Dự hội thảo có các đồng chí Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Nguyễn Lam, Triệu Tài Vinh; cùng lãnh đạo Ban Dân vận các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc, lãnh đạo một số vụ, đơn vị của Ban Dân vận Trung ương; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Học viện Chính trị - Bộ Công an; các chuyên gia, nhà khoa học...
|
Quang cảnh Hội thảo |
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo của đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó đề cập đến “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển…”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nêu 5 mục tiêu, nhiệm vụ nhằm phát huy ý chí, khát vọng vươn lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó nhấn mạnh cần phải có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Từ thực tế đó, Đề tài khoa học “Đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững”, mang mã số KHBĐ (2021)-43 và Hội thảo được tổ chức sẽ góp phần vào việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, rút ra những kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp, kiến nghị, tư vấn cho Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, tham mưu cho lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp có hiệu quả trong công tác vận động, phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững thời gian tới...
|
Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Đa dạng phương thức vận động phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiếu số trong khu vực
Đánh giá về thực trạng khu vực trung du và miền núi phía Bắc, với nhiều tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50% dân số toàn tỉnh, tiêu biểu như: Cao Bằng (95%); Hà Giang (90%); Bắc Kạn (88%); Lai Châu (84%); Sơn La (83%); Điện Biên (82%); Hòa Bình (74%); Lào Cai (66%)… Mỗi dân tộc ở đây có bản sắc văn hóa riêng, tiêu biểu, có tính cộng đồng cao và ý chí tự lực mạnh mẽ. Đây cũng là các tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều vùng trọng yếu, căn cứ địa cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực phát triển chưa theo kịp miền xuôi, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
“Đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực có hơn 7 triệu người, chiếm 50% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số cả nước (hơn 14 triệu người); thuộc 30 thành phần dân tộc, có những dân tộc rất ít người. Vì vậy, đánh giá, rút kinh nghiệm để làm tốt công tác dân tộc, công tác dân vận ở đây cũng có nghĩa là làm tốt được một nửa công tác dân tộc, công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số cả nước” - đồng chí Nguyễn Mạnh Quang, Phó Trưởng Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định...
Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo đều cho thấy thời gian qua, cấp ủy các tỉnh trong khu vực đã quan tâm lãnh đạo hệ thống chính trị tăng cường và đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững với những kết quả tích cực.
|
Đồng chí Lưu Minh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La phát biểu tại Hội thảo |
Theo đồng chí Lưu Minh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La, những năm qua, Tỉnh ủy đã lựa chọn ban hành những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo trúng, đúng, sát thực tế, hợp lòng dân. Trên cơ sở đó, chính quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi, tạo đồng thuận trong tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện. Tỉnh cũng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín.
Tiêu biểu như từ chủ trương về trồng cây ăn quả trên đất dốc, chuyển diện tích trồng cây ngắn ngày, sang trồng cây ăn quả; với cách vận động sáng tạo, phù hợp, giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh Sơn La đã đưa diện tích trồng cây ăn quả từ 26.000ha lên 84.000ha, giúp xây dựng nền kinh tế nông nghiệp theo nhu cầu thị trường, giúp giảm nghèo bền vững, đem lại thu nhập cao và ổn định cho bà con nông dân. Giai đoạn 2016 - 2022, toàn tỉnh đã triển khai cứng hóa mặt đường bằng bê tông xi măng 10.199 tuyến/2616,3km với tổng kinh phí đầu tư trên 2,7 nghìn tỷ đồng, trong đó đã vận động nhân dân hưởng ứng, đóng góp trên 1,8 nghìn tỷ đồng (chiếm hơn 53%)… Nhờ đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 33% năm 2015 xuống còn hơn 17% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025); có 03/05 huyện được công nhận thoát nghèo.
Phát biểu của đồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên thì cho rằng điều quan trọng trong vận động đồng bào là “Nói phải đi đôi với làm, làm phải thực chất, có kết quả để người dân thấy, thì người dân sẽ tin tưởng, ủng hộ. Tránh tình trạng lợi dụng phát triển kinh tế - xã hội để tham nhũng, tiêu cực; nói mà không làm, không có sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên”.
|
Đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Từ kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng cần tiếp tục có sự nghiên cứu, đổi mới trong xây dựng, triển khai chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát huy được vai trò, sự tham gia và tính tự chủ của người dân hơn nữa. Theo quy định hiện nay, việc ban hành chính sách là ở cấp Trung ương và tỉnh (cấp huyện, xã chủ yếu là triển khai) nên việc đổi mới cách thức công tác dân vận, nhất là ở cấp cơ sở càng có ý nghĩa quan trọng, vì làm tốt công tác dân vận là cách tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của khu vực - Đồng chí Triệu Tài Vinh gợi mở.
Đại tá, PGS. TS. Vi Thái Lang, Học viện Chính trị Công an nhân dân, cũng đồng tình đưa ra ý kiến công tác dân vận cần tập trung đổi mới hướng về cơ sở, làm tốt ngay từ cơ sở, bởi khi ở cơ sở đã ổn thì xã cũng ổn, huyện cũng ổn, tỉnh cũng ổn. Ở những nơi nào kinh tế - xã hội phát triển ổn định thì tình hình an ninh trật tự cũng sẽ ổn định. Đại tá Vi Thái Lang mong muốn Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống đồng bào, nhất là ở khu vực biên giới, để người dân sinh sống ổn định, gắn bó với quê hương, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tham luận của các đại biểu cũng đưa ra những bài học kinh nghiệm, giới thiệu những cách làm hiệu quả trong công tác vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu như: Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy vai trò các tổ dân vận ở cơ sở; phát huy người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường vận động, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội trong công tác dân vận; tổ chức tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động gắn với biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình Dân vận khéo; bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp và bài trừ hủ tục; huy động sức dân trong xây dựng nông thôn, giảm nghèo bền vững, thực hiện an sinh xã hội, xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột nát… Trên cơ sở đó, các ý kiến, tham luận đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể để đổi mới nội dung, phương thức vận động thời gian tới.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động để phát triển bền vững
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cảm ơn và ghi nhận các ý kiến, tham luận tâm huyết, với nội dung khoa học, thực tiễn phong phú, đóng góp thiết thực vào công tác nghiên cứu khoa học của Đề tài.
|
Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương và các đại biểu dự hội thảo |
Cùng với cách tiếp cận từ nhiều góc độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc điểm tâm lý, đời sống của đồng bào… các ý kiến cũng đã tập trung nhận diện, phản ánh, trao đổi về những vấn đề mới đang đặt ra hiện nay, những thuận lợi, khó khăn, thách thức. Qua đó đưa ra dự báo, có những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác dân vận nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.
Ghi nhận các ý kiến cho rằng nhiều chủ trương, chính sách có mục tiêu đưa ra trúng, đúng; nhưng phương thức triển khai có lúc, có nơi còn chưa phù hợp, thiếu hiệu quả, chưa phát huy được các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của địa phương, khu vực… đồng chí Phạm Tất Thắng đồng tình với kiến nghị, giải pháp cần tăng cường phân cấp, ủy quyền trong thực hiện các đề án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nhằm tăng tính chủ động của địa phương và người dân...
Tất cả để hướng đến mục tiêu phát huy được cao nhất sức mạnh nội tại của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển mọi mặt đời sống, không chỉ giảm nghèo mà còn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra - Đồng chí Phạm Tất Thắng khẳng định.
Phan Thanh