Thứ Tư, 25/12/2024
Đồng chí Phan Minh Tánh nói về bái báo “Dân vận” của Bác Hồ

Đồng chí Phan Minh Tánh,
 Trưởng Ban Dân vận Trung ương (1986-1996)

Đồng chí Phan Minh Tánh kể lại: "Những ai nhớ ngày 15 tháng 10 đều nhớ ngày ấy -  năm 1949, Báo "Sự thật" ở miền Bắc đăng bài "Dân vận" của Bác Hồ phát hành đến tay bạn đọc. Với mức độ nhận thức khác nhau, ai cũng cảm thấy Bác viết đầy đủ những vấn đề cơ bản nhất, thiết thực nhất của công tác dân vận, và rất trúng thực trạng, tình hình nước ta. Lúc ấy ở Nam Bộ không tiếp nhận được bài báo quý giá này.

Bài báo "Dân vận" của Bác Hồ những năm sau đó ít được nhắc đến. Tất nhiên Trung ương Đảng, Đảng bộ các cấp ở miền Bắc vẫn làm theo tư tưởng của Bác Hồ. Mãi đến năm 1994, trong một dịp sưu tầm tài liệu cũ, Ban Dân vận Trung ương được Văn phòng Trung ương Đảng cho phép tiếp cận kho lưu trữ tài liệu không thuộc quy định tuyệt mật của Đảng, cán bộ nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương đã tìm được bản gốc bài báo "Dân vận" của Bác. Nhận được tài liệu quý, mừng quá! Ban Dân vận Trung ương họp bàn thống nhất xin chủ trương triển khai. Một trong những việc gấp, là xin gặp các đồng chí lãnh đạo cao cấp thời ấy để xin ý kiến; trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc bấy giờ là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là một trong những người học trò xuất sắc, có thời gian dài công tác bên cạnh Bác Hồ. Chắc chắn đồng chí Phạm Văn Đồng biết rõ bối cảnh Bác viết bài báo "Dân vận", cũng như quá trình chỉ đạo công tác dân vận của Trung ương Đảng và Bác. Chúng tôi gửi bài báo "Dân vận" của Bác để đồng chí đọc trước với một số đề nghị cụ thể kèm theo.

Hôm đồng chí Phạm Văn Đồng làm việc với chúng tôi, có đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn nhiều năm, sau là Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, tôi (Chín Đào) và một số đồng chí trong Ban Dân vận. Tôi thay mặt Ban Dân vận Trung ương báo cáo gọn một số ý kiến với đồng chí Cố vấn. Nghe xong, đồng chí Phạm Văn Đồng có ý kiến: "Tôi đã đọc bài báo Bác viết về Dân vận. Có thể nói, Bác viết đầy đủ về những vấn đề cơ bản nhất, thiết thực nhất của công tác dân vận, và rất trúng tình hình lúc này, lúc mà tình hình đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của mọi người dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

"Tôi rất chú ý tới mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, người quản lý và người dân. Ở đây khoảng cách vẫn còn xa. Ta nói dân chủ, nhưng thực ra chưa làm được nhiều. Cho nên bài Bác viết là cực kỳ quý báu. Từng ý của Bác đều có giá trị lý luận, thực tiễn và mang tính thời sự nóng hổi. Tôi nghĩ các đồng chí tổ chức hội thảo về tư tưởng dân vận của Bác là tốt, rất trúng. Song đừng để hội thảo chỉ là hội thảo. Tôi muốn thiết thực, có hiệu quả".

Cuối cùng, đồng chí Phạm Văn Đồng có lời khích lệ: "Tôi hoan nghênh các đồng chí đã sưu tầm, phát hiện ra bài "Dân vận" của Bác và thấy giá trị to lớn của bài đó".

Cuộc hội thảo đầu tiên về tư tưởng Hồ Chí Minh qua bài báo "Dân vận" do Ban Dân vận Trung ương chủ trì có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Cơ Thạch, Vũ Oanh, Trương Mỹ Hoa và một số đại diện đoàn thể, một số nhà khoa học tham gia. Các đồng chí Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng không đến được, cũng có bài gửi tới tham gia. Đó là sự cổ vũ lớn không chỉ đối với chúng tôi, mà rộng hơn là cho cả ngành công tác dân vận của Đảng.

Qua những công trình nghiên cứu, những cuộc hội thảo ở các ngành, các địa phương về tác phẩm "Dân vận" của Bác càng hiểu sâu sắc hơn, phong phú hơn tư tưởng dân vận của Người.

Mở đầu tư tưởng dân vận, Bác viết: NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Ngay thời đó, Bác đã chỉ rõ bản chất của nước ta là "Nhà nước của dân, do dân, vì dân". Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đã xác định 3 vấn đề quan trọng kế tiếp là: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào?

Trong nghiên cứu, tư tưởng Hồ Chí Minh được khẳng định là một hệ thống, đặc biệt là tư tưởng về vai trò quần chúng nhân dân trong lịch sử, đã được thể hiện xuyên suốt trong rất nhiều bài nói, bài viết cũng như hoạt động thực tiễn của Người. Tư duy triết học đó, không chỉ bắt nguồn từ những tinh hoa triết học văn hóa phương Đông, phương Tây với đỉnh cao là chủ nghĩa Mác-Lênin, mà còn bắt nguồn từ văn hóa đạo đức Việt Nam, biểu hiện nét đẹp về tình yêu thương nhân dân vô cùng sâu sắc của Người, vì như Người thường nói: "Hiểu chủ nghĩa Mác -Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được".

Tác phẩm "Dân vận" của Bác viết đã hơn nửa thế kỷ nhưng sức sống, tầm nhìn, độ dài, chiều sâu có sức thuyết phục lớn lao. Mỗi lần đọc lại tác phẩm "Dân vận" của Bác ta càng nhận thức sâu sắc hơn. Mỗi năm nhớ ngày Dân vận 15 tháng 10 là dịp tự hào với truyền thống, thấy trách nhiệm nặng nề và vinh quang; đồng thời phải “soi gương” tự kiểm điểm lại mình đối với dân, nhắc nhở những ai đã được nhân dân đùm bọc, che chở mà không sợ hiểm nguy trong cuộc đời hoạt động cách mạng; những ai vì hoàn cảnh hạn chế chưa góp sức nhiều vào sự nghiệp cách mạng, hoặc chưa tham gia; cần nhấn mạnh, đặc biệt với số anh chị em mới tham gia, trưởng thành sau này: hãy luôn luôn cảnh tỉnh, không thể xa rời truyền thống, xa rời cội nguồn nhân dân.

Những năm gần đây, trong điều kiện tiếp tục đổi mới toàn diện và hội nhập kinh tế quốc tế, bước đầu đương đầu với những thử thách, những biến động của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu…., nước ta vẫn đạt được những thành tựu chưa từng có trên nhiều mặt, nhưng cũng đã bộc lộ những yếu kém, khuyết tật vốn có của bộ máy quản lý. Đó là những trăn trở, lo lắng, nhất là đối với vận nước. Bệnh quan liêu, xa dân, đặc biệt là tệ tham nhũng được lên án là một thứ "quốc nạn" chưa có chuyển biến khả quan như yêu cầu pháp luật, nghị quyết về phòng chống tham nhũng của Quốc hội và Đảng. Cùng với nó, vấn đề phân hóa giàu nghèo khoảng cách ngày càng xa, những tiêu cực xã hội khắc phục chậm… Nghịch lý là ở chỗ: có chính quyền mà dân ủy thác, lẽ ra ta có điều kiện gần dân, có thuận lợi để lo cho đời sống của dân được nhiều hơn, làm cho công bằng xã hội được rõ nét hơn; quyền của dân trao cho chính quyền, thay mặt dân quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội tốt hơn, đúng như mong ước "Chính quyền của dân, do dân, vì dân".

Những lực lượng làm dân vận, chính quyền làm dân vận, không trên cơ sở thực hiện tốt chế độ dân chủ, nhất là vi phạm tiêu chuẩn lợi ích của dân, thì dù cố gắng cải tiến, cổ vũ, hô hào bao nhiêu đi nữa, công tác dân vận sẽ lâm vào tình trạng có "vận" nhưng dân không "ưng", khó yêu cầu thực hiện đồng thuận cao đối với các tầng lớp trong xã hội. Liên hệ với thực tế: khi nói dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, điều quan trọng nhất là phải có dân chủ tốt trong Đảng, nó sẽ tác động mạnh mẽ dân chủ ngoài xã hội, là chất keo gắn bó đại đoàn kết dân tộc ngày càng sâu rộng hơn. Vấn đề thực thi dân chủ ở nước ta, có thể nói một cách thẳng thắn là theo năm tháng có những bước phát triển rõ rệt. Tuy nhiên, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: "Bao nhiêu quyền hạn đều của dân"… Thực trạng nổi lên và đang tồn tại hiện nay cần phải khắc phục, không thể xem thường là: Bên nắm bộ máy quyền lực nặng về quyền hạn, nhẹ về nghĩa vụ “đầy tơ” của dân. Còn bên làm chủ thực hiện nghĩa vụ công dân nhưng chưa nhận thức và thực thi được quyền hạn “làm chủ” xã hội của mình hoặc còn hạn chế. Nhìn chung mới xử lý theo mối quan hệ giữa "quyền uy" và "sự phục tùng".

Đối tượng vận động trong các tầng lớp nhân dân. Bác nêu khái niệm về dân vận: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hiện những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho…". Dám nhìn thẳng vào sự thật thì thấy mức độ nắm quần chúng nhân dân theo sự dẫn giải của Bác "Dân vận là gì?" thực chất còn hạn chế, làm bề rộng có khá hơn nhưng đi sâu từng đối tượng chưa đến với họ được nhiều. Trong đó khâu quan trọng là nắm quần chúng theo nghị quyết phân định của Đảng, vận động giai cấp, giới, lứa tuổi, nghề nghiệp…, có vấn đề cần kiểm điểm nghiêm túc. Hiện nay, điều kiện công tác dân vận, lực lượng làm dân vận trong điều kiện có chính quyền là rất lớn, dù rằng bối cảnh đất nước có những điểm rất khác so với thời Bác Hồ viết tác phẩm này, ít nhất là trên 2 lĩnh vực: vấn đề lợi ích và vấn đề chính quyền, tại sao có lúc ta thấy lúng túng? Sắp đến nên chăng có một chuyên đề bàn sâu, kỹ vấn đề này để có giải pháp phù hợp hơn.

Một vấn đề quan trọng nữa là dân vận phải thế nào, chủ yếu là phong cách làm dân vận. Bác không cầm tay chỉ việc mà khái quát những vấn đề từ thực tiễn có giá trị sâu sắc. Phong cách 5 điểm của Bác Hồ: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", nghe chừng như đơn giản nhưng tìm hiểu sâu thấy Bác Hồ nêu lên hàng đầu "Óc nghĩ" chính là muốn nhấn mạnh hoạt động trí tuệ, tính tiên phong về mặt trí tuệ của công tác dân vận. Sự vật luôn vận động phát triển. Người cách mạng không thể sao chép khuôn mẫu mà không ngừng sáng tạo, tư duy biện chứng, tìm ra quy luật vận động của sự vật để hướng chúng đi tới. Thời điểm hiện nay đang đòi hỏi không ngừng nâng cao năng lực trí tuệ, coi trọng tư duy, biện chứng - phù hợp với thời cuộc. "Mắt trông" tức là phải quan sát sự việc khách quan, không sao chép, chụp lại tình hình, cộng với "tai nghe" tức là thái độ thực sự của mỗi người làm công tác dân vận. Hiểu "Tai nghe" không phải nghe một chiều, nghe điều thuận, thành tích, mà phải bình tĩnh nghe những điều "nghịch nhĩ", lắng nghe ý kiến quần chúng để ta hoàn chỉnh, xử lý chủ trương, chính sách cho đúng. "Chân đi" tức là đi vào thực tiễn, vào nhân dân, đến tận cơ sở, chứ không phải ngồi bàn giấy để viết chỉ thị nọ, công văn kia; quần chúng và cơ sở có nhiều sáng tạo, chân lý là cụ thể. Có một sự việc đáng ghi nhớ là Đảng ta đã lắng nghe quần chúng, cơ sở, các bộ các cấp, rồi đúc kết và nâng lên thành đường lối Đổi mới được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đó là một chứng minh rất lý thú. Có lẽ đó cũng là cơ sở giúp khắc phục bệnh quan liêu, hình thức, xa dân. "Miệng nói, tay làm" chính là phong cách nhất quán nói và làm, vừa tuyên truyền vận động quần chúng, vừa thực hành, làm gương cho quần chúng noi theo. Phong cách dân vận nêu trên, chắc rằng không phải chỉ dành cho cán bộ làm dân vận, mà có thể là sự trang bị nhận thức, phong cách làm việc cho các loại cán bộ khác vẫn bổ ích.

Sau cùng là vấn đề tổ chức, cán bộ dân vận đã được Bác Hồ thẳng thắn nêu ra: "Khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại". Dù Bác nêu điều này đã lâu, hiện nay, ở nơi này, nơi khác, lúc này, lúc khác tình hình ấy vẫn còn với những mức độ khác nhau.

Kết luận của Bác Hồ đến nay vẫn là một chân lý: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"./.

Thành Nam/Tạp chí Dân vận số 7/2010

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi