Chủ Nhật, 29/12/2024
Mấy suy nghĩ về công tác cán bộ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập

 Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã thông qua
Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược,
đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ


Quả thật, cốt lõi của công tác cán bộ chính là con người, có tài mà không có đức sẽ vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó; nếu đặt đúng vai trò vào người có trách nhiệm và giỏi chuyên môn, có năng khiếu đặc biệt ở một lĩnh vực, thì một người sẽ phát huy, khơi dậy được năng lực quản lý, chuyên môn, sức sáng tạo để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả công việc cao gấp nhiều lần.

Đôi khi, những dòng bình luận từ báo chí về năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 3.660 USD, xấp xỉ 5% của Xin-ga-po, 20% của Ma-lai-xi-a, 30% của Thái Lan, 50% của Phi-li-pin và In-đô-nê-xi-a (Số liệu tại Tọa đàm về tổ chức đề án phong trào đoàn kết, sáng tạo thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, tháng 5/2017) và những sai lầm trong công tác tổ chức cán bộ, khiến bản thân tôi luôn trăn trở, phải suy nghĩ. Quá trình triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, hy vọng thời gian tới sẽ có những bước chuyển mình, để không có những trường hợp bổ nhiệm nhầm, không có những trường hợp xử lý sai phạm khi đã hưởng lương hưu. Và quan trọng nhất trong công tác cán bộ vẫn luôn là con người cùng với tầm nhìn, đó là cốt lõi cho việc xây dựng đội ngũ, bảo vệ và phát triển đất nước.

Thế hệ tôi đã trải qua, được nghe hoặc chứng kiến những bài toán thực tiễn của cách mạng Việt Nam đặt ra và cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ những ngày đầu bước lên con tàu buôn của Pháp để tìm đường cứu nước, việc chọn đi đến đâu, gặp những ai và sẽ làm gì, dường như đã có trong tính toán của Bác Hồ. Đi đến một nước, Bác lại có thêm những người bạn, người đồng hành, để về sau này, khi kháng chiến thành công, người ta vẫn nhắc đến những câu chuyện về tình bạn xuyên quốc gia của Người. Quan hệ cá nhân của Bác Hồ với những người bạn quốc tế đã góp phần đem lại uy tín cũng như sự giúp đỡ to lớn cho cách mạng Việt Nam, đó là bài học quý giá không bao giờ cũ.

Khi về Việt Nam, nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao Bác Hồ lại lựa chọn Võ Nguyên Giáp, một nhà sử học, một người nghiên cứu để hoạt động quân sự. 13 giờ ngày 28/5/1948, lễ phong quân hàm cấp tướng đã được Chính phủ tổ chức trọng thể tại một hội trường mới dựng bên dòng suối ở cạnh đồi Nà Lọm, Phú Đình, Định Hóa, Thái Nguyên (đồi Nà Lọm nay được gọi là đồi Phong Tướng) cho một số cán bộ quân đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng.

Sau khi sự kiện lễ phong quân hàm cấp tướng được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác việc phong cấp này dựa theo những tiêu chuẩn nào, Bác trả lời: Đánh thắng Đại tá phong Đại tá; đánh thắng Thiếu tướng phong Thiếu tướng; thắng Trung tướng phong Trung tướng; thắng Đại tướng phong Đại tướng. Ngược dòng lịch sử rất đáng suy ngẫm, vì sao Bác Hồ lại vận động, thuyết phục được nhiều trí thức lớn người Việt từ các nước phương Tây trở về phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc sau Cách mạng Tháng Tám, bất chấp bao khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tiêu biểu như trường hợp nhà khoa học Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa…

Ngay từ năm 1948, quan điểm đó của Bác Hồ dường như đã là kim chỉ nam cho công tác cán bộ, nghĩa là hãy chọn đúng người cho đúng nhiệm vụ, để cán bộ đó phát huy được tối đa khả năng.

Sau này các đường lối, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ đều đúng, nhưng theo quan điểm của tôi, có lẽ vấn đề cốt lõi nhất vẫn là con người, nghĩa là người lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, đủ tài sẽ chọn người giỏi và đúng nhiệm vụ, còn nếu lựa chọn dựa trên quen, thân và bằng cấp thì có khi vấn đề bảo đảm công việc ở mức trung bình nhất vẫn khó được đáp ứng.

Tôi nghĩ rằng, con người, cán bộ đều được đào tạo dựa trên hai ngôi trường đó là trường lớp và trường đời (thực tiễn). Từ quy hoạch tổng thể, cần có sự bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ từ chính thực tiễn. Trong thời kỳ chúng tôi chiến đấu, nhờ có kinh nghiệm thực tế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đưa ra phương châm “Bám thắt lưng địch mà đánh” và chính phương châm này làm giảm thương vong cho chúng ta rất nhiều.

Tôi thiết nghĩ, khi đào tạo và sử dụng cán bộ, cần ba yếu tố: Đào tạo con người, sử dụng con người và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, làm sao để lựa chọn người có đức, có tài trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc từ trong những năm tháng kháng chiến, đến những ngày hòa bình và công cuộc đổi mới hiện nay.

Để bàn về vấn đề này, tôi xin nhắc đến hai câu chuyện của hai doanh nghiệp. Tôi được biết, đối với thế hệ lãnh đạo đầu của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, có sự phân công rõ ràng, người giỏi về tổ chức đảm nhận lãnh đạo cao nhất, người giỏi về công nghệ đảm nhận việc phát triển cốt lõi. Và chính yếu tố con người, yếu tố kỷ luật làm nên thành công cho doanh nghiệp quân đội này. Đối với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), nhiều người biết tới một nữ doanh nhân, một người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh uy tín, hiệu quả, được cộng đồng, báo chí trong nước và quốc tế ca ngợi, đó chính là bài toán cán bộ trong Vinamilk.

Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt về cán bộ, về quy trình bổ nhiệm, nhưng vấn đề sâu sắc nhất, tôi nghĩ vẫn là yếu tố con người, vẫn là người lãnh đạo. Ở đâu có con người xuất sắc, đủ tầm nhìn, ở đó họ sẽ lựa chọn đúng cán bộ cần thiết cho từng vị trí, không phải do bằng cấp, không do quen biết, và chỉ có làm trong sạch đội ngũ cán bộ thì mới là yếu tố cốt lõi để tạo sự thành công.

Việt Nam chúng ta đang trong thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng, từ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đến vấn đề bảo vệ môi trường… và dù ở bất cứ hoạt động nào, theo đúng nghị quyết của Đảng đã đề ra, công tác cán bộ cần đổi mới, thực hiện nghiêm. Chúng ta có chính sách, có quy chế, có con người, và quan trọng trong bài toán này chính là sắp xếp và tổ chức cán bộ như thế nào cho hợp lý, để phát huy tối đa sức mạnh.

Về việc bổ nhiệm những cán bộ trẻ cũng như vậy, nếu trao quyền quá sớm vào cán bộ trẻ mà người đó thiếu một nền tảng học vấn đào tạo căn bản, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh chính trị và nền tảng đạo đức, sẽ tạo nên một cơ chế đặc quyền, đặc lợi, chủ quan. Tất nhiên vẫn có những con người thật sự giỏi, song cốt lõi vấn đề vẫn là làm thế nào để phát hiện, sử dụng, đặt đúng người vào đúng nhiệm vụ; làm thế nào để những người lãnh đạo có tâm, có tầm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật  của Nhà nước, biết đặt lợi ích cộng đồng và quốc gia lên trên lợi ích cá nhân.

Tôi nhớ những bài toán dùng người của các thế hệ đi trước, các nhà lãnh đạo tìm được mảnh ghép cho từng mắt xích, mỗi mắt xích đó sẽ chịu trách nhiệm về một lĩnh vực, và chắc chắn đó phải là người có tài, có tâm, có tầm, có năng khiếu đặc biệt ở một lĩnh vực riêng, chứ không phải vì họ là người thường xuyên ở bên, hay quen thân và có mối quan hệ đặc biệt.

Nếu để nói mạnh hơn, thì để làm trong sạch công tác cán bộ, cần nhất vẫn là chữ “Tâm” trong mỗi con người, mỗi đảng viên, để nhìn về chặng đường lâu dài trong sự phát triển của đất nước chúng ta, nhất là trong quá trình đổi mới và hội nhập sâu rộng hiện nay./.

Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng/ Tạp chí Dân vận, số 6/2020

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác