Thứ Năm, 25/4/2024
Dân vận và thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Bắt đầu từ đạo đức

Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng mà còn là một con người hành động, quan tâm rất mực tới tính thiết thực và hiệu quả của mỗi công việc thực tế hàng ngày. Người xa lạ với kiểu lý thuyết suông, không biết áp dụng lý luận vào thực tiễn, không biết tổ chức công việc và làm việc với con người, không biết gắn mình với phong trào hoạt động sôi nổi của quần chúng và từ đó học hỏi sáng kiến, kinh nghiệm của quần chúng để phục vụ quần chúng, trở thành người hữu ích, hữu dụng. Phê phán những nhược điểm của hạng người ấy, Người gọi đó mới là trí thức một nửa.


Bác Hồ thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956). Ảnh: TL

Với Hồ Chí Minh, hành động, hoạt động mới là chủ yếu, căn bản. Phải làm tất cả những gì có lợi cho dân, khó mấy cũng phải làm bằng được. Phải tránh những gì có hại cho dân, dù chỉ là một cái hại nhỏ. Người cách mạng, Đảng cách mạng phải suốt đời vì dân mà hoạt động, cho nên, một phương châm do Người đặt ra và Người theo đuổi suốt đời, thực hành bền bỉ và luôn luôn nêu gương cho mọi người noi theo, đó là nói ít, làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, sao cho phục vụ dân được tốt nhất với tất cả sự tận tụy và trung thành. Đó không chỉ là một tư tưởng cao quý, một tấm lòng với dân với nước “tận trung với nước, tận hiếu với dân” được thúc đẩy bởi một động cơ đạo đức trong sáng, một lẽ sống và lối sống cao thượng mà còn là một bản lĩnh văn hoá. Bản lĩnh ấy trở thành phong cách Hồ Chí Minh. Đó là một mẫu mực về đạo làm người của người cách mạng. Cũng chính vì dân mà Hồ Chí Minh xa lạ với tất cả những gì phù phiếm, khoa trương dẫn tới hình thức, lãng phí, xa dân, không hiểu dân, làm trái những điều mà dân mong đợi. Sao cho được lòng dân, thuận lòng dân, điều ấy phải trở thành tâm niệm hàng ngày của mỗi người, từ những công chức, viên chức trong bộ máy công quyền đến những cán bộ đoàn thể, từ những đảng viên thường không giữ chức vụ đến các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp đang nhận trọng trách do dân uỷ thác. Chức vụ càng to, quyền hành càng lớn thì trách nhiệm lại càng nặng nề, mà trách nhiệm cao nhất là trách nhiệm với dân.

Xa lạ với bệnh lý thuyết suông, với thói phù phiếm khoa trương, hình thức, Người cũng đồng thời xa lạ với tính thiển cận, hẹp hòi, sự suy nghĩ nông cạn, hời hợt do bệnh kinh nghiệm và chủ nghĩa kinh nghiệm chi phối, bệnh giáo điều, bảo thủ và trì trệ cũng như thói kiêu ngạo, chủ quan, bệnh công thần địa vị, bệnh háo danh hám chức, lối sống vụ lợi và vị kỷ. Tất cả những thói xấu ấy đều do cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra, nếu không vượt qua được thì rất dễ hư hỏng, không chỉ hại cho mình mà còn hại cho cả phong trào cách mạng, rốt cuộc không thể vì dân và phục vụ dân được. Thoái hoá và biến dạng ấy, Người đã lường trước, đã cảnh báo từ rất sớm. Người cũng lo lắng, dằn vặt rất nhiều về tình trạng cán bộ không gương mẫu, thậm chí hư hỏng, tổ chức yếu kém do có nguyên tắc mà không tuân theo, có thể chế, kỷ cương, luật lệ mà không thi hành. Nếu đạo đức là gốc của người cán bộ, đảng viên, là gốc của nhân cách, tính cách thì cán bộ và tổ chức cũng là gốc rễ sâu xa, là nhân tố quyết định cho phong trào lớn mạnh và cách mạng thành công. Bởi lẽ, chỉ với chất lượng cán bộ và tổ chức như thế thì mới được dân tin dân theo.

Phải suy nghĩ, nghiền ngẫm sâu xa, thấu đáo đến thế nào mà Người mới nhấn mạnh đến đạo đức và văn hoá đạo đức như thế. Đảng phải chăm lo giáo dục rèn luyện cho mỗi cán bộ, đảng viên, còn mỗi người thì phải ra sức thực hành, đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền. Dân chủ mà biến thành “quan” chủ, là đầy tớ công bộc của dân nhưng lại lên mặt “quan” cách mạng, không yêu dân, thương dân, không kính trọng lễ phép với dân mà lại hống hách với dân, gây phiền hà sách nhiễu dân thì theo Hồ Chí Minh dù có viết lên trán hai chữ “cộng sản”, dân cũng không tin, không theo.

Người đòi hỏi phải nghiêm khắc, có lỗi phải thật thà nhận lỗi và xin lỗi dân. Đó là đối với từng người. Còn đối với tổ chức Đảng và với toàn Đảng, phải nêu cao dũng khí, nêu cao trách nhiệm, dũng cảm sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm và có quyết tâm sửa chữa cho bằng được, để Đảng có sức mạnh, luôn luôn chắc chắn, tiến bộ. Cũng theo Hồ Chí Minh, một Đảng mà không dũng cảm phê bình, sửa chữa khuyết điểm, lại đi bao che cho nhau, che dấu những chỗ yếu kém, những thói hư tật xấu mắc phải thì sẽ là một Đảng hỏng. Tính phê phán đó đã nói lên điều thực chất nhất của vấn đề xây dựng Đảng, phải chú trọng về đạo đức và văn hoá đạo đức trong Đảng.

Người mong muốn và đòi hỏi phải xây dựng Đảng sao cho Đảng là đạo đức, là văn minh.

Với Nhà nước, Người đặc biệt chú trọng tới Chính phủ, tức là tổ chức hành pháp. Phải tỏ rõ cho dân chúng biết, chính phủ (cũng như Nhà nước nói chung) phải là chính phủ hành động vì dân, Nhà nước phải thực sự là của dân, do dân, vì dân. Nếu chính phủ không làm được những gì dân đã mong đợi khi uỷ thác thì dân cũng chẳng cần nữa. Nếu chính phủ không còn xứng đáng với dân thì dân có quyền đuổi chính phủ đi. Đó là sự khẳng định sức mạnh, ý chí và quyền lực của dân, rõ ràng, minh bạch và công tâm.

Một vấn đề nan giải, như một vấn nạn trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, của các cơ quan công quyền là tình trạng quan liêu và tham nhũng. Đây là điều gây phản cảm lớn nhất đối với dân chúng và xã hội. Nó đối lập với dân chủ và làm tổn hại tới lợi ích, tới quyền hành của dân chúng, nó cũng làm tổn thương nặng nề nhất tới uy tín, thanh danh của Đảng và Nhà nước. Để chữa căn bệnh trầm kha này, Người đòi hỏi phải dùng luật pháp mà nghiêm trị. Người nói rõ, phải trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai và làm gì. Người viết tác phẩm “Quốc lệnh” với những điều thưởng phạt rất nghiêm minh. Trong tất cả những điều trừng phạt những kẻ Việt gian phản quốc, hại dân hại nước, Người đều ghi mức cao nhất: tử hình. Quan điểm pháp trị đó là cần thiết tất yếu để bảo vệ dân, gây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền để thực hiện quyền làm chủ của dân. Muốn xây dựng đạo đức cách mạng thì phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính thì phải đầy đủ tất cả, thiếu một đức thì không thành người. Phải đủ cả bốn đức mới là người hoàn toàn. Rõ ràng, Người đòi hỏi rất cao về phẩm chất đạo đức đối với người cán bộ cách mạng. Làm dân vận, theo đó phải là người có đạo đức, đó là điều tiên quyết.

Công tác dân vận là một công tác xã hội, là hoạt động xã hội, đến với dân, tiếp xúc với dân, lắng nghe ý kiến, thấu hiểu tâm trạng của dân, biết rõ cuộc sống và ý nguyện của dân, từ đó mà ý thức được trách nhiệm phải làm cho dân những gì và làm như thế nào. Một điều quan trọng đối với dân vận là biết tiếp thu những ý kiến phê bình của dân, cả những đề xuất kiến nghị mà dân đưa ra, ở đó có biết bao điều hay lẽ phải giúp cho cán bộ trưởng thành. Đó là sự hoà mình vào dân chúng, chân thành, cởi mở, tin cậy để dân tin. Dân có tin thì việc giảng giải, tuyên truyền, thuyết phục, cảm hoá dân mới có tác dụng, mới tổ chức được phong trào, mới tập hợp được lực lượng của dân, tạo ra sự phấn khích, hăng hái nơi dân chúng, dân sẽ hành động tự nguyện tự giác. Có dân giúp sức thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Làm công tác dân vận để thực hành tư tưởng dân vận phải đặc biệt chú trọng tinh thần dân chủ, ý thức dân chủ và phương pháp dân chủ. Tựu trung lại, đó là trọng dân và trọng pháp. Những yêu cầu, đòi hỏi như thế đối với dân vận và công tác dân vận không chỉ là sự am hiểu công việc, tức là phải có tri thức và kinh nghiệm mà còn là tình yêu công việc mình làm với tất cả nhiệt tình, tâm huyết - ở đây chính là tình cảm đối với dân, lòng thương yêu, sự tin cậy và thái độ tôn trọng dân, trong đó cốt yếu và quan trọng nhất là phải có đạo đức trong sáng. Đã có lần Bác khuyên thanh niên, phải ham làm việc lớn ích nước, lợi dân chứ đừng ham làm quan to như Tôn tiên sinh đã dạy (Lời của Bác nói về Tôn Dật Tiên). Bác chỉ dẫn, tuổi trẻ phải có ý chí, hoài bão, khát vọng lớn, xác định cho mình tận tâm tận lực vì dân; tận tuỵ phục vụ dân là lẽ sống cao thượng nhất, biết quên mình vì người khác (Triết lý nhà Phật là Vô ngã vị tha) như Bác nhiều lần nhấn mạnh. Phải biết tránh xa như tránh lửa ba điều cám dỗ nguy hiểm: tiền bạc, danh vọng, quyền lực, bởi những cái thường tình ấy, nếu không tự chủ và làm chủ được thì rất dễ rơi vào hư hỏng.

Dân vận rất quan trọng nên làm công tác dân vận cần phải bắt đầu từ đạo đức.

Nghe dân, học dân, hỏi dân để hiểu dân, tin dân, từ đó làm tất cả vì dân. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân thì phải thực hành đạo đức cách mạng. Suốt đời gắn bó với dân thì phải suốt đời đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, biết rõ rằng, cuộc đấu tranh đó sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng, bởi đó là chống lại chính mình, gạt bỏ những cái xấu xa, hư hỏng, lỗi thời. Một câu nói của Người, tưởng như nôm na mà hoá ra vô cùng sâu sắc, một đòi hỏi thật lớn lao, nó cũng như một thách thức nghiệt ngã, “muốn cách mệnh, trước hết phải cách mệnh chính mình đi đã”, đó là những gì lạc hậu, lỗi thời, xấu xa, hư hỏng.

Những điều trình bày ở trên, có thể nói, đó là luận lý đạo đức học của dân vận và công tác dân vận được thể hiện sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nói tới vai trò của đạo đức trong chính trị, Người nhấn mạnh vào hai điểm quan trọng: chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết, thanh khiết từ việc nhỏ tới việc lớn. Đó là đạo đức, là đạo đức trong chính trị. CNXH cũng được Người tiếp cận từ đạo đức học, “tư tưởng XHCN là đối lập với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa”, “muốn xây dựng thành công CNXH thì phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân”, do đó, xây dựng CNXH trước hết phải có con người XHCN.

Theo Hồ Chí Minh, người có đạo đức thì dễ tiếp thu chân lý hơn vì sẽ vô tư và khách quan, biết trọng lẽ phải, đạo lý và sự thật. Trong đời sống xã hội và trong hoạt động của con người, ở lĩnh vực nào, ở đâu và lúc nào, đạo đức cũng quan trọng và cần thiết. Đạo đức càng quan trọng và cần thiết hơn trong quan hệ với dân, trong công tác dân vận. Trung thực thì sẽ thuyết phục được dân, tận tuỵ vì dân thì dân sẽ yêu mến, tin cậy. Ngược lại, giả dối và mị dân, lời nói và việc làm trái ngược nhau thì dân sẽ chê trách, phản đối và oán ghét. Đạo đức học trong công tác dân vận là chất nhân văn sâu sắc, mới mẻ và hiện đại, luôn có tính thời sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh./.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo/Tạp chí Dân vận số 10/2012

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất