là vì vậy. Và có thuận lòng dân, hợp ý dân thì Đảng mới có uy tín trong dân, mới được dân ủng hộ. Có thuận lòng dân thì dân vận mới vào được lòng dân, thành niềm tin và hành động của dân, làm cho trách nhiệm của dân, công việc của dân trong xây dựng đất nước, kiến thiết kinh tế và văn hóa đem lại kết quả để dân thụ hưởng.

Người nhấn mạnh phương tiện và phương pháp dân vận, xen kẽ điều kiện cần và đủ. Đây là gợi mở của Người về cách làm Dân vận. Để đạt mục đích vì dân, dân vận phải công phu trong giáo dục, vận động, tuyên truyền làm cho dân giác ngộ. Người cũng nêu rõ yêu cầu dân chủ trong dân vận... bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức cho toàn dân thi hành. Người còn đề cập tới sự cần thiết phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc và khuyến khích dân; khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. Đây là quy trình tổ chức chỉ đạo thực hiện Dân vận, được Người chỉ ra một cách rành mạch, cặn kẽ, cụ thể những kỹ năng và nghiệp vụ Dân vận mà ngày nay chúng ta cần vận dụng.

Xác định “Ai phụ trách Dân vận”, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách Dân vận.

Như thế, Người đã gắn liền con người với công việc và tổ chức, giáo dục tuyên truyền với hành động, vừa giúp đỡ, hỗ trợ cho dân vừa khích lệ, thúc đẩy dân cùng làm, cùng thực hiện. Dân không chỉ là đối tượng tác động của dân vận mà dân còn là chủ thể hoạt động dân vận. Người không sử dụng khái niệm hệ thống chính trị nhưng trên thực tế đã đề cập tới tất cả hệ thống chính trị đều tham gia và công tác dân vận với sự phối hợp, phân công, hợp tác, chia sẻ trách nhiệm để cùng với dân thực hiện công tác quan trọng này. Thi đua và sự gương mẫu, gần gũi dân, tổ chức cho dân thực hiện các nhiệm vụ, các công việc thực tế có ích cho dân, có lợi cho dân là những gợi ý quan trọng của Người về Dân vận. Tư tưởng nêu trên của Người thực sự là một tư tưởng cách tân, đổi mới. Nó cho thấy, người phụ trách dân vận phải tránh xa tính hành chính, quan liêu, mệnh lệnh mà phải hành động thiết thực cụ thể để phục vụ dân đồng thời nâng cao dân chúng.

Chỉ dẫn của Người thực sự là chỉ dẫn về quan điểm, nội dung và phương pháp dân vận.

Người đã thẳng thắn phê bình những yếu kém, khuyết điểm mà chúng ta mắc phải trong công tác dân vận. Đó là thái độ xem khinh việc dân vận, nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Đây là thái độ coi thường dân chúng, rơi vào hành chính, quan liêu, mệnh lệnh, thoát ly thực tế, xa dân; Người cho rằng đó là sai lầm rất to, rất có hại. Khuyết điểm, sai lầm tai hại đó còn bộc lộ ở việc chọn người, do xem khinh dân vận nên thưởng cử những cán bộ kém phụ trách dân vận, không giúp đỡ, không kiểm tra đôn đốc, không phối hợp, không tự thấy trách nhiệm của mình trong công tác dân vận. Sự phê bình, chỉ trích này của Người vẫn còn có ý nghĩa đến tận ngày nay.

Cái đích của đổi mới công tác dân vận không chỉ là đổi mới nhận thức, uốn nắn khuyết điểm sai lầm mà còn xác lập phương pháp, phong cách, yêu cầu mới trong công tác dân vận. Người nhấn mạnh, những người phụ trách dân vận phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Phải thật thà nhúng tay vào việc. Đây là một trong những điểm then chốt của đổi mới công tác dân vận, là yêu cầu rất lớn đặt ra với cán bộ dân vận. Từ đó, có thể thấy, công tác dân vận là một công tác xã hội, phương pháp, phong cách dân vận là phương pháp khoa học, là phong cách dân chủ, ra sức thực hành dân chủ, chống quan liêu, xa dân, khinh dân. Giá trị và ý nghĩa của tác phẩm dân vận là ở đó.

Tìm hiểu nét đặc sắc trong phong cách trình bày của Hồ Chí Minh về dân vận cần so sánh lời mở đầu với lời kết luận ở bài báo này.

Mở đầu, Người nói rõ hiện trạng “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng nên cần phải nhắc lại”.

Kết luận, Người nêu ra một nguyên lý, từ tổng kết thực tiễn mà khái quát thành lý luận. “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Tinh thần cơ bản, toát yếu quan trọng nhất trong Thông điệp dân vận của Hồ Chí Minh là ở hai đoạn ngắn này của mở đầu và kết luận, từ thực tiễn đi tới đúc kết lý luận.

Đây cũng là điểm nhấn trong thông điệp dân vận của Hồ Chí Minh còn giá trị và tính thời sự hiện nay.

3. Điều cần thiết nhất của dân vận hiện nay

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), Đảng ta đã ra Nghị quyết mới về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận hiện nay.

Trở lại khái niệm “Dân vận” của Hồ Chí Minh, thay cho cách nói có phần trừu tượng trước đây là “vận động quần chúng” - đó là thể hiện cách nghĩ, tầm nhìn, hành động của Hồ Chí Minh mà giờ đây ta đang ra sức vận dụng sáng tạo đáp ứng yêu cầu mới, tình hình mới.

Không gì có sức thuyết phục hơn khi quan tâm thiết thực, thường xuyên và đặc biệt đề cao trách nhiệm với dân để làm dân vận.

Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, được học hành, được chăm sóc sức khỏe, được hưởng những quyền tự do, dân chủ mà họ xứng đáng được hưởng. Muốn làm tốt dân vận lúc này, đức hy sinh quên mình, cách lựa chọn giá trị sống đúng đắn “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại”, “phụng công thủ pháp”, “tinh thành đoàn kết” của cán bộ đảng viên đối với dân chúng một cách thành thật và nhất quán - Đó là bí quyết của thành công trong dân vận thời đổi mới và hội nhập./.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo/Tap chí Dân vận số 10/2014 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi