Thứ Bảy, 23/11/2024
Suy nghĩ về thực hành “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

1. “Dân vận khéo” - gợi mở những nội dung chủ yếu

Lâu nay đã có một số ý kiến nghiên cứu về “Dân vận khéo”, song mới chỉ nghiêng về phương thức, nghệ thuật, tác nghiệp dân vận khi tiến hành thực hiện nhiệm vụ dân vận. Điều đó đúng song chưa đủ. Theo chúng tôi, “khéo” ở đây không chỉ thể hiện ở hình thức, phương thức dân vận mà còn thể hiện ở những nội dung cơ bản, căn cốt mà công tác dân vận phải bám sát phương hướng, mục tiêu thực hiện cho kỳ được. “Dân vận khéo” thể hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, có nội dung thiết thực, cụ thể, nhất là tập trung phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống các mặt cho nhân dân. Đây là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của công tác dân vận, là làm sao nhân dân phải có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cách mạng XHCN phải tạo lập được một nền kinh tế phát triển bền vững, cơ cấu kinh tế hợp lý. Bởi kinh tế là cái cô đọng nhất của chính trị; “xét tới cùng nhân tố kinh tế bao giờ cũng giữ vai trò quyết định”. Khi có tiềm lực mạnh về kinh tế mới có điều kiện đầu tư cho phát triển sản xuất, củng cố quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Vì vậy, công tác dân vận phải khéo bám sát nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế của từng giai đoạn để vận động nhân dân hiến kế, tham gia tích cực, chủ động vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng địa phương.


 Bác Hồ với công nhân ngành Đường sắt. (Ảnh tư liệu)

Thứ hai, “khéo” còn thể hiện cả hệ thống chính trị phải vào cuộc làm công tác dân vận. Công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ của Ban Dân vận các cấp mà còn là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức. Một nền chính trị nhất nguyên (một đảng lãnh đạo) gắn với thể chế chính trị dân chủ đòi hỏi phải có sự cộng hưởng, tham gia tích cực của các tổ chức trong hệ thống đó, nhằm hướng tới mang lại lợi ích cho nhân dân. Sự nhất quán cả về mục tiêu và phương thức của thể chế chính trị XHCN chính là chỗ đó.

Thứ ba, phương thức, phương pháp dân vận phù hợp với từng đối tượng cụ thể, kịp thời. Giáo dục, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước hết, phương thức, phương pháp dân vận là phải lấy tuyên truyền, thuyết phục làm chủ yếu; muốn vậy phải phát huy dân chủ, bàn bạc với nhân dân “bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân”(1). Thông qua trao đổi bàn bạc với nhân dân giúp các chủ thể một mặt hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng của dân; mặt khác tiếp nhận ý kiến đóng góp chân thành, đúng đắn để xây dựng các chủ trương, nghị quyết đúng. Đây là cơ sở hình thành phương thức lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Hồ Chí Minh khái quát quy trình “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(2). Để giải thích cho dân chúng đòi hỏi cán bộ dân vận, Mặt trận và các đoàn thể phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mặt khác, thông qua các hình thức sinh hoạt của các đoàn thể quần chúng để tuyên truyền giáo dục đoàn viên, hội viên. Mặt trận và các đoàn thể sinh hoạt có nội dung, có trọng tâm trọng điểm, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng, đoàn thể cũng là biện pháp để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đoàn viên, hội viên. “Dân vận khéo” còn thể hiện các chủ thể cần hiểu sâu đặc điểm tâm lý của đoàn viên, hội viên, giai cấp, tầng lớp trong xã hội để tuyên truyền, vận động, thuyết phục có hiệu quả; thể hiện cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ thực hiện. Với phương thức “đối tượng nào phương pháp đó” cộng với tin dân, hiểu dân, tôn trọng dân, dân chủ với nhân dân là biểu hiện cô đọng nhất của “Dân vận khéo”. “Dân vận khéo” cần được phủ sóng đến tất cả các giai cấp, tầng lớp trong xã hội gắn với yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng năm, giai đoạn, nhưng cần có sự ưu tiên cho những đối tượng (giai cấp, dân tộc…), nhiệm vụ chính trị thúc bách, nổi cộm để tuyên truyền, vận động nhân dân.

2. Vận dụng những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tập trung chăm lo đời sống các mặt cho nhân dân. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là thước đo năng lực lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy đảng. Trước lúc về cõi vĩnh hằng, Người vẫn canh cánh căn dặn toàn Đảng “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(3). Công tác dân vận phải tham gia tích cực đẩy mạnh các chương trình xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới hiện nay. Ba chương trình này gắn kết chặt chẽ với nhau, làm tiền đề cho nhau. Làm sao người dân, nhất là các hộ nghèo phải được thụ hưởng thành quả từ ba chương trình này mang lại. Điều này không chỉ thể hiện ở số lượng các hộ nghèo giảm qua từng năm mà còn thể hiện ở chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội như y tế, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ… Đồng thời tích cực vận động nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số “tăng gia sản xuất để làm cho dân ai cũng đủ mặc, đủ ăn”(4) Có thể nói đây là nội dung cốt lõi nhất của công tác dân vận cần hướng vào tuyên truyền, động viên nhằm phát huy các nguồn lực trong nhân dân.

Nâng cao chất lượng công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Dự thảo báo cáo chính trị của BCH TW Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng chỉ  rõ: “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Đây là chủ thể quan trọng đối với công tác dân vận của hệ thống chính trị hiện nay; bởi Đảng tập trung lãnh đạo chính trị; Nhà nước điều hành quản lý bằng pháp luật. Cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế được Nhà nước cụ thể hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, cho các tầng lớp nhân dân thực hiện. Hiệu ứng của các chính sách kinh tế, chương trình, dự án kinh tế tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống các mặt cho nhân dân. Diện mạo kinh tế, xã hội nông thôn gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã, đang mang lại chuỗi giá trị cho người nông dân. Khi đời sống kinh tế được hiện hữu sinh động trong thực tế là điều kiện thuận lợi cho công tác dân vận, công tác tư tưởng của Đảng.

Phát huy dân chủ với nhân dân. Dân chủ là một giá trị văn hóa, là động lực của sự phát triển. Thực chất của phát huy dân chủ là trở lại quan điểm cơ bản có tính nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân. Từ thực tiễn lãnh đạo, sâu sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết sâu sắc “Để phát huy ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân, dân sẽ có ý kiến hay”(5). Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần tiếp tục thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát. Dân biết, dân bàn phải từ khi mới manh nha những ý tưởng, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chứ không phải quyết định rồi mới lấy ý kiến tham khảo của nhân dân. Xây dựng quy chế giám sát, phản biện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề hệ trọng liên quan đến đất nước, địa phương. Quy chế giám sát, phản biện phải chế định rõ điều kiện, tiếp nhận, nội dung, phương thức, lộ trình thời gian, phản hồi sau khi tiếp nhận phản biện… Các quyết sách, dự án được phản biện nghiêm túc, có chất lượng, tiếp nhận được sự hiến kế tâm huyết, có trách nhiệm và đồng thuận cao trong nhân dân là cơ sở để hiện thực hóa quyết sách, các chương trình, dự án trong thực tế. Đây là cơ sở để khắc phục chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan.

Đổi mới phương thức, phương pháp dân vận. Công tác dân vận là một khoa học và nghệ thuật. Do đó, đặt ra cho các chủ thể, đội ngũ cán bộ dân vận phải coi trọng đổi mới phương pháp, tác nghiệp dân vận. Ngoài việc giáo dục, tuyên truyền vận động, thuyết phục, cung cấp thông tin cho nhân dân, để họ hiểu đúng, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của các địa phương thì cần tăng cường đối thoại với nhân dân. Đối thoại là biện pháp khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, không nắm chắc thực tiễn đang diễn ra ở cơ sở. Ưu thế của đối thoại trực tiếp là giúp chủ thể và nhân dân có thêm thông tin, chia sẻ cảm thông từ cả hai phía; giúp cấp ủy, chính quyền hiểu được những kiến nghị, bức xúc của người dân để từ đó đưa ra hướng xử lý đúng nguyên tắc, thấu tình đạt lý, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Và trong điều kiện có thể quyết định ngay những nội dung kiến nghị, đề xuất của dân đã hội đủ sự chín muồi và có sự bàn bạc của cán bộ chủ chốt.

Trong đổi mới phương thức, phương pháp dân vận vẫn cần chú trọng phương thức nêu gương. Hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. Sức lay động lan tỏa của các gương tốt trong đời thường, trong sản xuất có ý nghĩa nêu gương cho nhân dân; bởi một tấm gương sống còn hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Theo Hồ Chí Minh: “Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”(6).

Xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận có phẩm chất, năng lực, tận tụy phục vụ nhân dân. Dự thảo báo cáo chính trị của BCH TW Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng có yêu cầu: Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Đây là giải pháp cực kỳ quan trọng mà sinh thời Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ giáo, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hay kém. Giá trị trường tồn về mẫu hình người cán bộ dân vận của Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong 12 từ “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Mỗi cán bộ dân vận phải tích cực học tập, tích hợp kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng công tác dân vận; hiểu sâu tâm lý của nhân dân để tác nghiệp “ứng vạn biến” giúp công tác dân vận có hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay./.

--------------------------------------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.5, tr.698.

2. Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.290.

3. Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.498.

4. Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr.30.

5. Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.420.

6. Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr.551.

PGS.TS. Nguyễn Thế Tư/Tạp chí Dân vận sô 10/2015

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi