Thứ Bảy, 23/11/2024
Nhân đọc lại bài “Dân vận” của Bác 15-10-1949*

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Nam Bộ từ miền Nam ra thăm miền Bắc, năm 1949

Tôi đọc lại bài “Dân vận” của Người trong nỗi bức xúc thời cuộc, về những điều đang diễn ra hiện nay trên đất nước ta trái với lời dạy tâm huyết của Người mà hậu quả sẽ khó lường, có mệnh hệ đến sự nghiệp cách mạng. 

Từng câu từng lời như Bác đang nói với chúng ta:

“ Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”

Từ luận điểm đó, Bác đặt ra vấn đề đối với người cán bộ cách mạng, dù bất cứ ai nhất thiết phải làm dân vận, phải xem trọng dân vận. Cuối bài, Bác viết hai câu dứt khoát: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

“Việc gì cũng kém” suy ra là thất bại, là sẽ không còn gì nữa; “Việc gì cũng thành công” cũng có nghĩa dân vận tốt là yếu tố thành công của cách mạng. Tôi nhận ra một điều dân vận là vấn đề chiến lược của Đảng, là phương thức vận động, tồn tại phát triển của Đảng. “Dân vận kém” và “Dân vận khéo” quyết định đến vận mệnh mất còn của chế độ và của Đảng. Lời Bác năm xưa, bây giờ thật sự là một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với chúng ta! 

Trong bài “Lòng dân” trên Báo Xuân Dân Vận năm Bính Tuất 2006 (của Ban Dân vận Trung ương), cũng trên cơ sở những luận điểm đó tôi có nêu vấn đề “phải chăng, một thước đo cơ bản hiệu quả của công tác dân vận chính là lòng dân, lòng tin của dân đối với chế độ; đối với Đảng, các cơ quan chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội; đối với đảng viên, cán bộ viên chức gắn với thái độ, năng lực hành xử công việc, với phẩm chất đạo đức cá nhân”, chứ không phải chủ yếu là những thành tích, những con số vượt chỉ tiêu này nọ. 

Năm trước, nhân lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng tại TPHCM, đồng chí Nguyễn Hoài Bão, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương có kể một câu chuyện của người xưa, khá lý thú, tôi xin được nhắc lại:

“Khi thầy Tăng Tử hỏi Khổng Tử:

- Về giữ chính sự của một nước phải làm gì?

Khổng Tử đáp:

- Muốn giải quyết tốt chính sự phải có 3 điều kiện: sung túc lương thực, quân lực dồi dào, được trăm họ tin cậy.

- Nếu phải bỏ một?

Đáp:

- Quân lực.

- Nếu phải bỏ hai? 

Đáp:

- Lương thực.

- Sao không bỏ điều ba? 

Đáp: 

- Có trăm họ tin cậy sẽ có hai điều trên. Mất lòng tin trăm họ sẽ mất hai điều trên” (Suy ra mất tất cả).

Ngụ ý câu chuyện này trong ngày kỷ niệm phải chăng để đưa ra một bài học về quan hệ lòng dân với vận mệnh cơ đồ sự nghiệp? 

Nhìn vào thực trạng hôm nay, không phải không thiếu gì những cái tốt được lòng dân - chứng tỏ thành quả của công tác dân vận của toàn hệ thống chính trị - nhưng lại có quá nhiều những sự việc phản dân vận không ngờ được, dồn dập diễn ra rất đau lòng, khiến lòng dân bất bình, không yên - mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với dân bị tổn thương nghiêm trọng. 

Nạn tham nhũng và bao che tham nhũng, quan liêu lãng phí - vốn đã thành quốc nạn - nay đang hoành hành táo tợn xem ra chẳng sợ ai, từ cấp trung ương đến địa phương, cơ sở, phổ biến trong nhiều ngành... 

Ngoài các vụ tham ô hàng triệu đô la, hàng nghìn tỷ đồng, tôi muốn nói đến điều nhức nhối khác là nạn lấy đất của nông dân dưới nhiều hình thức diễn ra đó đây. Nạn chạy chức, chạy trường, chạy án, bẻ cong công lý xử oan sai, lệch lạc. 

Quan liêu tham nhũng gắn liền với áp bức bất công khiến lòng dân oán ghét. Chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nông dân trong vấn đề giải tỏa đền bù, quy hoạch cũng có nhiều điểm không hợp lòng dân: Dự án quy hoạch treo khiến dân đau khổ không yên lẽ ra phải bị bãi bỏ từ lâu nhưng ta vẫn cứ kéo dài.

Đất đối với nông dân là tư liệu sản xuất sống còn mà người nông dân phải dựa vào để sinh sống, nuôi cả gia đình và cả việc sinh con đẻ cái từ đời này sang đời khác. Nay ta giải tỏa thu hồi đất, chỉ đền bù chủ yếu bằng tiền - giả dụ cho là thỏa đáng - nhưng tiền đối với nông dân chủ yếu là tư liệu tiêu dùng, tiêu mãi cũng hết. 

Bần cùng trở thành nguy cơ trước mắt. Tất nhiên nhiều người tự thân tìm cách thoát ra, nhưng đó là việc của người nông dân. Còn về chính sách nếu chủ yếu chỉ như vậy thôi (thực trạng một số địa phương) rõ ràng sẽ dẫn đến nguy cơ nói trên. Một thí dụ khác: đất nông nghiệp có 2 yếu tố giá trị. Đó là giá trị địa tô chênh lệch I và giá trị địa tô chênh lệch II. Chính sách đền bù chỉ tính giá trị địa tô chênh lệch I, bỏ qua vấn đề địa tô chênh lệch II, vốn là quyền lợi chính đáng của nông dân mà giá trị này nhà đầu tư sau khi đền bù sẽ hưởng “vô tư” tha hồ. Nên nông dân rất bất bình. 

Về giáo dục - đào tạo, người có tiền được đi học, có tiền ít học trường xấu, không tiền thì chịu dốt. Việc quản lý giáo dục đào tạo, thực tế đã đưa nền giáo dục đi xuống với lắm điều tiêu cực tai tiếng trong khi cách nay khoảng 10 năm NQ TƯ2 Khóa VIII của Đảng từng xem giáo dục là quốc sách hàng đầu... (Điều phấn khởi là Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh vừa ra Chỉ thị 03 ngày 25-9-2006 kịp thời để chấn chỉnh).

Lòng dân không yên, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội với dân giảm sút thì không thể nói dân vận tốt được. Vậy nên, chống quan liêu tham nhũng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của công tác dân vận. Biết dựa vào dân, vận động nhân dân, thì mới có đủ sức mạnh đẩy lùi được nạn tham nhũng, quan liêu.

Trong bài viết, Bác nêu một vấn đề mà gần như lúc nào cũng mang tính thời sự: “Ai làm công tác dân vận?”. Bác viết: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh v.v...) đều phải phụ trách dân vận”. Nghĩa là toàn hệ thống chính trị phải làm dân vận, như NQ Tư 8 Khóa VI sau này đã nâng lên thành quan điểm cơ bản. Phân tích, thấy nổi rõ 2 vấn đề. Một là: tất cả cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên, không trừ một ai, trong hệ thống chính trị đều phải phụ trách (làm) dân vận. (Đảng lúc bấy giờ không ra công khai, nên đảng viên được hiểu ngầm dưới danh nghĩa là cán bộ đoàn thể). 

Hai là: tuy Bác không đặt vấn đề ai phụ trách chính, còn ai phụ, nhưng không phải vô tình hay ngẫu nhiên, Bác nêu cán bộ chính quyền trước tiên. Bởi lẽ cán bộ chính quyền, một trong những chủ thể không chú trọng làm công tác dân vận trong thực hiện chức năng quản lý kinh tế-xã hội của mình, hoặc quan liêu tham nhũng, gây phiền hà dân, hoặc ra nhiều chủ trương, chính sách không hợp lòng dân, thì cho dù đoàn thể ra sức làm dân vận tối ưu theo nhiệm vụ phương cách của mình, thì dân vận của toàn hệ thống chính trị vẫn không hiệu quả.

Bác phê bình cán bộ hồi đó mà tưởng chừng như đối với chúng ta ngày nay: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to rất có hại”. Bác nêu: “Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng cùng nhau chia công việc rõ rệt…”.

“Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. 

Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. 

Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân.

Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc rút kinh nghiệm, phê bình khen thưởng”.

Tôi nghĩ với những ý Bác nêu trên, ta có thể khái quát và đúc kết thành phương thức, phương châm tổng quát về công tác dân vận trong điều kiện Đảng cầm quyền:

Phương thức đó là sự phối hợp đồng bộ nhất quán giữa quản lý Nhà nước của chính quyền với công tác tuyên truyền vận động phong trào quần chúng của các đoàn thể chính trị nhằm thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng lợi ích, quyền lợi của nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra: Người phụ trách dân vận hay nói chung toàn thể cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận đều phải theo lời Bác dạy: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Đã 57 năm trôi qua bài “Dân vận” của Bác vẫn mới, vẫn còn và mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta trong sự nghiệp cách mạng xây dựng bảo vệ đất nước hôm nay. Chúng ta đang bước vào năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, Đại hội VIII của Đảng bộ Thành phố với những thời cơ và thách thức mới. 

Nguy cơ quan liêu cửa quyền, tham nhũng xa rời quần chúng nhân dân nhất là trong lĩnh vực các cơ quan công quyền, tính hình thức ngày một đậm nét của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội, không phát huy được bản chất vai trò của mình là người đại diện và bảo vệ lợi ích, quyền lợi của quần chúng mà các Đại hội chỉ ra, đã chuyển thành thách thức quyết liệt đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân, đến vận mệnh của đất nước, và chế độ, trong đó những khuyết điểm trầm kha về công tác dân vận của toàn hệ thống chính trị mà Bác Hồ đã chỉ ra trong bài Dân vận của 57 năm về trước, đã góp phần không nhỏ. 

Để làm tốt nhiệm vụ chính trị của công tác dân vận mà các NQ Đại hội Đảng toàn quốc và thành phố vừa qua đã đề ra cần giải quyết tốt 2 vấn đề, cũng là 2 điều kiện tiên quyết. 

- Về công tác chính trị tư tưởng phải làm cho cán bộ đảng viên nhận thức tầm quan trọng chiến lược của công tác dân vận theo những luận điểm tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải tạo ra cơ chế buộc mọi cán bộ đảng viên làm công tác dân vận, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi, việc làm phản dân vận.

- Phải xây dựng những cơ chế vận hành cụ thể trong mối quan hệ về quyền lực, giữa các chủ thể của hệ thống chính trị Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội trên cơ sở các luận điểm tư tưởng Hồ Chí Minh:

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”

“Dân là chủ, chính phủ là đầy tớ của dân” trong đó bảo đảm đoàn thể chính trị xã hội trở lại vai trò chức năng là công cụ, là người đại diện bảo vệ lợi ích và quyền lợi của dân, có đủ quyền lực tham gia quản lý phản biện xã hội và giám sát kiểm tra mọi hoạt động của Nhà nước.

Kỷ niệm lần thứ 76 ngày dân vận 15-10 năm nay, chắc không phải thừa, để nhắc lại 2 câu mở đầu và kết thúc bài Dân vận của Bác để mọi người chúng ta khắc sâu và thấm thía: 

“Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa thấu, làm chưa đúng cho nên cần phải nhắc lại”.

“Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 

-------------------------------

* Bài viết nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống công tác dân vận (15/10/1930 - 15/10/2006)

TRẦN BẠCH ĐẰNG/sggp.org.vn

Năm 1949, Đoàn đại biểu Nam Bộ từ miền Nam ra thăm miền Bắc đã tới quây quần bên Hồ Chủ tịch

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi